Tại sao có giáo viên sợ thi đua?

18/09/2019 06:46
Trần Vũ
(GDVN) - Để việc đánh giá, xếp loại thi đua, khen thưởng cán bộ, giáo viên đảm bảo được tính khách quan, công bằng thì nhà trường đừng tạo ra áp lực để họ “sợ” thi đua.

LTS: Từ câu chuyện của anh bạn đồng nghiệp về việc thi đua - khen thưởng trong nhà trường, thầy Trần Vũ cho rằng, nhà trường đừng nên tạo ra áp lực để người giáo viên “sợ” thi đua.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Sau lễ khai giảng năm học mới, các cơ sở trường học bắt đầu chuẩn bị hội nghị cán bộ - viên chức; trong đó thi đua, khen thưởng là một nội dung không thể thiếu trong chương trình hội nghị.

Bởi: “Mục tiêu của thi đua nhằm tạo động lực động viên, lôi cuốn, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể phát huy truyền thống yêu nước, năng động, sáng tạo vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” (Luật Thi đua, Khen thưởng 2013).

Mục đích tốt đẹp của thi đua là như thế, tuy nhiên ở trường phổ thông, không phải không có giáo viên không sợ Hiệu trưởng hoặc Thanh tra Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo hoặc Hiệu trưởng thanh tra sư phạm; không sợ phụ huynh học sinh; không sợ làm giáo viên chủ nhiệm; không sợ viết sáng kiến kinh nghiệm; không sợ làm hồ sơ - sổ sách hoặc tham dự các hội thi…dù có người gần đến tuổi hưu, mà họ “sợ” nhất là…thi đua.

Thi đua khen thưởng trong nhà trường (Ảnh minh họa: tuyengiao.vn).
Thi đua khen thưởng trong nhà trường (Ảnh minh họa: tuyengiao.vn).

Bạn tôi, có thâm niên hơn 10 năm, dạy học ở một trường trung học phổ thông, có kể chuyện về thi đua - khen thưởng ở trường mình, đại ý như sau:

“Tốt nghiệp Đại học Sư phạm ngành Lịch sử năm đầu về trường được Hiệu trưởng phân công làm giáo viên Thư viện, nghĩa là người thầy phải đóng 2 vai: Vừa là giáo viên bộ môn giảng dạy 01 lớp, để được hưởng phụ cấp ưu đãi và phụ cấp thâm niên nghề; vừa làm nhiệm vụ của nhân viên phụ trách Thư viện nhà trường.

Là nhân viên Thư viện, dù không được đào tạo nghiệp vụ, vẫn phải thực hiện đầy đủ các loại hồ sơ - sổ sách theo quy định; đảm bảo tốt phục vụ bạn đọc; lập thống kê, báo cáo số liệu hàng tháng, quý, năm cho Ban giám hiệu nhà trường và Sở Giáo dục và Đào tạo và làm việc 40 giờ/tuần như nhân viên Tổ văn phòng.

Điều đáng nói, là nhân viên Thư viện chưa có quy định về Chuẩn nghề nghiệp như giáo viên nên Hiệu trưởng căn cứ vào Quy định về thi đua, khen thưởng của nhà trường để đánh giá, xếp loại thi đua và xếp loại viên chức cuối năm; nội dung Quy định thi đua nêu rõ: 

“Mỗi lần vi phạm giáo viên, nhân viên bị trừ 5 điểm; không phân biệt vi phạm quy chế chuyên môn của Ngành, những quy định của đơn vị về chuyên cần, tổ chức kỷ luật” (Trích Quy định của trường).

Danh hiệu “Lao động tiên tiến” được quy định như sau: “Đạt 80 điểm đối với giáo viên chủ nhiệm (điểm tối đa 100 điểm)” (Trích Quy định của trường), mà không phân biệt lỗi vi phạm đó nặng hay nhẹ, lần đầu hay tái phạm, mức độ thông thường hay nghiêm trọng.

Xét duyệt thi đua thầy cô, những sự thật cay đắng
Xét duyệt thi đua thầy cô, những sự thật cay đắng

Dù có điểm cộng thêm 5 điểm như: Tham gia các phong trào do Sở tổ chức, đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, bồi dưỡng học sinh giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, tỉ lệ học sinh lớp 12 tốt nghiệp…nhưng điểm cộng thêm không quá 20 điểm.

