Sứ mệnh duy nhất của bác sĩ là cứu người

09/01/2021 06:52
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dù đại dịch covid-19 hay bất cứ sự kiện khác có thể xảy ra trong tương lai, sứ mệnh của người bác sĩ vẫn không có nhiều thay đổi, đó là cứu người.

Đó là chia sẻ của Đỗ Thế Bon, sinh viên ngành Bác sĩ đa khoa – Trường Đại học Duy Tân, người vừa xuất sắc đạt giải nhất tại cuộc thi học thuật về y tế do Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tổ chức tại Trường Đại học Y – Dược (Đại học Thái Nguyên) vào giữa tháng 11/2020.

Đây là diễn đàn cho sinh viên Y khoa trên cả nước trình bày quan điểm và nhận định của mình về giá trị, các vấn đề ưu tiên và các đặc tính mà một bác sĩ giỏi cần có.

Với chủ đề: “vai trò và sứ mệnh của sinh viên y khoa trước các vấn đề sức khỏe cộng đồng khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp”, bài tiểu luận của Bon đã được hội đồng giám khảo đánh giá cao.

Sứ mệnh duy nhất của một bác sĩ là cứu người

Trở về từ cuộc thi, Bon chia sẻ, điều khiến cuộc thi năm nay trở nên đặc biệt hơn bao giờ hết là nó diễn ra giữa đại dịch và chủ đề cũng xoay quanh vấn đề đó.

Sinh viên Y khoa Đỗ Thế Bon (bìa trái) tại Hội nghị về giáo dục Y khoa lần 4. Ảnh: AN

Sinh viên Y khoa Đỗ Thế Bon (bìa trái) tại Hội nghị về giáo dục Y khoa lần 4. Ảnh: AN

“Sinh viên y khoa ứng phó với những thách thức về y tế trong thế kỷ 21, là chủ đề mình chọn để trình bày trong tiểu luận. Trong đó có nêu rõ quan điểm của bản thân về sứ mệnh của một bác sĩ, những phẩm chất đạo đức của một người hành nghề y”.

Câu chuyện của Bon bắt đầu từ nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ y bác sĩ Việt Nam để cứu sống bệnh nhân phi công người Anh nhiễm covid-19 (bệnh nhân số 91).

Đó thực sự là một cuộc chiến của các thiên thần áo trắng để giành lại sự sống cho bệnh nhân từ tử thần. Nhưng các y bác sĩ không làm điều này để được tung hô như những người hùng mà những gì họ làm là đang cố cứu một sinh mệnh.

“Quan điểm mình trình bày trong bài tiểu luận là dù đại dịch covid-19 hay bất cứ sự kiện khác có thể xảy ra trong tương lai thì sứ mệnh duy nhất của người bác sĩ vẫn không có nhiều thay đổi, đó là cứu người. Còn điều quan trọng nhất đối với một bác sĩ thời đại số thì có lẽ tính cập nhật và thích ứng là thiết yếu nhất”, Bon nói.

Bản thân từng trải nghiệm hai tháng thực tập tại Bệnh viện Trung ương Huế trong giai đoạn dịch bệnh bùng lên căng thẳng nhất đã khiến Bon hiểu và cảm nhận sâu sắc hơn hết về y đức và nhiệm vụ của một người hành nghề y.

Trong buổi nói chuyện đầu tiên với sinh viên thực tập, thầy Phó Giám đốc Bệnh viện đã kể về câu chuyện ‘cơn bão cytokine’. Bị lôi cuốn bởi những kiến thức và khái niệm về vấn đề này, Bon đã mạnh dạn đến gặp riêng và nói chuyện với thầy.

“Thầy làm tôi hết sức kinh ngạc bởi những hiểu biết về bão cytokine mà tôi chưa từng nghe qua, mặc dù là một bác sĩ ngoại khoa. Nhưng điều khiến tôi trân trọng ở thầy chính là sự khiêm nhường.

