Sở Tư pháp trả lời phản ánh của Báo về cuộc thi Tìm hiểu dịch vụ công trực tuyến

08/10/2019 06:45
Đỗ Thơm
(GDVN) - Sở Tư pháp Hà Nội là cơ quan thường trực cuộc thi Tìm hiểu dịch vụ công trực tuyến của Thành phố Hà Nội, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam vừa nhận được văn bản số 3373/STP-PBGDPL ngày 2/10/2019 của Sở Tư pháp Hà Nội về việc trả lời phản ánh của Báo về cuộc thi “Tìm hiểu Dịch vụ công trực tuyến” trên địa bàn Thành phố.

Trong văn bản nêu trên, Sở Tư pháp cho biết Sở nhận được báo cáo khái quát thông tin báo chí phản ánh về các vấn đề, vụ việc bức xúc liên quan đến Hà Nội tại báo cáo 732-BC/BTGTU ngày 19/9/2019 của Ban Tuyên giáo Thành ủy.

Sở Tư pháp Hà Nội gửi văn bản trả lời phản ánh của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về cuộc thi "Tìm hiểu Dịch vụ công trực tuyến". Ảnh chụp văn bản.
Sở Tư pháp Hà Nội gửi văn bản trả lời phản ánh của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về cuộc thi "Tìm hiểu Dịch vụ công trực tuyến". Ảnh chụp văn bản.

Văn bản nhấn mạnh, khi đưa đối tượng học sinh Trung học cơ sở (từ đủ 12 tuổi trở lên), Ban Tổ chức cuộc thi đã cân nhắc kỹ với lý do:

Học sinh Trung học cơ sở rất say mê khám phá, ứng dụng công nghệ thông tin;

Học sinh Trung học cơ sở đã được tiếp cận với công nghệ thông tin qua các bài giảng ứng dụng công nghệ thông tin của thầy, cô giáo; nhiều môn học đã được tích hợp qua phần mềm; nhiều trường đã giao bài tập về nhà qua mạng cho học sinh và tương tác giữa giáo viên – học sinh (như vậy, các em đã được làm quen và sử dụng);

Cuộc thi trực tuyến trang bị kiến thức pháp luật, kiến thức xã hội và kỹ năng cho các em trong cuộc sống sau này; các em có thể biết đến các dịch vụ công trực tuyến, hiểu quy trình dịch vụ công trực tuyến; khai thác sử dụng dịch vụ công trực tuyến dù đạt ở mức độ nào cũng là khởi đầu để các em trở thành công dân của Thành phố thông minh trong tương lai gần (khi chúng ta đang xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng Thành phố thông minh) thì không thể đợi đến khi trưởng thành, các em mới biết đến công nghệ thông tin hay dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn Thủ đô.

Việc đưa đối tượng các em học sinh từ 12 tuổi tham dự thi cũng là để thông qua các em tuyên truyền đến phụ huynh và các thành viên trong gia đình hiểu biết, sử dụng về dịch vụ trực công trực tuyến của Thành phố.

Đối với phản ánh của phụ huynh về việc các em không tham dự cuộc thi sẽ bị đánh giá vào hạnh kiểm và việc đặt chỉ tiêu học sinh tham gia, Sở Tư pháp Hà Nội đã trao đổi với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và có ý kiến trả lời.

Theo Sở Tư pháp, tại công văn số 3666/UBND-NC ngày 28/6/2016, Ủy ban nhân dân Thành phố đã giao chỉ tiêu phấn đấu 100% cán bộ, công chức, viên chức, sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương tham gia cuộc thi.

Chủ trương của Sở, nói không bắt buộc nhưng áp chỉ tiêu cao nhất là 95%
Chủ trương của Sở, nói không bắt buộc nhưng áp chỉ tiêu cao nhất là 95%

Công văn số 2536/STP-PBGDPL ngày 25/7/2019 của Ban Tổ chức cuộc thi Thành phố gửi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về việc đề nghị hướng dẫn triển khai cuộc thi “Tìm hiểu dịch vụ công trực tuyến” trong các nhà trường có nêu “phấn đấu 100% cán bộ, giáo viên, học sinh từ đủ 12 tuổi trở lên các trường tham dự thi”.

Công văn số 3281/SGDĐT-VP ngày 31/7/2019 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về việc hướng dẫn cuộc thi “Tìm hiều dịch vụ công trực tuyến” không có quy định về việc các em học sinh không dự cuộc thi sẽ bị đánh giá vào hạnh kiểm và buộc 100% học sinh từ 12 tuổi trở lên tham gia cuộc thi.

Công văn 3281/SGDĐT-VP ngày 31/7/2019 đã hướng dẫn (khối học sinh từ lớp 6 đến lớp 9): “Mỗi phòng Giáo dục Đào tạo quận huyện thị xã bảo đảm ít nhất 80% số lượng bài dự thi của cán bộ, giáo viên, nhân viên và ít nhất 90% tổng số bài của học sinh tham gia.

Đối với các trường trực thuộc Sở (gồm các trường Trung học phổ thông, phổ thông cơ sở, tiểu học, mầm mon và các trường sư phạm): “Mỗi trường đảm bảo ít nhất 90% số lượng bài dự thi của cán bộ, giáo viên và ít nhất 95% số bài học của học sinh, sinh viên tham gia”.

Đỗ Thơm