Tác giả bài viết “Nhân viên nhà trường...” có đáng bị lên án?

24/04/2020 06:28
Đăng Bình
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Bạn vì nhát gan, vì sợ mất lòng nên dù biết hiệu trưởng phân công sai nhiệm vụ vẫn phải chấp nhận? Và như thế bạn trở nên vất vả thì bạn kêu than nỗi gì?

Bài viết “Nhân viên nhà trường có vất vả thật không?” của tác giả Đăng Bình đăng trên Giáo dục Việt Nam ngày 20/4 vẫn đang nhận được sự quan tâm của rất nhiều độc giả.

Công việc chuyên môn thế này nhưng hiện vẫn nhiều trường học bắt nhân viên kiêm nhiệm (Ảnh minh họa: Báo Nhân đân).
Công việc chuyên môn thế này nhưng hiện vẫn nhiều trường học bắt nhân viên kiêm nhiệm (Ảnh minh họa: Báo Nhân đân).

Hơn hai trăm lời bình luận mà 2/3 số ấy như một sự “lên đồng” phản ứng dữ dội việc tác giả cho rằng công việc của nhân viên trường học hiện nay nhàn hạ, không vất vả.

Trong nhiều comment còn dùng những lời lẽ lên án, chửi rủa tác giả “không có tâm”; “ác độc”; là “khẩu nghiệp”…

Họ cho rằng người viết bài không có thực tế chỉ ngồi gõ bàn phím khua môi, múa mép hay viết trong trí tưởng tượng.

Tác giả bài viết có đáng bị lên án thế không? Người lên án là những người đọc bài mà không chịu hiểu cái thông điệp quan trọng nhất mà người viết muốn truyền tải nên một người bức xúc, hàng loạt người khác a dua để trút nỗi bực dọc cho hả sự uất ức bị kìm nén trong lòng từ trước tới nay.

Cần phải nói thêm rằng, tác giả bài viết cũng làm trong ngành giáo dục hơn 30 năm. Đã có điều kiện đi nhiều nơi, làm việc ở nhiều môi trường giáo dục khác nhau và đã tận mắt chứng kiến những đồng nghiệp trong trường, trường bạn làm việc thế nào. Vì thế, sao nói là tác giả không có thực tế?

Khi bài viết nói nhân viên trường học không vất vả, các bạn chứng minh bằng hàng loạt công việc của mình đang phải làm trong ngày.

Nhưng mấy ai thử nghĩ lại xem, những công việc ấy có đúng với nhiệm vụ quy định không? Hay bạn đang bị hiệu trưởng lợi dụng để bắt làm tất cả những công việc không như trong hợp đồng đã ký?

Tác giả bài viết “Nhân viên nhà trường...” có đáng bị lên án? ảnh 2
Phản ứng trái chiều về bài viết “Nhân viên trường học có vất vả thật không?”

Bạn vì nhát gan, vì sợ mất lòng nên dù biết vẫn phải chấp nhận? Và như thế bạn trở nên vất vả thì bạn kêu than nỗi gì?

Xem thử bạn có đang làm đúng nhiệm vụ mà bạn đã ký trong hợp đồng?

Bạn H. chia sẻ: “Nhân viên trường học rất vất vả phải kiêm nhiệm nhiều việc, nhân viên y tế còn phải kiêm nhiệm thủ quỹ và nhiều công việc không tên trong trường”.

Bạn Luong Hien: “Tôi là 1 nhân viên thư viện trường tiểu học, tôi kiêm nhiệm công tác thiết bị, thủ quỷ, phổ cập, việc kiêm nhiệm cũng không được tính thêm phụ cấp.  

Sáng sớm 6h30 phải đến trường quét dọn các phòng chức năng, nước nôi các phòng ban, quét dưới thư viện xanh xong mới bước vào các công việc kiêm nhiệm”.

Bạn Quyên cho biết: “Kế toán mà ở một trường mầm non chỉ có một mình kiêm tất các loại. Tôi sáng đi sớm mở cửa quét tước dọn phòng hiệu trưởng hiệu phó và văn phòng rửa ấm chén phá nước.

Đến giờ hành chính tính ăn cho học sinh vào sổ sách tính tiền thực phẩm tên thực đơn xem vào đó hể có việc gì là Ban giám hiệu sai tằm tăm bông bống...trực email làm báo cáo vào sổ sách công văn đi đến, nộp và lấy báo cáo”.

Bạn Thư viện nói: “Kế toán kiêm văn thư, thư viện kiêm thiết bị nhưng thực chất tất cả các việc đều thư viện mà với đồng lương rất ít ỏi không đủ để trang trải cuộc sống”.

Bạn Nguyễn Hằng: “Tôi cũng là kế toán trường học, nếu nói là nhàn rỗi thì không đúng đâu ạ. Tôi làm cả công tác y tế học đường vì là cấp trung học phổ thông nên không có y tế”.

Bạn Thu Hiền: “Nhân viên trường học như tạp vụ ấy. Thư viện, kiêm thiết bị còn kiêm cả mảng phổ cập, lau chùi văn phòng...”.

