Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam - Nơi tôi gọi là nhà

21/06/2022 06:15
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Những bài viết mang đậm hơi thở cuộc sống của các nhà giáo đã được nhiều thầy cô đón nhận, góp thêm sự yêu thích, tin tưởng của độc giả đối với tòa soạn.

Tôi là một nhà giáo có thâm niên nghề đã gần 30 năm, hiện đang công tác tại Trường tiểu học Tân An 1 thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận. Bén duyên với nghề báo năm 2013, tôi đã từng cộng tác với hơn chục tờ báo trong và ngoài tỉnh.

Năm 2014, tôi trở thành bạn đọc thường xuyên của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam (nay là Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam). Những vấn đề báo phản ánh là những vấn đề liên quan mật thiết tới đời sống giáo dục của hàng triệu giáo viên như tôi. Tôi bắt đầu gửi những bài viết đầu tiên về tòa soạn để góp thêm tiếng nói của người trong cuộc. Thật may mắn, bài viết đã được đăng tải và nhận được khá nhiều phản hồi tích cực của bạn đọc.

Đặc biệt, lãnh đạo tòa soạn, Tổng thư ký tòa soạn đã có những góp ý thường xuyên, hướng dẫn thêm về các nghiệp vụ báo chí nên các bài viết của tôi mỗi ngày một hoàn thiện hơn.

Cũng nhờ được góp ý chân tình, tôi đã học hỏi được rất nhiều từ cách viết, cách tác nghiệp nên những “đứa con tinh thần” ngày một xuất hiện nhiều hơn trên chuyên mục Giáo dục 24h của báo.

Tác giả Phan Tuyết

Tác giả Phan Tuyết

Hạnh phúc khi được đồng nghiệp gửi gắm tâm tư

Tôi còn nhớ, loạt bài viết đầu tiên gửi tới tòa soạn với đề tài về các kỳ thi do tư nhân tổ chức tràn vào trường học, về chủ đề sáng kiến kinh nghiệm - nỗi ám ảnh của nhiều học sinh và giáo viên chúng tôi lúc đó.

Khi những bài viết được đăng, bạn đọc chia sẻ trên khắp các diễn đàn, hàng ngàn lượt bình luận đã tạo nên những cuộc tranh luận sôi nổi. Những đồng nghiệp của tôi chia sẻ bài viết trong các tin nhắn bày tỏ thái độ đồng tình, những cái “bắt tay bí mật” mà tôi gọi vui là “cái bắt tay dưới gầm bàn” tạo động lực cho bản thân viết tiếp.

Những bài viết của tôi ngày một xuất hiện nhiều và đều đặn hơn trên mặt báo mỗi ngày. Bạn đọc là đồng nghiệp từ khắp mọi miền đất nước cũng biết đến nhiều hơn.

Những tin nhắn, những cuộc điện thoại làm quen, trao đổi, bày tỏ tâm tư cùng nỗi bức xúc được giãi bày, gửi gắm.

Từ đây, các vấn đề tôi viết không còn là những trải nghiệm, băn khoăn, mong muốn của bản thân mà còn chuyển tải tâm tư, sự trăn trở và cả niềm vui, niềm hạnh phúc của nhiều đồng nghiệp trên khắp mọi miền đất nước.

Điển hình như như năm 2019, giáo viên tại huyện Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An đã gửi phản ánh về việc phải soạn gần 30 giáo án bằng cách viết tay mỗi tuần. Có trường, thầy cô giáo phải đi lao động cả thứ Bảy và Chủ nhật, việc lạm thu tiền học sinh, giáo viên, chất lượng bữa ăn ở một số trường nội trú…đều được thầy cô tin tưởng chia sẻ.

Tiếp đó là những bài viết phản ánh bất cập về cơ chế tuyển dụng và sa thải giáo viên, những cuộc thi, những phong trào thi đua vô bổ, áp lực về thành tích trong nhà trường…

Điều làm tôi vui và hạnh phúc nhất là sau mỗi bài viết đều có hiệu ứng tích cực. Có những đồng nghiệp hồ hởi nhắn tin: “Cảm ơn tác giả, cảm ơn tòa soạn”, “Nhờ những bài viết ấy, giáo viên tụi em đỡ khổ nhiều rồi”…

Giáo dục Việt Nam - Nơi tôi gọi là nhà

Không chỉ được góp tiếng nói của mình về giáo dục, tại đây bản thân tôi đã được đọc nhiều bài viết rất hay về ngành của mình. Thông qua những bài viết ấy, giúp chúng tôi càng hiểu giáo dục Việt Nam một cách toàn diện hơn.

