Tết, người lớn còn muốn nghỉ ngơi sao bắt trẻ em phải học, làm bài

11/02/2021 06:14
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Người lớn mỗi dịp Tết còn muốn nghỉ ngơi, xả tress sao lại bắt trẻ con phải học bài, làm bài tập trong những dịp đó", thầy Đậu Xuân Thoan nói.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mới đây có ban hành Công văn số 226/SGĐT – GDMNTH ký ngày 26/01/2021 về việc “Nghỉ Tết không áp lực bài tập”.

Sau khi công văn này được ban hành trên trang web chính thức của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nhiều phụ huynh đã lưu lại và chia sẻ trên các trang mạng xã hội và nhận về không ít các ý kiến trái chiều.

Nhà giáo Đậu Xuân Thoan – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học tâm lý - giáo dục thuộc Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam. Ảnh: giaoduc.net.vn

Nhà giáo Đậu Xuân Thoan – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học tâm lý - giáo dục thuộc Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam. Ảnh: giaoduc.net.vn

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà giáo Đậu Xuân Thoan – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học tâm lý - giáo dục thuộc Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, thẳng thắn cho rằng, nên khuyến khích các địa phương áp dụng trên diện rộng mô hình này để đảm bảo cho các em được vui chơi thoải mái sau một năm học miệt mài.

Đồng thời, việc này có thể giúp các em có cơ hội tìm hiểu, khám phá các vấn đề khác ngoài con chữ để các em nâng cao thêm sự hiểu biết của bản thân, vì thực tế một tuần nghỉ Tết rất ngắn.

Về lý do đồng tình với công văn nêu trên, được thầy Đậu Xuân Thoan lý giải rằng: “Đầu tiên, chúng ta phải hiểu rằng, bản chất ngày Tết là ngày để toàn thể mọi người được nghỉ ngơi, xả hơi sau một năm lao động, học tập mệt mỏi.

Người xưa họ lấy những ngày đầu của một năm để làm mốc cho các thời gian cho phép con người ai cũng có quyền được nghỉ ngơi là vì thế. Người lớn đến mỗi dịp Tết cũng muốn nghỉ ngơi, xả tress sao lại bắt trẻ con phải học bài, làm bài tập trong những dịp đó.

Dù cả các giáo viên có chủ động giao bài tập về nhà trong những dịp này cho học sinh thì thực tế cũng có thể đoán định được rằng, các em cũng chỉ học cho qua, học đối phó bởi trong tâm lý của các em cũng không hào hứng lắm với chuyện bài vở trong dịp nghỉ này.

Đó là chưa kể đến chuyện ngày Tết còn nhiều mối quan hệ bạn bè khi Tết đến có tác động lôi kéo, đánh vào tâm lý chây ì của các em.

Vì thế, quan điểm của tôi là đồng tình với công văn đó của Sở Giáo dục và Đào tạo Bà Rịa – Vũng Tàu. Việc đề ra công văn ấy cũng thể hiện cái tâm và cái tầm của người đứng đầu ngành giáo dục địa phương quan tâm đến đời sống tinh thần của các em học sinh”.

Để giải thích cho nhận định rằng, một tuần nghỉ Tết cũng rất ngắn thầy Đậu Xuân Thoan cho rằng: “Trong đợt nghỉ Tết năm nay, các em có được nghỉ thêm một tuần trước so với ngày ấn định chung.

Tuy nhiên, cũng phải xét đến việc nghỉ phát sinh trước một tuần ở một số địa phương là do tình hình dịch bệnh và chúng ta cũng cần phải đề cập đến phương án xử lý quyết đoán và hiệu quả của Bộ Giáo dục đó là trong thời gian nghỉ ở nhà, các trường vẫn cho các em học online cả tuần đó.

Dẫu biết là chất lượng của việc học trực tuyến này không hiệu quả bằng việc học trên lớp, nhưng ít ra trong tuần đó kiến thức của em vẫn được giữ ổn định trong đầu. Tính ra, các em dù không được đi học ở trường nhưng nói đúng là kế hoạch nghỉ học dịp Tết thì vẫn theo đúng chủ trương.

Vậy là chỉ còn một tuần các em được nghỉ Tết đúng nghĩa, thời gian này theo tôi là cũng ngắn, rất ít khả năng các em quên được kiến thức đã được học trong tuần trước một cách nhanh như vậy.

Như tôi đã nói trước đó, ngày Tết là cơ hội để nghỉ ngơi nên cho các em được thoải mái đầu óc. Bởi, kể cả các môn mang tính tư duy kết nối không thể ngắt quãng mà buộc phải ra bài tập thì trong dịp Tết các em cũng chỉ học hời hợt, không có chất lượng”.

Trung Dũng