Có thể có giáo viên được điểm công thêm, nhưng bạn tôi thì không, bởi lý do ngoài công việc của Thư viện, còn được phân công dạy mỗi năm 01 lớp, lần lượt lớp 10 đến 12, rồi trở về lớp 10…thì làm gì đạt được hội giảng vòng trường để đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến”, so với giáo viên dạy nhiều lớp/khối.

Vì vậy, mỗi lần đi trễ giờ dạy, dự họp Tổ Văn phòng, họp Hội đồng sư phạm nhà trường, họp Tổ chuyên môn là bị trừ 5 điểm; hồ sơ sổ sách bộ môn và thư viện cập nhật không kịp thời hoặc thiếu sót bị trừ 5 điểm/lần; chấm bài kiểm tra sai, sót từ 1- 5 bài trừ 5 điểm, trên 5 bài trừ 10 điểm; nghỉ bệnh không quá 15 ngày trừ 5 điểm, trên 15 ngày trừ 10 điểm…

Quy định thi đua của nhà trường như thế, nên bạn tôi dù cố gắng đến đâu, cũng không tránh khỏi trong năm học số lần vi phạm lớn hơn 4.

Do vậy, kể từ ngày công tác ở trường này, chưa năm nào bạn tôi đạt được danh hiệu “Lao động tiên tiến”, nói gì đến danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” hoặc được xếp loại viên chức “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Nghiệt ngã hơn, là hàng năm các danh hiệu thi đua như: “Chiến sĩ thi đua” và “Lao động tiên tiến” được nhà trường tổ chức khen thưởng, trong buổi lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11; là một giáo viên có lòng tự trọng không thể không xấu hổ trước đông đủ đại biểu các ngành, các cấp; trước Ban đại diện cha mẹ học sinh; trước cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường; nhất là trước học sinh toàn trường tham dự lễ.

Từ câu chuyện của bạn tôi trên đây, để giảm bớt áp lực cho người thầy trong hoạt động thi đua, khen thưởng, thiết nghĩ:

1. Nên chăng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thiết ban hành Chuẩn nghề nghiệp cho các chức danh nhân viên Thư viện, nhân viên Thiết bị, nhân viên Y tế trường học, để họ an tâm thực thi nhiệm vụ được giao.

2. Hiệu trưởng các cơ sở trường học:

- Không phân công giáo viên bộ môn kiêm nhiệm Thiết bị, Thư viện; bởi theo Thông tư số: 16/2017/TT/BGDĐT ngày 12/07/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/8 /2017 quy định không có chức danh giáo viên Thư viện trong nhà trường, mà chỉ có chức danh nhân viên Thư viện; cùng với nhân viên Thiết bị, thí nghiệm; Công nghệ thông tin được bố trí mỗi trường trung học phổ thông công lập từ 2- 3 người…

Sự thật “Chiến sĩ thi đua cơ sở”
Sự thật “Chiến sĩ thi đua cơ sở”

- Khi vận dụng Hướng dẫn thi đua, khen thưởng của Ngành Giáo dục và Đào tạo, cần đề ra các tiêu chí thi đua:

“Cụ thể, thiết thực, có đầy đủ cơ sở khoa học, minh chứng rõ ràng, phù hợp với thực tế, đặc thù của từng địa phương, đơn vị; thành tích của đơn vị, cá nhân được đánh giá bằng sự tiến bộ của chính đơn vị, cá nhân đó; ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học, kiểm tra, đánh giá bảo đảm chính xác, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch” (Trích phát biểu của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).

“Việc xác định nội dung và chỉ tiêu thi đua phải khoa học, phù hợp với thực tế của cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương và có tính khả thi”(Luật thi đua, Khen thưởng 2013).

Không thể cào bằng, cứ mỗi lỗi vi phạm là trừ 5 điểm, phải phân biệt lỗi đó theo mức độ nặng hay nhẹ, lần đầu hay tái phạm, thông thường hay nghiêm trọng mà có khung điểm trừ hợp lý hơn; để việc đánh giá, xếp loại thi đua, khen thưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên đảm bảo được tính khách quan, công bằng và phản ánh đúng năng lực nghề nghiệp của họ; nhất là đừng tạo ra áp lực để họ “sợ” thi đua như trường hợp của bạn tôi.

Bởi, nguyên tắc khen thưởng là: “Chính xác, công khai, công bằng, kịp thời” (Luật thi đua, khen thưởng 2013).

Trần Vũ