Tâm tư của thầy giáo về thi đua - khen thưởng trong giáo dục

24/07/2017 07:51
SÔNG TRÀ
(GDVN) - Nếu không "sản sinh" các tiêu chí, đưa ra những định lượng để đánh giá, để cộng, trừ điểm số sẽ rất khó khăn cho việc phân loại, bình bầu các danh hiệu thi đua

LTS: Bàn về công tác thi đua - khen thưởng trong ngành giáo dục hiện nay, thầy Sông Trà thấy được bất cập, khó khăn trong việc thực hiện các tiêu chí.

Đồng thời, tác giả cũng bày tỏ mong muốn các nhà trường, Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo cần lấy chất lượng chuyên môn, tâm huyết với nghề làm tiêu chí hàng đầu để phân loại, khen thưởng, bớt đi những tiêu chí tiểu tiết, vụn vặt, gây ức chế, tổn thương đến nhà giáo.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Những quy định, theo dõi, đánh giá cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên làm cơ sở để xếp loại lao động, bình bầu các danh hiệu thi đua - khen thưởng cuối năm, ở mỗi đơn vị trường học thường có cách làm khác nhau.

Từ nhiều năm nay, các đơn vị đã xây dựng và áp dụng bộ tiêu chí đánh giá thầy, cô giáo dựa trên những định lượng quy ra con điểm cụ thể, được cả Hội đồng sư phạm thống nhất, thông qua từ đầu năm học như:

"Giáo viên A, trong tuần, tháng, trễ dạy 2 lần, quên ghi phiếu báo giảng 1 lần, vi phạm đạo đức nhà giáo đánh học trò 1 lần ở mức độ nhẹ....thì bị trừ điểm tính theo số lần và tính chất, mức độ của vi phạm; giáo viên B, trong tuần, tháng...có những thành tích, đóng góp nổi bật thì được cộng điểm".

Khi quy ra điểm như thế, đòi hỏi, yêu cầu các bộ phận, ban ngành trong trường phải có sự theo dõi, chấm điểm rất sát sao, chặt chẽ, công tâm, khách quan, nếu không dễ dẫn đến mâu thuẫn, đấu tố lẫn nhau... Xem ra, một số giáo viên cảm thấy mình không được thoải mái khi luôn bị nhà trường, tổ chuyên môn giám sát, "chấm điểm".

Bởi vì mình là viên chức, nhà giáo có lòng tự trọng về chuyên môn, nghề nghiệp của mình. Song, ở các nhà quản lý giáo dục, họ lại cái lý của họ.

Tâm tư của thầy giáo về thi đua - khen thưởng trong giáo dục ảnh 1

Thi đua khen thưởng thì làm sao cho công bằng, khách quan, chính xác?

Nếu không "sản sinh" các tiêu chí, đưa ra những định lượng, quy về điểm số để đánh giá, để cộng, trừ điểm thì rất khó khăn, thiếu cơ sở, căn cứ cho việc phân loại, bình bầu các danh hiệu thi đua.

Hơn nữa, các tiêu chí, việc cộng, trừ điểm vừa tạo sự công bằng cho tất cả mọi người lại vừa đánh động, nhắc nhở giáo viên khi thực hiện nhiệm vụ, vì trên thực tế, có không ít thầy cô giáo ý thức lao động, giờ giấc, hội họp, chuyên môn...khá lôi thôi, chểnh mảng, thậm chí tùy tiện, vô tổ chức.

Có giáo viên chưa tốt, rất thích thành tích, khen thưởng nhưng lại thiếu nỗ lực, phấn đấu, cuối năm thấy mình không có tên trong danh sách khen thưởng, các danh hiệu thi đua thì bắt đầu suy diễn: "tại tôi là giáo viên bình thường, tại Ban giám hiệu ghét tôi...”.

Thậm chí, có người còn bực tức, cay cú đến mức tung tin, đặt điều, nói xấu lãnh đạo, Hội đồng thi đua - khen thưởng nhà trường đủ thứ...Một số giáo viên cho rằng:

"Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, xếp loại chiến sĩ thi đua của mỗi đơn vị không quá 15%, điều này không hợp lý khi số lượng cán bộ, công nhân viên giữa các đơn vị, các tổ quá chênh lệch. Nơi có nhiều người giỏi bị tỉ lệ khống chế, nơi ít thì không đủ người hoặc tỉ lệ đạt quá cao".

Nhưng theo tôi, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo khống chế tỉ lệ chiến sĩ thi đua cấp cơ sở như vậy là phù hợp, nhằm tránh tình trạng lạm phát thành tích, các danh hiệu thi đua như đã từng xảy nhiều năm trước đây.

Không khống chế, mỗi một đơn vị cuối năm lại hào phóng đưa lên tỉ lệ 30-50% người được khen thưởng; cả tỉnh có tới mấy ngàn người, kinh phí nhà nước, địa phương nào chịu cho thấu tiền chi trả?

Thực tế, cán bộ, giáo viên xuất sắc nhiệm vụ làm gì có nhiều đến thế. Còn việc điều tiết lại tỉ lệ chiến sĩ thi đua giữa các trường khi đưa về Sở Giáo dục và Đào tạo, theo tôi cũng không khó, trường nào tốt hơn, thành tích nhiều hơn thì Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ xét, bổ sung thêm, còn trường bình thường ít hoạt động thì hạ xuống.

Hình ảnh minh họa cho vấn nạn thi đua - khen thưởng trong ngành giáo dục (Ảnh: Tienphong.vn)
Hình ảnh minh họa cho vấn nạn thi đua - khen thưởng trong ngành giáo dục (Ảnh: Tienphong.vn)

Giữa tháng 7, đây là thời điểm các Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo xét xem các danh hiệu và hình thức thi đua, khen thưởng của cấp cơ sở. Ai cũng có chung mong muốn:

"Giáo dục là nghề mang tính nhân văn và sư phạm, xếp loại đánh giá thi đua cho giáo viên cũng phải thể hiện điều đó.

Xếp loại thi đua là để ghi nhận sự đóng góp của giáo viên, để động viên khích lệ lòng yêu nghề, yêu trường yêu lớp của họ, thể hiện sự tôn trọng, nâng niu chứ không phải làm cho người ta bất mãn, giảm đi nhiệt tình yêu nghề, thui chột sự sáng tạo.

Do đó, các nhà trường, Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo cần lấy chất lượng chuyên môn, tâm huyết với nghề làm tiêu chí hàng đầu để phân loại, khen thưởng, bớt đi những tiêu chí tiểu tiết, vụn vặt, gây ức chế, tổn thương nhà giáo…"

Nếu tất cả trường học, mọi giáo viên đều đồng bộ, trách nhiệm cao thì lấy tiêu chí trên là hoàn toàn xác đáng. Nhưng tiếc thay, điều ấy chưa có thể đạt được trong thời điểm hiện nay, bởi ý thức, trách nhiệm của không ít thầy, cô giáo chúng ta còn có “vấn đề”, đáng quan ngại.

SÔNG TRÀ