Tăng thu nhập cuối năm cho thầy cô, do cái tâm của Hiệu trưởng và Kế toán

01/01/2019 02:08
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Vì sự “bất ổn” tăng thu nhập cuối năm mà bao điều dị nghị nảy sinh, người ta cho rằng tăng thu nhập nhiều hay ít phụ thuộc vào tâm của hiệu trưởng và kế toán.

LTS: Câu chuyện cuối năm tăng thu nhập cho giáo viên với những cách làm khác nhau của các hiệu trưởng được thầy giáo Sơn Quang Huyến chia sẻ trong bài viết sau đây.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Khi có chính sách “tiết kiệm chi”, tăng thu nhập cho giáo viên, câu chuyện tăng thu nhập trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Nhiều trường, triệt để áp dụng “tiết kiệm”, mọi hoạt động chuyên môn cũng bị cắt xén bớt để dành tăng thu nhập.

Câu hỏi cửa miệng gặp nhau cuối năm là “trường bạn tăng thu nhập được bao nhiêu?”;  người ta dùng mức độ tăng thu nhập của giáo viên để làm thước đo “tâm” của hiệu trưởng và kế toán.

Trường này nhìn trường khác để công bố tăng thu nhập cuối năm kẻo “hớ”! Có trường, tuần trước hiệu trưởng công bố hơn chục triệu, tuần sau thì công bố chỉ bảy triệu. Những con số nhảy múa, “biết nói” với những người “biết tuốt”.  

Tranh biếm họa trên Laodong.vn
Tranh biếm họa trên Laodong.vn

Bên cạnh đó, có những trường ngân sách chi không đủ, còn nợ cả … lương giáo viên. Trường nào càng hoạt động phong trào, tăng thu nhập càng ít; ngược lại, trường nào hoạt động chuyên môn đẩy xuống mức thấp nhất, tăng thu nhập rất cao.

Cũng không ít trường, khi thay đổi kế toán, hiệu trưởng mới về, tăng thu nhập rơi xuống vực thẳm hoặc ngược lại.

Chính vì sự “bất ổn” của tăng thu nhập cuối năm mà biết bao điều dị nghị nảy sinh, người ta cho rằng tăng thu nhập nhiều hay ít phụ thuộc vào tâm của hiệu trưởng và kế toán!

Đảm bảo “đoàn kết nội bộ”, một số trường đã dành hẳn khoản chi cho tăng thu nhập, lễ tết cố định, bất di bất dịch bằng số phần trăm ngân sách cho phép.

Mọi hoạt động đòi hỏi kinh phí cũng không được sử dụng khoản này, dù thiếu. Với các trường này, đầu năm, giáo viên gần như biết con số gần đúng.

Một số trường khác, có “mối quan hệ tốt”, ngân sách dồi dào hơn; hoặc hiệu trưởng “khéo léo” xã hội hóa các hoạt động, đúng ra phải chi từ ngân sách, số tiền dư ra được tính cho tăng thu nhập.

Tăng thu nhập cuối năm cho thầy cô, do cái tâm của Hiệu trưởng và Kế toán ảnh 2Mong mỏi của giáo viên vùng khó khăn trong những ngày Tết

Mức độ tăng thu nhập của giáo viên thường chẳng đáng là bao, tính ra tháng vài trăm bạc.

Những người ngoài ngành giáo dục, đọc “cười mỉm chi”, nhưng với giáo viên, đó là con số không nhỏ. Cứ đến dịp cuối năm, lại có cảnh, kẻ khóc người cười trên bục giảng!

Thế nhưng không ít địa phương, giáo viên chưa hề nghe thuật ngữ mới “tăng thu nhập” bao giờ! Mong đừng bị nợ lương, là hạnh phúc rồi.

Làm sao để tăng thu nhập cho giáo viên, đảm bảo công bằng trong vấn đề này?

Cần phải hiểu rõ, tiết kiệm chi không phải là thắt chặt các hoạt động phục vụ cho dạy và học; tiết kiệm ở đây phải hiểu là chi hoạt động có hiệu quả, đúng đối tượng, không lãng phí.

Ra khỏi phòng, cúp điện; tắt khi không sử dụng; sử dụng nước phải khóa lại v.v... Tiết kiệm cho chính mình, cho tài nguyên xã hội. Tiết kiệm, nhưng tăng năng suất lao động, mới đúng ý nghĩa của nó.

Đảm bảo kiểm soát chi đúng, chi thực; phát huy tối đa vai trò của Thanh tra nhân dân trong giám sát tài chính đơn vị, chống tham nhũng cũng là biện pháp tăng thu nhập cho giáo viên hiệu quả.

"Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng; Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên", lời Bác Hồ đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự và nhân văn. Mong rằng cuối năm, đừng còn cảnh ngộ éo le trong trường học nữa.

Sơn Quang Huyến