Những tiếng nói từ người trong cuộc được phản ánh khách quan, trung thực, các góp ý mang tính xây dựng về các bất cập khi thực hiện Thông tư 30 (giáo viên phải viết nhận xét hàng ngàn học sinh mỗi tháng) đều đặn phản ánh trên giaoduc.net.vn.

Ít lâu sau, sự ra đời của Thông tư 22 khắc phục các bất cập của Thông tư 30 đã giúp cho hàng triệu giáo viên chúng tôi như được cởi trói.

Không chỉ góp ý, phản biện về các vấn đề bất cập, tôi còn nỗ lực lan tỏa những hình ảnh tận tụy, tận tâm đầy nhiệt huyết của những giáo viên đang hết mình vì sự tiến bộ của học sinh. Đó là những giáo viên cắm bản ở Kỳ Sơn, Tương Dương (Nghệ An) vượt qua khó khăn mang con chữ đến các bản làng heo hút hay các thầy cô tình nguyện dạy phụ đạo cho học sinh không lấy tiền, những phương pháp dạy học mới, những mô hình giáo dục tích cực…đều được chia sẻ đến thầy cô, bạn đọc cả nước.

Nhờ sự tin tưởng của độc giả, hằng ngày, tôi vẫn nhận được những cuộc gọi, những tin nhắn của nhiều thầy cô giáo ở khắp mọi nơi.

Có thầy cô nhờ tư vấn về các vấn đề còn băn khoăn trong thực hiện các chính sách, chế độ ở trường. Người bày tỏ sự ngưỡng mộ bởi cũng là giáo viên nhưng tôi đã dám nói, dám viết những điều ai cũng biết mà không hẳn đã dám chia sẻ.

Tôi cộng tác nhiều nơi, nhiều tờ báo nhưng có thể nói chưa có tờ báo nào lại có chế độ trả nhuận bút đều đặn, chu đáo như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Hàng tháng, sau ngày 21, chúng tôi đều nhận được bảng chấm nhuận bút để rà soát các bài viết được đăng tải và mùng 2 đầu tháng, chúng tôi đều nhận được đầy đủ nhuận bút từ tòa soạn.

Cộng tác viết bài, tôi được chia sẻ tiếng nói của người trong cuộc, được lắng nghe và có sự ghi nhận, thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn từ các cơ quan quản lý. Cùng với đó, chúng tôi có thêm một khoản thu nhập đều đặn, nhờ thế đời sống của tôi và các thầy cô cộng tác với Tạp chí cũng đỡ vất vả hơn nhiều.

Đặc biệt, tòa soạn luôn xem chúng tôi là người nhà. Tôi và nhiều thầy cô cộng tác viên thường xuyên của Tạp chí được quan tâm như chính các phóng viên chính thức của cơ quan.

Mỗi năm, chúng tôi đều có tiền thưởng Tết Nguyên đán, quà ngày Báo chí các mạng Việt Nam 21/6, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11… được ra tòa soạn ngoài Hà Nội. Hàng năm, chúng tôi cũng đều được tham gia chuyến du lịch nghỉ mát cùng tòa soạn. Mỗi khi gia đình chúng tôi có việc hiếu, hỷ, ốm đau Tòa soạn đều có lời động viên, hỏi thăm.

Đó là những ân tình khiến chúng tôi vô cùng cảm động. Tôi nghĩ không nhiều tòa soạn có chế đội đãi ngộ với cộng tác viên chu đáo, sự quan tâm tận tình như vậy.

Vì những nghĩa tình nhận được, tôi luôn xem Giáo dục Việt Nam là nhà. Bởi thế, từ khi cộng tác với báo đến nay đã 8 năm, những bài viết đầu tiên, các bài viết tốt nhất tôi luôn dành gửi về tòa soạn.

Còn hạnh phúc nào hơn, niềm vinh dự nào bằng, mỗi lần được đồng nghiệp, các giáo viên trên cả nước chia sẻ: Mỗi sớm mai thức dậy, trang web đầu tiên mở xem là giaoduc.net.vn.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết