Tân sinh viên hãy cẩn thận khi đi thuê nhà trọ

14/08/2018 07:01
Phan Tuyết
(GDVN) - Một số chủ phòng trọ đã chơi chiêu bài “dùng sinh viên lừa sinh viên” nên khá nhiều tân sinh viên lần đầu lên thành phố không có người thân quen đã bị lừa.

LTS: Lợi dụng nhu cầu tìm phòng trọ của những tân sinh viên mới từ quê ra nhập học, một số người chơi đã chiêu bài “dùng sinh viên lừa sinh viên” nhằm lừa dối nhằm trục lợi cho bản thân.

Trước thực trạng này, tác giả Phan Tuyết đã có những kinh nghiệm chia sẻ cùng bạn đọc về việc tìm phòng trọ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Thời điểm này, các tân sinh viên bắt đầu nhập học. Một số trường đại học, cao đẳng không có ký túc xá nên nhiều sinh viên có nhu cầu về chỗ ở phải đi thuê phòng trọ bên ngoài. Vì thế, nhu cầu về phòng trọ tăng cao.

Việc tìm phòng trọ của các sinh viên lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Ngoài một số phòng trọ ở gần các trường đại học, cao đẳng đã chật chỗ, khá nhiều phòng trọ ở xa trường, chất lượng phòng ở kém hoặc nằm trong khu không vệ sinh, thiếu an toàn về an ninh.

Bởi thế, một số chủ phòng trọ đã chơi chiêu bài “dùng sinh viên lừa sinh viên” nên khá nhiều tân sinh viên lần đầu lên thành phố không có người thân quen đã bị lừa. Người mất tiền đặt cọc, người bị ép đến đường “đi cũng dở ở không xong”.

Một sinh viên mới lên trường nhập học đang đi tìm phòng trọ (Ảnh minh họa: baonhandao.vn).
Một sinh viên mới lên trường nhập học đang đi tìm phòng trọ (Ảnh minh họa: baonhandao.vn).

Sinh viên lừa sinh viên

Ở gần các trường đại học, cao đẳng chúng ta thường thấy trên các bức tường nhà, các cây cột điện được dán khá nhiều thông tin cho thuê nhà trọ.

Thế nhưng với tân sinh viên ngoài quê lên phố thường có tư tưởng sợ bị quảng cáo lừa nên khá dè dặt tự mình đi tìm hiểu.

Các trường cũng có đội sinh viên tình nguyện (những sinh viên này thường học năm thứ 2 trở lên) nên khá am hiểu khu nhà trọ nào chất lượng, giá cả phải chăng, khu nhà trọ nào an ninh, sạch sẽ hoặc khu nào sập sệ, tồi tàn “treo đầu dê bán thịt chó”.

Nếu là sinh viên có tâm, làm việc đúng trách nhiệm, đúng tinh thần của những sinh viên tình nguyện, họ sẽ tư vấn khá chính xác.

Gặp được những sinh viên này, xem như tân sinh viên gặp may. Nhưng không ít sinh viên lại chính là tay “cò mồi” chuyên nghiệp của các nhà trọ.

Họ ăn hoa hồng của chủ nhà trọ khi giới thiệu được một khách hàng tới ở.

Phần trăm hoa hồng càng cao đối với những nhà trọ càng kém chất lượng, càng xa trường học. Nếu không tinh tường sẽ rất dễ bị lừa vì sự nhiệt tình, đeo bám của họ.

Mới đặt chân lên một trường đại học ở Thủ Đức thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi được một sinh viên trong đội sinh viên tình nguyện của trường (có băng đeo trên tay, có thẻ đeo trước cổ) tới trò chuyện một cách khá thân mật.

Tân sinh viên hãy cẩn thận khi đi thuê nhà trọ ảnh 2Cảnh giác thuê phòng trọ qua mạng khi đi thi đại học

Thấy cô bé xởi lởi, nhanh nhẹn, chúng tôi đã có cảm tình. Cô bé giới thiệu mình là sinh viên năm cuối và ở trong dãy nhà trọ của vợ một giảng viên trong trường.