Bạn Ngọc Hiền: “Như tôi làm văn thư phải kiêm thủ quỹ, thư ký mà trường tôi là trường bán trú toàn phần”. 

Bạn Cao Thị Thảo: “Ở huyện mình thì kiêm hết làm gì có thư viện riêng, thiết bị riêng, kế toán vẫn đánh trống trường từng tiết, làm báo cáo hành chính, quét dọn các phòng hành chính, chưa kể chuyên môn của mình”.

Bạn Lê Thị Bích: “Nhân viên thư viện – thiết bị ở trường học thường phải kiêm thêm rất nhiều việc trong trường, từ văn thư, y tế học đường, thủ quỹ... Như vậy 1người làm bằng 3-4 nhưng chưa có nơi nào trả lương kiêm nhiệm ngoài lương chính”.

Chỉ cần đọc bấy nhiêu comment cũng đủ hiểu vì sao bạn làm nhân viên lại vất vả còn người khác vẫn làm nhân viên mà nhàn hạ? (nếu không muốn nói là quá nhàn?).

Sao các bạn không một lần tự hỏi: “Chính các bạn có đang bị nhà trường lợi dụng, đang bị bóc lột sức lao động không?”

Có quy định nào bắt kế toán phải trực để đánh trống trường? Kế toán phải đi sớm lau dọn các phòng? Quy định nào Thư viện phải làm luôn công việc của một tạp vụ? Quy định nào văn thư phải làm phổ cập? (trong khi giáo viên tiểu học làm phổ cập được miễn 3 tiết dạy, giáo viên trung học được miễn dạy hoàn toàn).

Quy định nào kế toán phải làm luôn công việc y tế học đường? Quy định nào mình văn thư làm tất cả thiết bị, thư viện, thủ quỹ, tạp vụ như một số bạn phản ánh?

Tác giả bài viết “Nhân viên nhà trường...” có đáng bị lên án? ảnh 3
Nhân viên trường học vất vả thật không?

Chẳng có quy định nào thế cả, các bạn cứ mở hợp đồng của mình đã ký ra xem.

Trong thực tế thì vẫn có nhiều người kiêm nhiệm cùng lúc nhiều công việc như thế đấy.

Nhưng xin thưa, nhà trường phải trích một khoản tiền phù hợp để trả thêm hàng tháng cho họ.

Ngay những trường người viết bài công tác và trường của một số đồng nghiệp, nhân viên thư viện kiêm y tế học đường đã được trả thêm 1 triệu đồng/tháng.

Nhân viên thiết bị kiêm luôn văn thư cũng đã được trả thêm một tháng ít nhất từ 200 ngàn đồng trở lên.

Những bạn đang liệt kê nói rằng mình phải làm cùng lúc nhiều việc nên vất vả mà không nhận được một đồng tiền bồi dưỡng nào thì các bạn cần xem lại và cần trực tiếp hỏi người quản lý của mình vì sao lại thế?

Đã có không ít trường hợp, hiệu trưởng vì muốn giảm kinh phí bỏ ra nên đã yêu cầu các nhân viên kiêm nhiệm thêm việc. Thế nhưng bảng lương hàng tháng vẫn có chi cho những vị trí này. Nhiều nhân viên đã không biết mình đang bị lợi dụng công sức đấy.

Những nhân viên trường học như các bạn họ làm việc nhàn hạ là do họ làm đúng công việc mà chính họ đã thỏa thuận khi ký hợp đồng.

Vì những điều đó, bài viết không nhằm mục đích vạch ra sự nhàn hạ để công kích việc nhàn lương thấp thì kêu nỗi gì như một số người vẫn thường hay nhận xét bên ngoài.

Mục đích lớn hơn thế, chính là việc gộp công việc (mà thực tế hiện nay các nhân viên đang phải làm) để tăng lương xứng đáng cho họ.

Chỉ khi nhà nước gộp việc thì nhân viên mới được tăng lương

Trong thực tế thì hiện nay, nhiều trường học đã gộp việc của các nhân viên nhưng bản thân họ lại không được tăng lương.

Thế nhưng, nếu nhà nước sửa đổi Thông tư số: 16/2017/TT-BGDĐT Hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập đang áp dụng (giảm số nhân viên các trường xuống) thì việc tăng lương sẽ dễ thực hiện.

Bạn Dduongieu đã hiểu rằng: “Một mình làm thư viện, thủ quỹ, thiết bị, văn thư... Lương vẫn vậy. Vì thế, suy xét gộp việc tăng lương là hợp lý”. 

Vì thế, việc của các bạn nhân viên bây giờ không phải là kêu gào lên tôi đang làm vất vả (vì theo nhiệm vụ quy định chẳng có gì vất vả đâu) mà phải kiến nghị nhà trường không được phân công sai nhiệm vụ. Nếu nhà trường vẫn phân công kiêm nhiệm buộc phải trả thêm thù lao tương xứng.

Kiến nghị cấp trên ghi nhận những công việc mà nhân viên các bạn đang làm trong thực tế để có chính sách cải tiến tiền lương cho phù hợp hơn.

Đăng Bình