Sơn La thí điểm mở 16 lớp dạy chữ và tiếng dân tộc Thái trong trường học

18/07/2017 15:18
Ngọc Diệp
(GDVN) - Sơn La đem môn học chữ và tiếng Thái thành một môn học chính thức trong trường học giúp các em học sinh là người dân tộc thiểu số được học chữ dân tộc mình.

Trong 12 dân tộc sinh sống ở Sơn La, người dân tộc Thái chiếm  gần 55% tổng dân số toàn tỉnh. Là dân tộc thiểu số có tiếng nói và chữ viết riêng tuy nhiên cùng với sự phát triển và hội nhập số người biết chữ Thái giờ chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay.

Từ năm học 2016 – 2017, tỉnh Sơn La đã chọn 4 trường tiểu học ở 2 huyện Thuận Châu, Quỳnh Nhai và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Mai Sơn để thí điểm dạy học tiếng dân tộc Thái. 

Như vậy để có giáo trình giảng dạy Trường Cao đẳng Sơn La đã biên tập chương trình giảng dạy tiếng Thái ở bậc tiểu học (từ lớp 3 đến lớp 5), đồng thời biên soạn chương trình tài liệu bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng dân tộc Thái. 

Chương trình, tài liệu giảng dạy chữ Thái tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên trong tỉnh (từ lớp 10-12) do Trung tâm Giáo dục Thưởng xuyên tỉnh Sơn La biên tập, chỉnh lý.

Sơn La thí điểm mở 16 lớp dạy chữ và tiếng dân tộc Thái trong trường học (Ảnh: Ngọc Diệp)
Sơn La thí điểm mở 16 lớp dạy chữ và tiếng dân tộc Thái trong trường học (Ảnh: Ngọc Diệp)

Ông Điêu Văn Nhặt - phụ huynh có con học thí điểm tiếng Thái ở trường Tiểu học Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La phấn khởi: 

Thấy nhà trường bảo con tôi đi học chữ Thái gia đình tôi vui lắm, động viên con đi học đầy đủ. Đời ông tôi còn biết chữ thái chứ đời bố tôi, và cả tôi nữa có biết đâu. Chữ viết của tổ tiên mình cứ tưởng là mất rồi, nay nhà nước lại cho dạy trong trường học mừng không nói được hết.”

Thầy giáo La Văn Thắng, giáo viên trường Tiểu học Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai chia sẻ: 

Năm học 2016-2017 là năm đầu nhà trường mở lớp dạy chữ và tiếng dân tộc Thái. Học sinh và phụ huynh là người dân tộc Thái rất phấn khởi. Bà con bảo nhau cho con em đi  học cho biết cái chữ của dân tộc mình.

Bà con mắt thấy, tai nghegiáo viên dạy chữ Thái trên lớp nên rất tin tưởng và mong cho con em họ theo học.”

Cô giáo Hoàng Thị Phương, tham gia dạy lớp tiếng dân tộc Thái theo mô hình VNEN ở trường Tiểu học Chiềng Ly, huyện Thuận Châu chia sẻ:

Giáo viên được chọn lựa kỹ càng chủ yếu là người dân tộc Thái được tham gia bồi dưỡng và được cấp chứng chỉ tiếng Thái nên có rất nhiều thuận lợi trong việc truyền dạy tiếng của chính dân tộc mình.”

Năm học đầu tiên thí điểm tỉnh Sơn La đã mở được 16 lớp học tiếng Thái, trong đó có 14 lớp tiếng Thái cho 385 học sinh khối lớp 3, tại 4 trường tiểu học và 2 lớp tiếng Thái cho 80 học sinh khối lớp 10. 

Sơn La thí điểm mở 16 lớp dạy chữ và tiếng dân tộc Thái trong trường học ảnh 2

Có nên vui mừng với kết quả kỳ thi năm nay?

Qua kiểm tra đánh giá ở bậc tiểu học, kết quả từ điểm 7 đến điểm 10 đạt tỷ lệ từ 13,86 đến 30,2%; tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Mai Sơn, số học sinh đạt loại giỏi là 29,2%, khá 58,5%.

Theo ông Hoàng Tiến Đức - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La đánh giá phần lớn giáo viên dạy tiếng dân tộc Thái là người dân tộc Thái đã được lựa chọn để tham gia giảng dạy nên có phương pháp giảng dạy tốt, có kỹ năng vận dụng sáng tạo, coi trọng các phương pháp dạy học phù hợp với đặc trưng bộ môn, độ tuổi học sinh, đặc điểm văn hóa dân tộc.

Bên cạnh đó các giáo viên đã tích cực sưu tầm, sử dụng tranh ảnh, ứng dụng linh hoạt công nghệ thông tin trong giảng dạy tiếng dân tộc Thái. 

Một số phương pháp đã được giáo viên vận dụng như cho học sinh thực hành giao tiếp, rèn luyện theo mẫu, đóng vai, phân tích ngôn ngữ, so sánh ngôn ngữ, giải quyết vấn đề, thảo luận, trò chơi học tập giúp cho các em phát triển đồng thời các kỹ năng ngôn ngữ. 

Trong giảng dạy giáo viên chú trọng việc rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết qua đó hình thành các tri thức về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp. 

Một số trường tiểu học như Tiểu học Chiềng Ly áp dụng dạy học theo phương pháp mới (VNEN) đã phát huy được tính tích cực kỹ năng nghe, nói, đọc, hội thoại, hoạt động nhóm của học sinh.

Sau năm học đầu tiên dạy học thí điểm tiếng dân tộc Thái, các em đã học quyển 1 tiếp tục được học quyển 2 khi lên lớp 4, quyển 3 khi lên lớp 5, tại trường tiểu học Mường Giàng, Nặm Ét huyện Quỳnh Nhai, trường tiểu học Thôn Mòn, Chiềng Ly huyện Thuận Châu và học viên lớp 11, 12 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên Mai Sơn để kết thúc khóa học học đầy đủ nội dung, kiến thức theo thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Sau khi kết thúc 3 năm học dạy thí điểm tiếng Thái, Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La sẽ chỉ đạo các đơn vị biên tập, chỉnh lý chương trình, tài liệu học tiếng dân tộc Thái để có một bộ sách hoàn chỉnh, phù hợp với đối tượng học sinh, đảm bảo chất lượng triển khai dạy rộng rãi tới các trường phổ, các trung tâm học tập cộng đồng, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh để dạy học cho những năm tiếp theo.

Tiếng nói, chữ viết là một trong những đặc trưng văn hóa vô cùng quan trọng của mỗi dân tộc. Việc đưa môn học tiếng, chữ dân tộc Thái trong trường học sẽ góp phần bảo tổn, phát huy, phát triển văn hóa của dân tộc Thái nên bà con rất ủng hộ. 

Thực hiện Thông tư số 46/2014-BGDĐT ngày 23/12/2014 của Bộ GD&ĐT về việc ban hành chương trình tiếng Thái cấp tiểu học. Tỉnh Sơn La đã ban hành kế hoạch số 46/KH-UBND ngày 11/4/2016 về việc tổ chức học thí điểm tiếng dân tộc Thái trong các trường tiểu học và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh. Việc dạy thí điểm được tiến hành từ năm học 2016-2017. 
Ngọc Diệp