Nói rồi, cô bé cho xem hình ảnh, nói về những điều thuận lợi, về giá cả…Dù thấy giá cũng khá cao nhưng chúng tôi nghĩ, nhà trọ của giảng viên thì tin tưởng chất lượng sẽ giống như quảng cáo.

Cô bé đồng ý chở chúng tôi đi, phải đi khá xa mới đến dãy nhà trọ ấy nhưng phòng ở không được như trong hình và lời cô bé nói.

Những căn phòng thấp bé, tối tăm, ẩm mốc, xung quanh hôi hám mùi rác, nước cống.

Khi gặp chủ nhà trọ, được cô bé giới thiệu là vợ của thầy giáo, họ tiếp chúng tôi khá nhiệt tình.

Trong lúc nói chuyện, khi trả lời những câu hỏi, vô tình chúng tôi bắt gặp ánh mắt của bà chủ và cô bé sinh viên có điều gì đó khả nghi. Nghi ngờ có gì không ổn, chúng tôi nói sẽ trả lời sau và đứng dậy ra về.

Bất ngờ, bà chủ thay đổi thái độ tỏ ra khó chịu với khách và nổi giận với cô bé sinh viên “đã bảo chắc chắn hãy dẫn tới, mất toi cả tiếng đồng hồ”.

Cô bé sinh viên có lẽ mất món tiền cò mồi béo bở nên cũng để mặc chúng tôi tự đi bộ lại trường, khác với lời cam kết lúc đầu “nếu cô chú không ưng thì con sẽ đưa về lại nơi này”.

Dù đi bộ cả đoạn đường dài nhưng cũng may chúng tôi chưa bị lừa. Sau này, cô con gái cho biết, may hôm trước, mình không đăng ký ở tại đó. Mấy đứa bạn con ở cũng phải chuyển đi rồi.

Bạn Nhã Uyên (Đại học Kinh Tế thành phố Hồ Chí Minh) nói rằng mình cũng bị sinh viên “cò mồi” dẫn đi xem căn phòng cách trường 5 km.

Tân sinh viên hãy cẩn thận khi đi thuê nhà trọ ảnh 3Sinh viên kiếm tiền nhờ ...kinh doanh phòng trọ

Tới nơi mới bật ngửa vì phòng thấp tè, với tay có khi đụng trần. Đã thế, chiếc giường cũ kĩ, đồ đạc trống không…khi không đồng ý thuê, sinh viên “cò mồi” đã hiện nguyên hình và nói, “từ sáng đến giờ chị không uống nước lã cầm hơi dẫn em đi”.

Thế là Nhã Uyên đành móc hầu bao 200 ngàn đồng đưa cho xong chuyện.

Một số sinh viên năm 2 chia sẻ rằng, ngày đầu nhập trường không biết nên cũng tin nhầm sinh viên “cò mồi”.

Thuê trọ xong rồi, một số điều khoản bị chủ nhà lật lọng, đành bỏ vài tháng tiền nhà để đi tìm nơi khác ở.

Kinh nghiệm tìm phòng trọ

Đa phần các tân sinh viên và người nhà lần đầu lên chốn thị thành nên đều dễ dàng tin tưởng vào những lời quảng cáo hấp dẫn trên các tờ rơi.

Số khác tin nhầm vào sinh viên “cò mồi” nên gặp phải phòng ốc lụp xụp, chật hẹp, không hề giống như trong lời quảng cáo.

Đã không thuê được phòng trọ ưng ý lại phải mất thêm tiền công môi giới cho “cò”.

Khi vào trường làm thủ tục nhập học, cần cẩn thận với những sinh viên giới thiệu phòng trọ nhiệt tình một cách thái quá.

Để chắc ăn, cần liên hệ với những sinh viên là con của bạn bè, của những người thân thiết hoặc những em đã ra trường đi làm trên địa bàn ấy. Với sự am hiểu và kinh nghiệm họ sẽ tư vấn cho chúng ta những khu nhà trọ ưng ý nhất.

Không nên trả tiền đặt cọc nhiều, vì khi có điều không như ý sẽ khó đòi lại và nguy cơ mất tiền là chắc chắn.

Phan Tuyết