Tăng tuổi hưu đối với giáo viên sẽ cản bước phát triển của giáo dục

29/10/2019 06:36
THANH AN
(GDVN) - Cuộc đời của mỗi con người không thoát khỏi sự khắc nghiệt của thời gian, khi tuổi càng càng cao thì đương nhiên sức khỏe con người càng kém đi.

Những người làm luật có cái lý của họ khi muốn nâng tuổi hưu đối với người lao động, trong đó có đội ngũ thầy cô giáo đang giảng dạy ở các nhà trường. Nhưng, người lao động thì lại không hề muốn điều này.

Tăng tuổi hưu đối với thầy cô giáo không chỉ sức khỏe của đội ngũ giáo viên không đảm bảo mà học trò cũng không thích học với các thầy cô lớn tuổi. Khoảng cách về tuổi tác quá xa, trong khi học trò bây giờ cần sự năng động, sôi nổi của người thầy.

Nhất là với cách đổi mới của ngành giáo dục hiện nay là chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực cho học trò thì thầy cô lớn tuổi càng thấy mình không thể bằng lớp trẻ về độ nhanh nhạy.

Những đổi mới liên tục của ngành giáo dục khiến cho những thầy cô lớn tuổi đuối sức (Ảnh minh họa: Lã Tiến)
Những đổi mới liên tục của ngành giáo dục khiến cho những thầy cô lớn tuổi đuối sức (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Bản thân người viết bài này dù chưa phải là già nhưng cũng không còn trẻ nữa. Nếu so sánh với khoảng chục năm trước thì rõ ràng bản thân không bằng chính mình khi còn trẻ khỏe.

Lúc ấy, bầu nhiệt huyết đang cao, tinh thần, lý trí cũng minh mẫn và sức khỏe còn dồi dào. Vào lớp có thể nói liên tục, cho học trò hoạt động liên tục. Nhưng bây giờ thì sự sôi nổi của sức trẻ đã không còn nữa.

Hôm nào dạy cả buổi liên tục là cuối buổi dạy phải ngồi lại nghỉ ngơi một chút mới có thể ra về.

Nhìn sang đồng nghiệp, đi dự giờ đồng nghiệp lớn tuổi hơn càng cảm thấy thương cho người thầy và thương cho cả học trò. Thầy cô lớn tuổi vẫn quen theo phương pháp mà mình đã được đào tạo trước đây.

Vẫn quen với lối truyền đạt kiến thức một chiều, nói nhiều nên lớp học đơn điệu chỉ nghe thầy nói mà ít có những hoạt động của học trò. Lớp học trầm hơn, học sinh cũng căng thẳng nhiều hơn mà các em lại thường rất thụ động.

Nhưng, khi đi dự giờ một số đồng nghiệp trẻ thì thấy họ sôi động hơn hẳn. Phương pháp dạy học hiện đại hơn. Họ cho học sinh hoạt động nhiều nên các em rất năng động trong các hoạt động của bài học. Và, đây mới là điều cần thiết đối với học trò trong một xã hội hiện đại.

Tăng tuổi hưu đối với giáo viên sẽ cản bước phát triển của giáo dục ảnh 2Hơn 50 tuổi thầy cô đã rệu rạo thì 60 tuổi còn đâu sức hấp dẫn trước học trò?

Chính vì thế, không phải ngẫu nhiên mà học sinh bây giờ thích học với thầy cô trẻ hơn là thầy cô lớn tuổi.

Bởi, thầy cô giáo trẻ thường năng động, có nhiều phương pháp hiện đại, kỹ thuật dạy học mới mà họ nắm được tâm lý học trò tốt hơn, dễ gần gũi với học trò hơn.

Vậy nên, việc tổ chức các hoạt động trong lớp thường tạo cho học sinh tâm thế học tập rất tốt. Thầy cô lớn tuổi thường rất khó bắt nhịp với sự thay đổi của ngành giáo dục trong bối cảnh mà ngành liên tục có những thay đổi như hiện nay.

Tăng tuổi hưu cho giáo viên lợi bất cập hại

Cuộc đời của mỗi con người không thoát khỏi sự khắc nghiệt của thời gian, khi tuổi càng càng cao thì đương nhiên sức khỏe con người càng kém đi. Khi sức khỏe không còn thì làm cái gì cũng khó.

Nhất là nghề dạy học thì trẻ hay già cùng đều phải đứng, phải nói nhiều trước học trò. Một thầy cô khi đã về già tất nhiên nói nhiều, hoạt động nhiều thì sẽ đuối dần vào các tiết cuối trong từng buổi dạy.

Vì vậy, trong trường học bây giờ thường tồn tại những biệt danh mà học trò đặt cho một số thầy cô như: “tiến sĩ gây mê”; “người thầy ru ngủ”…để ám chỉ những thầy cô cứ giảng đều đều mà không tạo được sức hút với học trò.

Nhưng quy định của ngành, già hay trẻ mà cùng một cấp học thì số tiết dạy cũng đều giống như nhau. Vì vậy, thầy cô lớn tuổi có thể tâm có thừa, nhiệt huyết vẫn cháy bỏng nhưng sức tàn rồi làm sao có thể “cháy” hết mình như những ngày mình còn trẻ khỏe.

Trong khi lớp học từ 40-50 học sinh, nhiều khi các em cũng quậy phá (học trò mà) tưng bừng, càng la rầy càng mệt và càng khiến cho học sinh cảm thấy không thích thú với thầy cô đang giảng dạy mình.

Gần như thầy cô nào cũng có bệnh nghề nghiệp

Tăng tuổi hưu đối với giáo viên sẽ cản bước phát triển của giáo dục ảnh 3Tuổi nghỉ hưu của giáo viên nữ sẽ là 60, nam là 62 không có ngoại lệ

Bệnh nghề nghiệp của giáo viên hay mắc phải là bệnh về chân, rất nhiều thầy cô bị viêm tĩnh mạch vì đứng nhiều quá.

Căn bệnh này chữa hoài, chữa mãi mà không khỏi. Nhiều nhất là đối với giáo viên nữ nhìn 2 cái chân liên tục nổi lên những tia máu li ti trông rất tội.

Một bệnh nữa mà giáo viên thường mắc phải là viêm thanh quản, viêm họng do nói nhiều, hít nhiều bụi phấn hàng ngày. Những giáo viên hay mắc phải căn bệnh này là giáo viên dạy Ngữ văn, Ngoại ngữ, giáo viên tiểu học…là những người phải nói nhiều, viết nhiều khi giảng dạy.

Chính vì thế mà đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên phổ thông không hề muốn những nhà làm luật tăng tuổi hưu đối với những thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy.

Dù biết rằng về hưu cũng sẽ buồn bởi khi đã theo đuổi nghề sư phạm thì khi xa học trò đều cảm thấy cảm giác hẫng hụt, thiếu vắng hàng ngày. Nhưng, biết làm sao được khi sức khỏe của mình không còn đảm bảo.

Khi đã lớn tuổi thường chậm chạp, mắt kém mà tối về còn hì hụi chấm bài, soạn giáo án và làm rất nhiều những công việc trường lớp như hồ sơ sổ sách, kế hoạch của người giáo viên theo công việc của mình đã được phân công thì rất khó kham nổi.

Nếu không giảm được thì thôi, giáo viên chúng tôi chỉ mong được giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như bây giờ. Về để lớp các em giáo viên trẻ khỏe mạnh, năng động kế cận, về vì sức khỏe của mình không còn đảm bảo công việc chung và về để ngành giáo dục được phát triển tốt hơn.

THANH AN