Tâm sự xúc động của sinh viên cả đời học cho bố mẹ

07/11/2012 06:43
Độc giả Trần Phương
(GDVN) - Chừng ấy năm con nhận ra rằng, việc vào đại học không phải chỉ cần siêng năng, cần cù mà cần kỹ năng và sự đam mê thực sự. Chọn nghề cũng như chọn bạn đời, không chỉ cần hợp nhau mà còn phải rất yêu người ấy. Con đã không hề hợp cũng như không yêu ngành y. Điều này sẽ trở thành thảm họa với bệnh nhân nếu con trở thành bác sỹ. Bỏ ra một thời gian dài để bây giờ con biết mình đã hèn nhát khi đã không đánh đổi mọi thứ để thực hiện đam mê.
Người ta vẫn nói rằng, con là đứa trẻ hạnh phúc, được sinh ra trong một gia đình gia giáo, mẹ là nhân viên kế toán, bố là bác sỹ. Con biết, bố mẹ luôn lo lắng và mong muốn chăm sóc cho con mọi điều tốt đẹp nhất. Thế nhưng, sự lo lắng của bố mẹ dường như “quá kỹ” đã khiến con luôn bị cấm đoán và mất tự do.

Nghỉ hè về quê ngoại, con luôn ghen tỵ với những đứa trẻ nơi thôn dã. Tuy thiếu cơm ăn, áo mặc nhưng các bạn đã được sống và vui chơi thỏa thích. Ngày đầu con về quê, quần áo rõ sạch, rõ thơm, bạn bè hỏi thứ gì cũng ngô nghê không biết, không phân biệt được đâu là con trâu, đâu là con bò, đâu là cây lúa, đâu là cây mạ. Chúng nó bảo con là đồ "gà công nghiệp".

Con, cô gái hai mươi tư tuổi đầu lần đầu tiên xin phép bố mẹ cho con được đi theo sự lựa chọn của riêng mình, được sống cuộc sống của con. Ảnh minh họa, nguồn internet.
Con, cô gái hai mươi tư tuổi đầu lần đầu tiên xin phép bố mẹ cho con được đi theo sự lựa chọn của riêng mình, được sống cuộc sống của con. Ảnh minh họa, nguồn internet.

HỘP THƯ TỐ CÁO TIÊU CỰC GIÁO DỤC

Chỉ cần một tháng ở quê con đã thực sự không muốn trở lại thành phố. Ở đây con được thả diều, đánh đáo, chơi khăng, thích thú nhất là đi bắt cào cào. Độ giữa hè, trời nắng oi ả, mùa gặt về, cả miền quê nhuộm một màu vàng, của nắng, của lúa, của rơm. Người lớn tất bật với vụ gặt còn bọn trẻ con chúng chạy khắp ruộng, đầu ngó nghiêng, tay cầm chai nhựa, tay cầm chiếc vỉ để rình bắt cào cào. Bố mẹ có hiểu rằng, vì sao những đứa trẻ con ở quê lớn lên lại ham học và học giỏi như vậy? Bởi chúng coi việc học cũng thú vị như những trò chơi, cảm thấy việc học là cần thiết. Nhưng con thì khác, việc học luôn là một gánh nặng.

Quay trở lại đầu năm học ngày cấp 1, bố mẹ sợ con thua kém so với bạn bè nên đã ép con học rất nhiều. Trong khi con muốn học vẽ thì bố mẹ chỉ cho con học toán, văn. Hàng ngày, con đi học hai buổi tại trường, năm buổi tối học với gia sư, hai buổi tối còn lại mẹ dạy thêm. Mỗi buổi tối mẹ bắt con rèn viết chữ trong ba trang giấy. Mẹ luôn bắt con viết đi viết lại, đánh vật với những con chữ đang dần ngả nghiêng theo tâm trạng chán nản của con. Những buổi học thường kéo dài đến khuya khi con đã quá mệt mỏi, ngủ lịm tới sáng hôm sau. Trong giấc mơ con thấy một vùng trời yên bình của triền đê đầy nắng, những cánh diều no gió mà tủi thân ứa nước mắt. Mẹ luôn hứa cuối tuần sẽ đưa con đi chơi, thế nhưng điều đó không khi nào thực hiện được vì mẹ bảo phải làm hết bài tập. Mẹ không biết rằng, con muốn được một ngày chơi đùa, một đêm được ngủ ngon giấc biết chừng nào.
Cứ như thế, những năm tháng học tập của con kéo dài trong vòng quay cuồng của học chính, học thêm. Từ cấp 1 đến cấp 3 con đến trường với cặp to đùng, về đến nhà là có núi bài tập đang đợi sẵn, tối tối phải đi học thêm để lấy lòng cô giáo, luôn đạt điểm cao để bố mẹ an lòng. Con ngoan ngoãn nghe theo ý định của bố mẹ như một con robot đã được lập trình.

