Tâm lý học đường không thể kiêm nhiệm, phải đủ 3 chuyên

11/01/2021 07:16
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sau hơn 2 năm hoạt động, theo thống kê của Phòng tham vấn học đường trường Marie Curie có khoảng 3.000 lượt với hơn 1.400 học trò đã đến tư vấn.

Khi có dịp lắng nghe chia sẻ của thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường Marie Curie, Hà Nội, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam được biết, từ lâu, thầy muốn trong trường có một kênh chuyên môn hỗ trợ cho việc giáo dục học sinh với chức năng tư vấn tâm lý cho học sinh khi các em có trạng thái tâm lý không bình thường.

Trạng thái tâm lý ấy đến từ nhiều nguyên nhân có thể nguồn cơn từ gia đình cũng có thể đến từ lớp học bởi thầy Khang hiểu, khi diễn biến tâm lý của trẻ không tốt sẽ chi phối hành động dẫn tới ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập và khi chểnh mảng học hành thì nảy sinh ra chuyện thầy cô phê bình, bố mẹ quát tháo.

Đó chính lý do thầy Khang muốn thành lập Phòng tham vấn học đường với mong muốn phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp (khi cần thiết) để tháo gỡ tận gốc những vấn đề mà học sinh đang gặp phải khó khăn về tâm lý trong học tập và cuộc sống để tìm hướng giải quyết phù hợp, giảm thiểu tác động tiêu cực có thể xảy ra.

Giáo dục tâm lý phải giải quyết từ gốc, chứ xử phạt chỉ là phần ngọn của vấn đề

Phòng tham vấn học đường ra đời vừa đáp ứng mong muốn của thầy Hiệu trưởng vừa “đúng thời điểm” bởi năm 2017, Chính phủ Nghị định 80/2017 quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường và Bộ Giáo dục và Đào tạo có ban hành Thông tư 31/2017 hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông.

Thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie họp bàn cùng các chuyên gia tư vấn tâm lý học đường (ảnh: Marie Curie)

Thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie họp bàn cùng các chuyên gia tư vấn tâm lý học đường (ảnh: Marie Curie)

Là “ông nội” của hơn 4.000 học trò toàn trường, thầy Khang luôn luôn trăn trở làm sao để tháo gỡ đến nơi đến chốn để các em được phát triển đúng hướng. Bởi thầy tâm niệm, chỉ khi nhìn đứa trẻ một cách khách quan, nhìn được sâu vào tâm lý của trẻ, giúp các em thoát ra khỏi những vướng mắc về tâm lý thì mới khiến các hành vi của các em được trở nên bình thường. Vì tâm lý bất thường thì sẽ ảnh hưởng đến học tập cũng như các mối quan hệ khác.

Thế nhưng thầy Khang không có chuyên môn về lĩnh vực này, trong khi giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm ở các lớp mặc dù được đào tạo ngành sư phạm, trong đó có học về tâm lý nhưng khối lượng kiến thức rất ít ỏi, không đủ năng lực chuyên môn để hiểu sâu về vấn đề này.

Đặc biệt, giáo viên chủ nhiệm hay giáo viên bộ môn cũng rất nhiều công việc nên để bình tâm, tỷ mỉ làm tư vấn thì rất khó, vì vậy cách đây 3 năm (tức năm 2018-PV), thầy Khang quyết tâm thành lập cho được Phòng tham vấn học đường này.

Muốn hiệu quả thì phải đầu tư nhân lực và nhiều nguồn lực

Thầy Khang kể: “Ban đầu, tôi muốn tuyển giáo viên được đào tạo sâu lĩnh vực này về làm giáo viên cơ hữu của trường. Nhưng qua tiếp xúc, phỏng vấn 5-7 trường hợp thì người muốn đến với mình thì mình chưa muốn đón vì cảm thấy chưa đủ yên tâm để trao công việc đặc biệt quan trọng này cho họ, mà tuyển dụng biên chế rồi đến khi không hiệu quả thì sa thải rất khó”.

