Tăng học phí cần đảm bảo chất lượng giáo dục cũng phải tăng tương xứng

09/06/2022 06:32
Thiên Nhi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một số chuyên gia cho rằng, tăng học phí ở thời điểm hiện tại khi giá cả của nhiều loại hàng hóa quan trọng đều tăng có thể gây sức ép lên lạm phát.

Nhiều tỉnh, thành phố đang lên kế hoạch tăng học phí bậc học phổ thông trong năm học tới theo khung học phí mới tại Nghị định 81/2021//NĐ-CP của Chính phủ.

Dự kiến, năm học 2022-2023, mức học phí ở một số cấp học tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tăng gấp đôi. Cụ thể, bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông ở các quận, thị xã, thị trấn có mức học phí dự kiến là 300.000 đồng/học sinh/tháng; khu vực nông thôn là 100.000 đồng/học sinh/tháng (riêng bậc trung học phổ thông là 200.000 đồng/tháng); khu vực miền núi và vùng dân tộc thiểu số là 50.000 đồng/học sinh/tháng (bậc trung học phổ thông là 100.000 đồng/tháng). Các năm tiếp theo, học phí tiếp tục tăng. (1)

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề trên, Phó Giáo sư Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nhận định: "Việc tăng học phí được thực hiện theo lộ trình nhưng chúng ta phải tính toán và xem xét tăng học phí vào thời điểm hiện tại liệu có phù hợp với thực tế hay không.

Ngoài ra, khi học phí tăng, chất lượng giáo dục cũng phải được tăng lên, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học cần được chú trọng đầu tư hơn nữa, không thể thu học phí cao nhưng chất lượng đào tạo lại giậm chân tại chỗ".

Phó Giáo sư Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính). (Ảnh: nganhangvietnam.vn)

Phó Giáo sư Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính). (Ảnh: nganhangvietnam.vn)

Theo Phó Giáo sư Ngô Trí Long, việc các địa phương dự kiến tăng học phí có thể là một trong những yếu tố cộng hưởng dẫn đến lạm phát tăng cao khi cùng lúc các mặt hàng tiêu dùng, xăng, dầu đồng loạt công bố tăng giá.

“Giáo dục luôn được coi là quốc sách của mỗi quốc gia nên các chi phí liên quan đến giáo dục mà phải thu từ người dân như học phí thì trước khi quyết định tăng và tăng bao nhiêu thì cần được cân nhắc kỹ sao cho phù hợp với mức sống, mức thu nhập, sức chịu đựng của đa số người dân bởi học phí tác động tới hầu hết các gia đình, nhà nào cũng có con đi học.

Liệu tăng học phí, phụ huynh học sinh có đáp ứng được không hay là làm tăng thêm gánh nặng cho họ”, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho hay.

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế, Phó Giáo sư Đinh Trọng Thịnh cho rằng: "Sự thiếu hụt nguồn cung do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu vì đại dịch Covid-19 chưa được khắc phục, chiến sự Nga - Ukraine lại tiếp tục gây ảnh hưởng nặng nề tới nguồn cung nguyên, nhiên vật liệu dùng cho sản xuất của Việt Nam và tác động trực tiếp đến lạm phát cũng như tăng trưởng kinh tế.

Hàng hóa, xăng, dầu, gas... đồng loạt tăng giá, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Dù tăng học phí cũng rất cần thiết, đặc biệt là khi nước ta đang đẩy mạnh tự chủ tài chính trong các cơ sở giáo dục, nhưng nên xem xét lại thời hạn, lộ trình tăng để thể hiện được tính nhân văn, chia sẻ với người dân, đồng thời giảm áp lực tăng lạm phát trong nền kinh tế quốc dân".

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu quan điểm: "Theo tôi, các nhà quản lý nên đặt vấn đề đó là nền kinh tế của Việt Nam có đang tăng gấp đôi hay không? Nếu nền kinh tế đang trên đà tăng trưởng thì mới có cơ sở để tăng học phí.

Nhiều người cho rằng mức thu học phí ở Việt Nam thấp kể cả có tăng học phí, học phí ở Mỹ lên đến hàng chục nghìn đô mỗi năm. Thế nhưng, ở Mỹ hay các quốc gia phát triển khác, thu nhập quốc dân của họ cao gấp nhiều lần so với Việt Nam, sự so sánh này là khập khiễng.

Theo tôi, hiện tại, đất nước mới đang dần hồi phục sau đại dịch Covid-19, các địa phương nên cân nhắc tăng học phí ở một thời điểm hợp lý hơn".

Tương tự, Phó Giáo sư Bùi Thị An - Chủ tịch Hội nữ trí thức Thành phố Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho hay: "Những nhà quản lý cần lấy người dân là những phụ huynh, học sinh... làm trung tâm khi ban hành và thực hiện các chính sách.

Hơn hai năm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhiều gia đình rất khó khăn, mất việc làm và không có thu nhập, nếu bất đắc dĩ phải tăng học phí thì cần phân loại các đối tượng cho phù hợp. Những em học sinh thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình thuộc hộ nghèo cần được xem xét miễn, giảm học phí. Mục tiêu của giáo dục là không để các em học sinh phải bỏ học do hoàn cảnh, không để ai bị bỏ lại phía sau trong thực hiện quyền được học tập".

Cũng theo Phó Giáo sư Bùi Thị An, nếu tăng học phí, cơ sở giáo dục phải có trách nhiệm công khai, giải trình chi phí đào tạo, mức học phí, lộ trình tăng học phí cho từng năm học, khóa học; công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng theo quy định; công khai những trường hợp được hỗ trợ, miễn, giảm học phí.

Tài liệu tham khảo:

(1) https://www.vietnamplus.vn/hoc-phi-co-the-tang-manh-o-tat-ca-cac-cap-hoc-phu-huynh-lo-lang/792600.vnp

Thiên Nhi