Sự thật này Bộ trưởng có biết không?

09/06/2017 06:32
Phan Tuyết
(GDVN) - Giáo dục của chúng ta nhiều năm gần đây đang trên đà lao dốc, lỗi phần lớn không thuộc về giáo viên mà đó chính là căn bệnh thành tích.

LTS: Bày tỏ tâm tư của nhiều giáo viên hiện nay về việc bỏ biên chế, cô giáo Phan Tuyết gửi tâm thư đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.

Trong thư, cô Phan Tuyết nhấn mạnh rằng chất lượng giáo dục đi xuống không phải do lỗi của giáo viên mà nguồn gốc chính là bởi căn bệnh thành tích.

Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả.

Kính gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo!

Trên các diễn đàn xã hội ngày càng nóng lên sau công bố sẽ bỏ biên chế trong ngành giáo dục.

Đã có nhiều ý kiến phân tích của các chuyên gia và sự đồng thuận của họ khi cho rằng “bỏ biên chế sẽ giảm sức ì của giáo viên, tạo sự cạnh tranh của giáo viên giỏi và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục”…

Về lý thuyết điều này chẳng hề sai nhưng giữa thực tế và những điều lý luận mang tính sách vở lại là một khoảng cách khá xa.

Với vai trò của một người giáo viên có hơn 20 năm giảng dạy tôi chỉ muốn trao đổi về những điều mình biết, mình thấy, những điều đang diễn ra hàng ngày rất thực ngoài đời để góp một tiếng nói dù vô cùng nhỏ cho những ai đang quan tâm đến giáo dục có được cái nhìn toàn diện hơn.

Liệu khi bỏ biên chế rồi chúng ta có thu hút và giữ chân được giáo viên giỏi không? (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Liệu khi bỏ biên chế rồi chúng ta có thu hút và giữ chân được giáo viên giỏi không? (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Kính thưa Bộ trưởng!

Dù nghề giáo hiện nay đang phải chịu áp lực rất lớn về công việc và đồng lương giáo viên nhận được cũng quá ít ỏi so với công sức họ phải bỏ ra.

Nhưng để xin được một chân đi dạy trong các trường công lập lại chẳng hề đơn giản chút nào.

Sinh viên sư phạm ra trường muốn xin vào dạy hợp đồng ở các trường, tiền chạy việc ban đầu nơi ít thì vài chục triệu, nơi nhiều phải chi đến vài trăm triệu đồng (số tiền nhiều hay ít còn phụ thuộc vào môn giáo viên dạy).

Sinh viên thì thế, còn giáo viên thì sao? Những thầy cô đang trong nằm biên chế hẳn hoi nếu ai đó có nhu cầu chuyển trường từ vùng khó đến vùng thuận lợi hơn (ở một số địa phương) cũng phải mất vài chục đến vài trăm triệu đồng.

Sự thật này Bộ trưởng có biết không? ảnh 2

Chạy trốn nghề giáo?

Mức phí bỏ ra chạy việc như thế đã trở thành “mặt bằng chung” người đi trước truyền kinh nghiệm cho người đi sau bằng cách rỉ tai, truyền miệng.

Bởi thế, nếu đòi hỏi “nói có sách mách có chứng” thì chẳng ai có thể chứng minh điều này nhưng đây hoàn toàn là sự thật mà hầu như nhiều giáo viên đều biết, nhưng không biết điều này Bộ trưởng có biết không?

Không ít người đặt ra câu hỏi “Mức phí bỏ ra để chạy việc so với đồng lương ít ỏi gấp nhiều lần như thế nhưng vì sao nhiều thầy cô vẫn phải chấp nhận bỏ ra?

Có nhiều lý do nhưng chủ yếu có một số lý do chính như sau:

Thứ nhất, nghề giáo có sự ổn định cao, môi trường làm việc tương đối lành mạnh, ít tính cạnh tranh. Chính điều này đã thu hút được khá đông người chọn và gắn bó với nghề.

Bộ Giáo dục chưa thí điểm bỏ biên chế giáo viên mầm non, tiểu học, trung học

Thứ hai, những giáo viên dạy môn Toán, Lý, Hóa, Anh văn họ chấp nhận bỏ ra một số tiền lớn chạy việc như thế “nhưng nếu chịu khó “cày” (dạy thêm) chỉ vài năm là lấy lại được vốn (lời một cán bộ giáo dục nhận chạy việc hẳn hoi).

