Sư thầy Thích Hạnh Khiết – Tấm lòng dành cho trẻ thơ, giáo dục

10/06/2017 07:08
Đỗ Tấn Ngọc
(GDVN) - Sư thầy Thích Hạnh Khiết từng tâm niệm, giúp đỡ con trẻ nhà nghèo được học hành, kiếm cái chữ là để đời, tương lai chúng nó không còn khổ nữa.

Bao nhiêu năm nay, nhiều học trò nghèo, những thân phận cơ nhỡ, bị bỏ rơi, các cụ già neo đơn, những gia đình nông dân có hoàn cảnh khó khăn ở vùng quê huyện Sơn Tịnh và thành phố Quảng Ngãi luôn coi sư thầy Thích Hạnh Khiết (trụ trì chùa Phước Quang, ở thôn Độc Lập, xã Tịnh Ấn Tây (Thành phố Quảng Ngãi) là ân nhân, là cha mẹ của mình.

Đối với học sinh nghèo, chăm học thì thầy quan tâm, giúp đỡ bằng những lời động viên, chia sẻ, những suất quà, suất học bổng gồm tiền mặt, sách, vở, xe đạp.

Bằng sự tinh thông về đông y của mình, thầy thường xuyên khám chữa bệnh miễn phí cho những người dân lao động nghèo trong vùng.

Đối với các cụ ông, cụ bà neo đơn, thầy cưu mang, bảo bọc hết lòng, còn các thân phận cơ nhỡ, bị bỏ rơi từ buổi cất tiếng khóc chào đời, thầy ẵm về nuôi, coi như con đẻ và dành tất cả tình yêu thương cho chúng nó. 

Sư thầy Thích Hạnh Khiết. (Ảnh: Đình Phùng)
Sư thầy Thích Hạnh Khiết. (Ảnh: Đình Phùng)

Sư thầy Thích Hạnh Khiết từng tâm niệm, có ít thì cho ít, có nhiều cho nhiều, cốt ở cái tâm là chính.

Trên đời này còn nhiều người cực khổ cho nên mình còn sức khỏe thì còn làm từ thiện. Giúp đỡ con trẻ nhà nghèo được học hành, kiếm cái chữ là để đời, tương lai chúng nó không còn khổ nữa.

Tâm can của Sư thầy luôn đau đáu, canh cánh về điều đó. Chính vì vậy, từ đầu năm 2004, sư thầy Hạnh Khiết thành lập Chi hội khuyến học của Tịnh Thất Phước Quang và trở thành Chi hội trưởng.

Trải qua 13 năm làm công tác khuyến học chi hội khuyến học này đã giúp đỡ kịp thời cho biết bao nhiêu học sinh là con em các gia đình nghèo khó ở địa phương được cắp sách đến trường.

Với vai trò là Chi hội trưởng, sư thầy Hạnh Khiết đã tận tâm xây dựng quỹ hội, bằng nhiều hình thức như kêu gọi sự chung tay đóng góp của từng hội viên, của tăng ni phật tử, sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm và việc thu gom mua bán phế liệu, giấy vụn để xây dựng quỹ hội và tổ chức cấp phát học bổng sau Tết Nguyên Đán hàng năm.

Sư thầy Thích Hạnh Khiết – Tấm lòng dành cho trẻ thơ, giáo dục ảnh 2

Tấm lòng chia sẻ yêu thương của các giáo viên Bình Thuận

(GDVN) - Không bận lòng vì tiền thưởng ít, thầy cô giáo nơi đây vẫn ngày đêm tất bật lo toan để mang Tết đến cho những mảnh đời bất hạnh.

Cụ thể là đợt cấp phát học bổng trong đầu năm 2017, chi hội khuyến học chi hội Tịnh Thất Phước Quang của sư thầy Hạnh Khiết đã trao tặng 10 xe đạp và 2.000 tập vở cùng 200.000 đồng cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong học tập.

Đây là năm thứ 14 Tịnh Thất Phước Quang tổ chức trao học bổng nhằm tiếp sức, khích lệ cho các em có hoàn cảnh khó khăn đến trường.

Việc tặng xe đạp và tập vở cùng 200.000 đồng tiền mặt cho học sinh nghèo góp phần động viên các em tiếp tục đến trường, đồng thời giảm bớt khó khăn, gánh nặng cho những hộ nghèo nơi đây.

Nhiều em học sinh của Trường Trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng, nơi tôi đang công tác, mỗi năm cũng nhận được những suất học bổng, phần quà đầy ý nghĩa của thầy trao tặng. 

Gần 30 mươi năm qua, hơn 50 đứa trẻ được sư thầy nuôi dạy cho học hành đến nơi đến chốn, trong đó có hơn 30 người đã trưởng thành, làm việc ở nhiều ngành nghề.

Những người con trưởng thành ấy giờ đều quay lại hỗ trợ sư thầy nuôi dạy các em.

Hiện tại, Tịnh Thất Phước Quang của sư thầy Hạnh Khiết đang nuôi dưỡng, chăm sóc 10 trẻ em và được sư thầy cho ăn học đàng hoàng.

Để có tiền nuôi những đứa trẻ, lo cho các người già, sư thầy Hạnh Khiết phải làm nhang, làm thức ăn chay để bán, rồi chạy đôn chạy đáo đi xin từ thiện… trong điều kiện sức khỏe, thân thể của thầy nhiều khi không được tốt.

Ngoài ra, hàng tháng, sư thầy còn tổ chức 2 lần phát cơm miễn phí cho các bệnh nhân đang điều trị ở Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Tịnh.

Thấy việc làm của sư thầy có ý nghĩa cao cả đối với xã hội, một số nhà hảo tâm, các mạnh thường quân đã ủng hộ kinh phí để sư thầy xây dựng ngôi nhà hai tầng để làm nơi chăm sóc trẻ và người già.

Mình chịu cực, chịu khổ nhưng đem lại niềm vui, hạnh phúc cho nhiều mảng đời, số phận bất hạnh, khó khăn thì dù cực khổ mấy cũng rất giá trị, ý nghĩa”, thầy Khiết chia sẻ.

Đỗ Tấn Ngọc