Tâm sự của một hiệu phó về áp lực và bất lực khi xếp hạnh kiểm cuối năm

16/06/2020 06:07
HỒNG LAM SƠN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Xếp loại hạnh kiểm cuối năm tôi chịu nhiều áp lực từ nhiều phía và nhiều khi tôi đành bất lực, rất uất ức nhưng cũng phải làm!

Tôi là hiệu phó, được các đời hiệu trưởng phân công xét duyệt hạnh kiểm của học sinh suốt 12 năm trời.

Biết bao chuyện vui buồn, bao áp lực và bao lần bất lực trước những bản danh sách học sinh và trước căn bệnh “ngụy thành tích” trong trường học.

Hạnh kiểm là kết quả của một quá trình rèn luyện phẩm chất, ý chí, tu dưỡng đạo đức của học sinh.

Theo đó, hàng năm, ngay đầu năm học, nhà trường phối hợp Đoàn trường (Đội thiếu niên) đưa ra các tiêu chí thi đua, phấn đấu; các lỗi phạt, trừ điểm (khi vi phạm) và cộng điểm (khi làm được việc tốt).

Sau khi lấy ý kiến của tất cả giáo viên chủ nhiệm của học sinh; bản tiêu chí thi đua được hoàn tất; hiệu trưởng xác nhận và cứ theo đó thực hiện.

Giáo viên chủ nhiệm xếp hạnh kiểm hàng tuần; cứ 4 tuần xếp hạnh kiểm tháng; sau 4 tháng thì xếp loại hạnh kiểm học kỳ 1 và tuần tự như vậy khi bước vào học kỳ 2.

Khi được nhà trường phê duyệt kết quả từng học kỳ, giáo viên chủ nhiệm sẽ công bố trước lớp (thường không chênh lệch tỷ lệ khi giáo viên chủ nhiệm xếp trong lớp).

Nhưng xếp loại hạnh kiểm cuối năm mới chịu nhiều áp lực từ nhiều phía và nhiều khi tôi đành bất lực, rất uất ức nhưng cũng phải làm!

Nếu không phê duyệt theo “hướng dẫn” của hiệu trưởng thì tôi chắc chắn sẽ mất điểm khi xét thi đua cuối năm (thường là bỏ phiếu bình chọn với đủ thứ chuyện).

Tâm sự của một hiệu phó về áp lực và bất lực khi xếp hạnh kiểm cuối năm ảnh 1Giáo viên áp lực với việc xếp loại hạnh kiểm học sinh. (Ảnh minh họa: NOP/ Hoinhabaovietnam.vn)

Có trường hợp trong năm học, có một học sinh vi phạm kỷ luật nặng (ăn cắp tiền, điện thoại của bạn cùng lớp).

Mặc dù sau đó gia đình đã tìm cách khắc phục (trả lại tiền, điện thoại cho bạn) nhưng hạnh kiểm cuối năm của học sinh này (nếu rộng lượng, xem xét mọi khía cạnh) thì cao lắm đạt mức “Khá”.

Nhưng rất bức xúc là vị hiệu trưởng gợi ý giáo viên chủ nhiệm và tôi duyệt loại hạnh kiểm “Tốt” với lập luận rằng em đã trả lại, đã “khắc phục” nghĩa là em không vi phạm nữa!

Thôi cũng vì “thành tích” của nhà trường, tôi cũng duyệt nhưng trong lòng rất ấm ức, không thể tâm sự cùng ai cho nhẹ bớt!

Làm như vậy, học sinh sẽ không thấy cái lỗi của mình; có khi còn “cười” lại nhà trường không chừng khi mình “thoát tột”!

Tương tự, những học sinh vi phạm nội quy hơn 15, 20 lần; giáo viên chủ nhiệm đã xếp “khá” cho các em thấy được mức độ phấn đấu của mình và bản thân những em đó cũng chấp nhận, không khiếu nại gì!

Vậy mà lại có sự “gợi ý miệng” là nâng những học sinh mà giáo viên chủ nhiệm xếp hạnh kiểm “khá” trên thành hạnh kiểm “tốt” hết!

Hẳn các em cũng thấy được “lượng hải hà” của nhà trường và nếu có hối hận vì những vi phạm, cũng chỉ thoáng qua!

Như vậy, những học sinh học hành nghiêm túc, chấp hành tốt nội quy thì cuối cùng cũng ngang bằng với những học sinh thường xuyên vi phạm! Đây là một sự bất công trong xếp loại hạnh kiểm vì bệnh "ngụy tạo thành tích” trong nhà trường!

Rồi những học sinh được “nâng hạnh kiểm” đó có ý coi thường giáo viên chủ nhiệm, coi thường kỷ luật của nhà trường đưa ra.

Các em truyền tai nhau là cứ vi phạm, không sợ gì hết; cuối năm cũng tốt gần 99% tốt, còn lại số rất ít là “khá”!

Đồng ý là chúng ta không quá khắt khe, xếp các em hạnh kiểm “yếu” vì như vậy sau này khó cho các em khi vào đời.

Nhưng xếp loại hạnh kiểm phải đảm bảo khách quan, công bằng thì lúc đó các tiêu chí thi đua trong nhà trường mới có tác dụng và phát huy hiệu quả!

HỒNG LAM SƠN