Tại sao giáo viên không thiết tha với phong trào thi giáo viên giỏi?

20/02/2016 06:29
Nguyễn Cao
(GDVN) - Theo thường lệ, năm nào các trường cũng tổ chức thi giáo viên giỏi để có nguồn dự thi ở cấp cao hơn như huyện thị, tỉnh (thành phố).

LTS: Cứ 4 năm một lần, các cấp học phổ thông tổ chức thi chọn giáo viên giỏi cấp sở (cấp tỉnh), 2 năm một lần đối với cấp phòng (cấp huyện) và cấp trường là hàng năm. 

Hầu hết các hiệu trưởng, hiệu phó và tổ trưởng chuyên môn đều than trời về việc chọn và động viên giáo viên chấp nhận đi thi cấp huyện. Vì hiếm có người tự đăng ký nên nhiều giáo viên bị chỉ định đi thi thì tỏ ra chán ngán.

Câu hỏi đặt ra rằng, tại sao giáo viên không thiết tha với phong trào thi giáo viên giỏi? Trong bài viết này, thầy giáo Nguyễn Cao chỉ mặt những nguyên nhân đó. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Mấy ngày qua, cô bạn tôi cứ than vãn về chuyện Ban giám hiệu “động viên” đi thi giáo viên giỏi cấp thành phố.
 
Cô bạn tôi phân trần rằng, giờ không đi thi thì không được bởi trong trường chỉ có vài giáo viên đủ điều kiện để dự thi mà Ban giám hiệu cũng đã “nhìn mặt gửi vàng” nhưng để thi được thì phải đầu tư rất nhiều và giả sử có đỗ thì cũng không có ích lợi gì. 

Theo thường lệ, năm nào các trường cũng tổ chức thi giáo viên giỏi để có nguồn dự thi ở cấp cao hơn như huyện thị, tỉnh (thành phố).

Tại sao giáo viên không thiết tha với phong trào thi giáo viên giỏi? (Ảnh: vietnamnet.vn)
Tại sao giáo viên không thiết tha với phong trào thi giáo viên giỏi? (Ảnh: vietnamnet.vn)

Nếu giáo viên thi đỗ qua 2 vòng giáo viên giỏi cấp trường thì được dự thi cấp huyện. Và nếu đỗ ở cấp huyện thì đủ điều kiện thi cấp tỉnh. Trong khi đó, thi cấp huyện thì 2 năm một lần, thi cấp tỉnh 4 năm một lần. 

Nhiều người băn khoăn rằng, rõ ràng danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện, tỉnh (thành phố) sẽ làm vinh danh người giáo viên nhưng tại sao họ lại không thiết tha với cuộc thi để Ban giám hiệu phải động viên, phải ấn định giáo viên tham gia?

Theo quy định hiện hành, để đủ điều kiện tham gia giáo viên giỏi các cấp thì yêu cầu đầu tiên là giáo viên đó phải có sáng kiến kinh nghiệm đạt giải. 

Điều kiện thi giáo viên giỏi cấp trường là một sáng kiến kinh nghiệm hoặc một giải pháp đổi mới được nhà trường công nhận. 

Tại sao giáo viên không thiết tha với phong trào thi giáo viên giỏi? ảnh 2

Thi giáo viên dạy giỏi, sao lại bỏ đi?

(GDVN) - Thi giáo viên dạy giỏi để kích thích thầy, cô dạy học, giáo dục học sinh tốt hơn nữa, không bao giờ chủ quan, tự mãn, bằng lòng với những cái đã đạt được.

Còn điều kiện để giáo viên được thi cấp huyện, tỉnh (thành phố) thì bắt buộc phải có sáng kiến kinh nghiệm từ cấp huyện trở lên. Ngoài ra, giáo viên phải nộp bản tóm tắt quá trình công tác và tham gia thi lý thuyết. 

Trong phần thi lý thuyết có 2 phần là trắc nghiệm và tự luận xoay quanh các văn bản hướng dẫn của ngành giáo dục và giải quyết các tình huống sư phạm buộc giáo viên phải vượt qua. 

Sau khi sáng kiến kinh nghiệm, kết quả phần thi lý thuyết được công nhận đủ điều kiện thi là lúc giáo viên đến phần thực hành trong 2 tiết trong đó 1 tiết dạy tự chọn và 1 tiết dạy bắt buộc tại một đơn vị khác. 