Thế là, “ông nội” của hơn 4.000 học sinh trường Marie Curie lặn lội đi tìm hiểu và biết một số đơn vị làm công tác xã hội nhưng họ làm công việc này rất chuyên nghiệp, họ không những được đào tạo chuyên sâu mà còn có đội ngũ chuyên gia tư vấn tâm lý cho các lứa tuổi đặc biệt lứa tuổi thanh thiếu niên.

Nhận thấy phù hợp với trường học nên thầy Khang nghĩ đến việc hợp tác, đó là Trung tâm Phụ nữ và Phát triển thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với đội ngũ chuyên gia vừa được đào tạo đến nơi đến chốn vừa có thực tiễn. Khi hợp tác, nếu họ làm thành công thì sẽ lâu dài, nếu không thành công thì “chia tay” cũng dễ hơn.

Với cách hợp tác đó, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển có 6 chuyên gia làm việc ở trường thường xuyên, nhưng khi có trường hợp phức tạp thì họ chủ động mời chuyên gia bên ngoài đặc thù cho những ca đó để phối hợp thực hiện.

Thời điểm đó, hai bên thảo luận và bắt tay hợp tác với tinh thần, Trung tâm cung cấp chuyên gia, còn trường Marie Curie cung cấp cơ sở vật chất từ phòng làm việc, trang thiết bị cần gì có nấy và trả lương cho các chuyên gia.

Đến tháng 6/2018, hai bên bắt đầu hợp tác và ký hợp đồng 1 năm xem hiệu quả như thế nào rồi mới tính dài hơi.

“Lúc đó, tôi cũng nói trước với các chuyên gia rằng kết quả mà tôi muốn là phải đếm được, tức là sau 1 năm thì giải tỏa tâm lý được bao nhiêu ca, tỷ lệ thành công, khiến bao nhiêu trẻ thay đổi được mình. Kết quả này phải được 2 đối tượng xác nhận đó là phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm đánh giá xem trẻ biến đổi hiệu quả, chuyển biến tích cực như thế nào”, thầy Khang nói.

Nhưng sau 1 năm thì tỷ lệ thành công khá lớn, Phòng tham vấn học đường không chỉ thu hút học sinh, giáo viên mà còn thu hút cả cha mẹ học sinh.

Bởi có những trường hợp, Phòng tham vấn tư vấn học đường đã giải tỏa tâm lý cho cả bố mẹ- những người rất có cương vị trong xã hội nhưng nội bộ gia đình phức tạp, mâu thuẫn trong cách giáo dục giữa bố - mẹ và con cái. Nhưng bằng sự nỗ lực, kiên trì, các chuyên gia đã “kéo” được cả bố và mẹ cùng vào cuộc để hỗ trợ con cái giúp trẻ phát triển tốt, gia đình hạnh phúc. Điều này thực sự đã nằm ngoài phạm vi nhà trường.

Để Phòng tham vấn tư vấn học đường hoạt động hiệu quả thì thầy Khang thừa nhận đã đầu tư rất lớn. Trường tư thục được tự chủ về tài chính nhưng quan điểm của chủ trường chưa hẳn đã giống nhau, thế nên cách thức, hướng đi của mỗi trường triển khai sẽ khác nhau nhưng về cơ bản là phải đầu tư cả nhân lực và nguồn lực.

Đặc biệt, trường tư thục không trả lương như nhà nước, không chỉ dựa vào bằng cấp, thâm niên mà trả lương trực tiếp vào công việc mà người lao động được giao, do đó khi xây dựng hợp đồng thì Trung tâm đưa ra mức lương dao động trên dưới 10 triệu đồng/ tháng.

Chúng ta hay gặp chuyện đời thường là “người bán thì bảo là già, người mua thì bảo thưa bà còn non”, ấy thế mà nhìn vào mức đề xuất lương, thầy Khang không đồng ý bởi thầy hiểu rằng, đối với một chuyên gia thì lương ngần đó ở đô thị chưa đủ sống, chưa đảm bảo nhu cầu tối thiểu và yêu cầu phải thiết kế lại hợp đồng thì mới ký khiến đối tác ngạc nhiên, sững sờ.