Tôi nhắc lại câu chuyện này vì muốn ghi trong lòng dù ở độ tuổi nào, khiêm tốn và tinh thần học tập suốt đời là hai đức tính cần có để trở thành một bác sĩ tốt”, Bon trình bày trong tiểu luận.

Viết tiếp câu chuyện về những ngày chống dịch căng thẳng của Đà Nẵng, khi những đoàn Y bác sĩ ở các bệnh viện Chợ Rẫy, Bạch Mai… vẫn ngày đêm “hành quân” về tâm dịch, Bon cho rằng:

“Ngày những chiến binh áo trắng bước vào cánh cổng bệnh viện Đà Nẵng, truyền thông khắc họa họ với hình ảnh biệt đội siêu anh hùng.

Có một điều chắc chắn là họ không có siêu năng lực, cũng chẳng mang trên mình sứ mệnh giải cứu thế giới, tất cả những gì họ có là trái tim và khối óc để sẻ chia cùng cộng đồng”.

Theo Bon, thì có hai thứ cần phải cho đi, đó là tri thức và lòng tốt. Chỉ có một cách để lan tỏa tri thức, đó là chia sẻ. Nghề y cần một tấm lòng biết sẻ chia.

“Sống trên đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi... (Để Gió Cuốn Đi – Trịnh Công Sơn).

Mang sứ mệnh của một bác sĩ tương lai, tôi tin rằng cho đi là nhận lại. Chúng tôi sẽ không ngừng tích lũy kiến thức và giữ vững giá trị của mình để hoàn thành sứ mệnh cao cả của một bác sĩ như đã thế, đó là cứu người”, Bon viết.

Sinh viên Y khoa học tập như thế nào?

Những ngày cận Tết nhưng Bon vẫn bận rộn với công việc đi thực tập ở Bệnh viện. Những kiến thức trên giảng đường Đại học đã được Bon vận dụng vào quá trình tìm hiểu, khám chữa bệnh cho bệnh nhân.

Bài tiểu luận của Bon đã xuất sắc giành giải nhất. Ảnh: AN

Bài tiểu luận của Bon đã xuất sắc giành giải nhất. Ảnh: AN

Được xem là ngành đào tạo có chương trình học và thực tập vào dạng “nặng ký nhất” trong bậc đại học, vậy phương pháp học tập của sinh viên Y khoa ra sao?

Bon cho hay: “Em nghĩ không chỉ riêng ngành Y, vấn đề tự học là ‘bản năng’ cần có trong môi trường đại học. Thầy cô chỉ là người trao mình ‘cần câu’, còn mình phải tự tìm hiểu, rèn giũa các kiến thức, kỹ năng.

Điều trân quý nhất từ các người thầy chính là kinh nghiệm, chuyện đời, chuyện nghề mà không trường lớp nào dạy cả.

Em nghĩ mỗi người sẽ phù hợp với một cách học, miễn sao duy trì sự hứng thú trong việc học”.

Bon cũng nói thêm về phương pháp mà bạn đang dùng là gói gọn trong chữ: STAR (See - Think - Act - Reflect).

Seeđọc và nghiên cứu, trải nghiệm, quan sát. Think bao gồm tổng hợp, phân tích, phản biện. Act là bước ứng dụng, gồm lập kế hoạch, thử nghiệm, đo lường. Cuối cùng là Reflect: phản chiếu, đúc kết và điều chỉnh. Việc học đôi khi không cần quá xuất sắc, chỉ cần đúng phương pháp”, Bon vui vẻ chia sẻ.

Trên giảng đường Trường Đại học Duy Tân, những sinh viên Y khoa vẫn miệt mài đi tìm những tri thức y học tiên tiến nhất thế giới.

Nhưng câu chuyện truyền cảm hứng của Bon cũng đã giúp các bạn có cái nhìn và suy nghĩ đúng đắn hơn về y đức, về trách nhiệm của một bác tương lai.

AN NGUYÊN