Do phải dạy ở một đơn vị khác mà 2 tiết dạy ở hai khối khác nhau nên trước khi dạy thực hành thì buộc giáo viên phải đến lớp mà mình được phân công để làm quen và dặn dò sự chuẩn bị của học sinh. 

Sau khi hoàn tất phần thi thực hành thì Ban giám khảo sẽ nhận xét về những cái được và hạn chế trong quá trình giảng dạy để từ đó xếp loại tiết dạy. 
Để được công nhận danh hiệu giáo viên giỏi thì 2 tiết dạy đó phải có 1 tiết đạt loại giỏi và 1 tiết đạt loại khá trở lên. 

Trước kỳ thi, Ban giám hiệu luôn động viên giáo viên đi thi để đem lại thành tích cho Nhà trường, cho cá nhân và có cơ hội học hỏi kinh nghiệm cho bản thân. 

Tuy nhiên, khi giáo viên đạt thành tích thì Ban giám hiệu được “mở mày mở mặt” mỗi khi họp với các đơn vị khác còn thành tích cá nhân thì lại bị phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. 

Tại sao giáo viên không thiết tha với phong trào thi giáo viên giỏi? ảnh 3

Đừng “ép” giáo viên đi thi dạy giỏi!

(GDVN) - Nhiều quan điểm cho rằng, việc tổ chức thi giáo viên giỏi các cấp như lâu nay chúng vẫn làm chỉ là hình thức, là “đi diễn”, là sáo rỗng và đòi bỏ thi.

Bởi lẽ, cuối năm xét thi đua thì chắc chắn Ban giám hiệu, Công đoàn, Đoàn thanh niên và các tổ trưởng chuyên môn nằm trong danh sách thi đua rồi tham gia bỏ phiếu tán thành. 

Họ nhìn nhau mà bỏ phiếu, chỉ có thành viên này không có thành tích gì thì danh hiệu kia mới đến lượt giáo viên đứng lớp. 

Hơn nữa, việc học hỏi kinh nghiệm từ các cuộc thi thực tế là số 0 tròn trĩnh. Vì sáng kiến kinh nghiệm thì thi thực hành thì đều độc lập với nhau, chỉ có phần thi lý thuyết là được ngồi cùng nhau nhưng toàn người lạ nên vào phòng thi chỉ biết cắm cúi làm bài, trao đổi thì vi phạm quy chế nên nói là học hỏi kinh nghiệm chỉ là kiểu nói xã giao. 

Hiện nay, công tác khen thưởng khích lệ các hội thi ở ngành giáo dục không phải địa phương nào cũng chú trọng. Thậm chí, nhiều địa phương cấp Phòng, Sở sau khi tổ chức thi chỉ gửi danh sách công nhận giáo viên giỏi qua email và gửi thêm tờ giấy chứng nhận giáo viên giỏi là xong. 

Tại sao giáo viên không thiết tha với phong trào thi giáo viên giỏi? ảnh 4

Ngành giáo dục nên xem lại Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi

(GDVN) - Hiện còn nhiều cơ sở giáo dục chưa mặn mà trong việc triển khai, thực hiện Điều lệ Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi.

Cuối năm, Ban giám hiệu nào quan tâm thì cuối năm thưởng cho giáo viên 50.000 – 100.000 đồng. 

Chính vì những bất cập về khen thưởng, xét thi đua đó nên giáo viên không thiết tha với hội thi này cũng là điều dễ hiểu.

Bởi, giáo viên phải bỏ ra nhiều thời gian, công sức để ôn luyện trải qua nhiều vòng thi trong khi vẫn phải đảm bảo công việc giảng dạy ở trường khiến giáo viên quá tải. 

Để Hội thi giáo viên giỏi thiết thực, người giáo viên chủ động tham gia thì đòi hỏi các cấp lãnh đạo cần thay đổi về hướng dẫn chỉ đạo, tránh hình thức.

Những thành viên được ngồi ở vị trí chấm thi buộc phải công tâm, đừng vì giáo viên này là chỗ quen biết mà nể nang rồi công nhận giải.
 
Hơn nữa, khi giáo viên đã có được thành tích thì nên có những phần thưởng khích lệ, họ cần được xét thi đua một cách công bằng. Chỉ có vậy mới tạo động lực cho giáo viên và hội thi mới nâng cao được chất lượng. 

Nguyễn Cao