Thầy Khang bảo: “Tiền nào của nấy, lương đủ sống thì họ sẽ làm việc đến nơi đến chốn cũng giống như giáo viên nếu lương quá thấp thì người ta lo dạy thêm, sinh ra chuyện họ không tâm huyết, không dốc hết sức lực cho công việc mà tôi giao, chứ trả lương thấp mà không được việc thì phí vì vừa mất tiền lại không được việc. Khi đó tưởng rẻ mà lại hóa đắt. Nên tốt nhất là đầu tư đến nơi đến chốn để có hiệu quả.

Còn tất nhiên tôi là người trả lương thì tôi sẽ lo tiền, chính vì vậy dù không phải cán bộ cơ hữu của trường nhưng ngay cả các tháng 2, 3, 4 năm 2020 giai đoạn học sinh nghỉ ở nhà phòng dịch Covid-19 thì tôi vẫn trả lương đủ 100% cho các chuyên gia để họ còn tiếp tục làm việc dù bằng hình thức nào đi chăng nữa”.

Một trong những cẩm nang tư vấn học đường của trường Marie Curie, Hà Nội

Một trong những cẩm nang tư vấn học đường của trường Marie Curie, Hà Nội

Chính những sự động viên, quan tâm và thiết thực của thầy Khang đã khiến đội ngũ chuyên gia ở Phòng tham vấn học đường trường Marie Curie ý thức được công việc của mình để họ hết mình không chỉ trong giờ hành chính mà kể cả ngoài giờ, thứ 7 chủ nhật, miễn là hiệu quả, đến nay theo thống kê của Phòng cho biết có khoảng 3.000 lượt với hơn 1.400 học trò đã đến tư vấn. Bởi có những em đến 1 lượt là giải quyết xong vấn đề, có em 3-4 lượt.

“3C” làm nên hiệu quả tham vấn học đường ở trường Marie Curie

Trong Thông tư 31/2017 hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì “Thành phần Tổ Tư vấn, hỗ trợ học sinh gồm: Đại diện lãnh đạo nhà trường làm Tổ trưởng; thành viên là cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý, nhân viên y tế trường học, cán bộ, giáo viên phụ trách công tác Đoàn, Đội, đại diện cha mẹ học sinh và một số học sinh là cán bộ lớp, cán bộ Đoàn, Đội”, tuy nhiên theo thầy Khang, công việc kiêm nhiệm tức là giáo viên đó thiếu đi chuyên trách trong khi đó chuyên môn của những người kiêm nhiệm chưa đủ cao để giải quyết những vấn đề nảy sinh, phức tạp.

Đó là chưa kể đến nguyên tắc bảo mật, tính an toàn, nếu thông tin trẻ chia sẻ mà bị tiết lộ dẫn tới việc trẻ sợ, không bao giờ dám chia sẻ nữa và khi không chuyên nghiệp thì sẽ không biết trẻ tổn thương ở đâu, mức độ thế nào.

Đó chính là lý do khi thành lập Phòng tham vấn học đường, thầy Khang đã đi sâu vào 3 cái chuyên đó là “CHUYÊN MÔN, CHUYÊN NGHIỆP VÀ CHUYÊN TRÁCH”. Họ phải là những người có chuyên môn, được đào tạo bài bản về lĩnh vực này và làm việc chuyên trách – tức là không kiêm nhiệm thì mới thực sự có hiệu quả.

Nhìn lại chặng đường hơn 2 năm qua, đội ngũ chuyên gia trong Phòng tham vấn học đường tâm sự rằng: “Thầy Khang chính là người chắp cánh ước mơ để chúng tôi thực hiện đam mê của những người làm tâm lý chứ nếu không cứ có trường hợp nào rồi chạy theo để chữa trị thì sẽ rất khó phát triển thành mô hình chuyên nghiệp như Trường Marie Curie đang làm được”.

Thùy Linh