Đến năm con bắt đầu bước vào ngưỡng cửa đường đời thì điều mẹ muốn và nguyện vọng của con hoàn toàn khác nhau. Con ước mơ thành một họa sỹ, vẽ lại những khoảnh khắc tuyệt diệu của cuộc sống thì mẹ lại cho rằng đó là điều viển vông. Mẹ muốn con trở thành bác sỹ, theo nghề nghiệp của bố. Mẹ giấu tất cả tranh vẽ, đồ nghề của con và bắt con học khối B trong khi con chỉ thích học văn và môn năng khiếu. Mẹ nói rằng, đam mê của con không gắn liền với cuộc sống, không đáp ứng được những điều xã hội đang cần, không làm cho bố mẹ vui.

Thương mẹ, con lại gò mình học khối B như một con rối trong những lò luyện thi đông đúc và nóng bức như "lò bát quái". Thế nhưng con vẫn không quên mày mò vẽ tranh theo đam mê của mình. Mùa thi đại học cũng tới, con thi đỗ vào Đại học Y theo nguyện vọng của gia đình. Bố mẹ hết sức mãn nguyện, càng cho rằng sự lựa chọn của mình là đúng. Nhưng bố mẹ không biết được rằng con đã thực sự bước vào giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời. 

Ngày nhập học tới, bạn bè ai cũng vui tươi, rạng rỡ thì con lại cảm thấy sức nặng đè lên vai mình thật khủng khiếp. Một tân sinh viên trường y lại là một đứa sợ máu từ nhỏ. Nỗi sợ ám ảnh đến nỗi ngay từ thuở bé con đã không dám ăn… quả dưa hấu vì có màu đỏ giống màu máu. Con là một đứa trẻ yếu đuối, chỉ cần bị đứt tay là đã run, chỉ cần ngửi mùi bệnh viện là đã tụt huyết áp. Điều này mẹ hiểu hơn ai hết. Thế nhưng, mẹ nói rằng tất cả đều có thể khắc phục được. Con phải học y để ra trường dễ xin việc, con phải học y để chăm sóc gia đình. Cuộc đời con bố mẹ đã lập trình sẵn những bước đi, con phải nghe theo nếu con muốn bố mẹ hạnh phúc, có thể bây giờ con không vui, nhưng về sau con sẽ hiểu. 

Bước vào giảng đường đại học, ngay từ những ngày đầu tiên con đã không ít lần hoảng sợ trong phòng phẫu thuật xác. Những năm học sau đó đều rất nặng nề, ngoài những lý thuyết cơ sở, chuyên ngành, 2/3 chương trình học con phải thực hành tại các cơ sở y tế, bệnh viện… để làm quen và bắt tay làm trực tiếp như một bác sỹ thực thụ. Những cảnh tượng máu me, thuốc thang, tiêm chọc, ốm đau, thậm chí tiếp xúc thường xuyên với xác chết trong giải phẫu là chuyện thường ngày. Trải qua nhiều lần ngất ngay tại chỗ khi nhìn thấy xác chết được vớt ra từ bể ngâm phoóc-môn con cũng trở nên vững vàng hơn. Tuy nhiên, con vẫn không hề thấy yêu quý nghề nghiệp của mình, dẫn tới kết quả học tập thật thảm hại.

Vật lộn mãi cuối cùng con cũng ra trường với tấm bằng đại học. Ngày con chính thức tốt nghiệp, trở thành cử nhân cũng là ngày con mang tấm bằng đại học về gửi cho bố mẹ.

Chừng ấy năm con nhận ra rằng, việc vào đại học không phải chỉ cần siêng năng, cần cù mà cần kỹ năng và sự đam mê thực sự. Chọn nghề cũng như chọn bạn đời, không chỉ cần hợp nhau mà còn phải rất yêu người ấy. Con đã không hề hợp cũng như không yêu ngành y. Điều này sẽ trở thành thảm họa với bệnh nhân nếu con trở thành bác sỹ. Bỏ ra một thời gian dài để bây giờ con biết mình đã hèn nhát khi đã không đánh đổi mọi thứ để thực hiện đam mê.

Nhưng không có gì là quá muộn. Những bức tranh con vẫn lén lút vẽ giấu bố mẹ đã có người “đỡ đầu”, một công ty danh tiếng đã mời con trở thành họa sỹ độc quyền của họ. Con, cô gái hai mươi tư tuổi đầu lần đầu tiên xin phép bố mẹ cho con được đi theo sự lựa chọn của riêng mình, được sống cuộc sống của con. Con mong rằng bố mẹ sẽ hiểu, bởi chỉ điều đó mới có thể khiến con hạnh phúc. 

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

Mẹ xin lỗi vì đã cướp mất đi tuổi thơ con

Tôi cảm thấy có lỗi vì đã đi dạy gia sư

GS Nguyễn Xuân Hãn "bóc" chuyện lãng phí tiền tỷ từ sách giáo khoa

Mẹ xin lỗi vì đã cướp mất đi tuổi thơ con

Phụ huynh sẽ kiện Hiệu trưởng Trường mầm non Sao Mai?

Việt Nam không tự thiết kế được hệ thống giáo dục hoàn chỉnh? (kỳ 3)

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng

Độc giả Trần Phương