Điều này chẳng ai nghi ngờ, bởi nhiều giáo viên dạy các môn có thể dạy thêm người ít cũng kiếm chục triệu, người nhiều phải lên tới dăm chục triệu đồng/tháng.

Nay nghe tin Bộ trưởng sắp xóa bỏ biên chế giáo dục, bản thân tôi và rất nhiều đồng nghiệp cũng có đôi điều trăn trở.

Bộ trưởng cho rằng: “Nếu cứ giữ mãi định biên như hiện nay sẽ khó tạo bước đột phá trong ngành giáo dục.

Muốn thu hút và giữ chân được giáo viên giỏi cần có chế độ đãi ngộ lớn, sẽ khó tạo ra được động lực cho những người tâm huyết và lâu dài khó tạo được đột phá cho quá trình đổi mới giáo dục”.

Điều Bộ trưởng nói chẳng sai nhưng liệu khi bỏ biên chế rồi chúng ta có thu hút và giữ chân được giáo viên giỏi không? Ai sẽ đủ tâm, đủ tầm làm được điều này?

Hay lại tạo điều kiện cho nhiều cán bộ có quyền cầm cân nảy mực một mảnh đất màu mỡ để bóc lột, để trấn áp, thị uy với giáo viên?

Nếu như trước đây, thầy cô chỉ mất một lần chạy việc rồi đầu tư cho chuyên môn, an tâm để giảng dạy thì sau khi bỏ biên chế họ cứ phải sống trong tâm trạng bất an, lo nơm nớp việc mình có thể mất việc bất cứ lúc nào.

Và như thế, thời gian, sức lực không phải để nâng cao năng lực chuyên môn mà dành cho việc lo lắng, lo tìm mọi cách để lấy lòng cấp trên, phải lo tích trữ thêm tiền để kí tiếp hợp đồng hết lần này đến lần khác?

Có bao giờ Bộ trưởng tự hỏi “vì sao ngành giáo dục lại mắc căn bệnh thành tích nặng đến thế?

Ở các ngành giáo dục địa phương, lời nói của cấp trên luôn là “thánh chỉ’. Bởi thế, cấp dưới luôn phục tùng mệnh lệnh cấp trên mà không dám bất tuân vì sợ bị liệt vào dạng chống đối, giáo viên lại càng sợ điều này hơn ai hết.

Họ không sợ bị đuổi việc vì họ còn có biên chế. Nhưng chuyện bị chuyển từ trường gần nhà đến một ngôi trường xa xôi là điều có thật.

Thầy cô còn trong biên chế mà luôn sợ Hiệu trưởng như sợ… cọp khi họ chỉ là thân phận của kẻ hợp đồng còn ai dám phản kháng đấu tranh?

Sự thật này Bộ trưởng có biết không? ảnh 4

Lãnh đạo nhà trường hội đủ tâm - tài hãy tính đến bỏ biên chế giáo viên

Rồi người chuyên môn dở nhưng biết xu nịnh, luồn cúi chẳng đắc thế hơn những người chuyên môn giỏi nhưng sống ngay thẳng hay sao?

Giáo dục của chúng ta nhiều năm gần đây đang trên đà lao dốc, lỗi phần lớn không thuộc về giáo viên.

Đó chính là căn bệnh thành tích, một căn bệnh trầm kha đã đang ngự trị và góp phần tàn phá nền giáo dục chân chính.

Vì điều này, người làm giáo dục không còn tâm huyết với chất lượng giáo dục bởi họ còn mãi chạy theo những hư danh phù phiếm.

Để nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay, nhiệm vụ cấp bách nhất là xóa bỏ bằng được căn bệnh thành tích ấy.

Khi không còn bệnh thành tích, giáo viên được dạy thật, học sinh được học thật. Vì thế, chất lượng giáo dục sẽ được nâng lên mà chẳng cần đến việc phải lo xóa bỏ biên chế.

Cuối cùng xin kính chúc Bộ trưởng thật nhiều sức khỏe!

Phan Tuyết