Số phận môn Sử: Giá như Ủy ban VH-GD có động thái quyết liệt sớm hơn

25/05/2022 06:34
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội đề nghị Lịch sử là môn bắt buộc sớm hơn thì có lẽ Bộ Giáo dục đã không bị động khi triển khai Chương trình mới.

Ngày 22/5/2022, tại Hà Nội đã diễn ra Phiên họp toàn thể lần thứ Ba của Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục.

Ủy ban Văn hóa - Giáo dục cho rằng, môn Lịch sử có vị trí đặc biệt, có ý nghĩa rất quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông, học sinh cần được trang bị khối lượng kiến thức này.

Vì vậy, cần tiếp thu ý kiến đông đảo của cử tri, các tầng lớp Nhân dân theo hướng quy định Lịch sử là môn học bắt buộc đối với cấp trung học phổ thông trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với khối lượng kiến thức phù hợp; thiết kế bao gồm khối lượng kiến thức lịch sử (phần bắt buộc) và khối lượng kiến thức định hướng nghề nghiệp (phần lựa chọn).

Nếu Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội đề nghị Lịch sử là môn bắt buộc sớm hơn thì Bộ Giáo dục đã không bị động khi triển khai Chương trình mới. (Ảnh minh họa: nguồn giaoduc.net.vn)

Nếu Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội đề nghị Lịch sử là môn bắt buộc sớm hơn thì Bộ Giáo dục đã không bị động khi triển khai Chương trình mới. (Ảnh minh họa: nguồn giaoduc.net.vn)

Môn Sử là môn học lựa chọn đã được công khai từ lâu

Theo tinh thần của Nghị quyết 29 của Trung ương và Nghị quyết 88 của Quốc hội về hai giai đoạn giáo dục phổ thông, ở cấp Trung học phổ thông phân hóa, giảm số môn học bắt buộc và tăng môn học, chủ đề tự chọn.

Nghị quyết 88 cũng nêu rõ: "Thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất nhưng mềm dẻo, linh hoạt. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình giáo dục phổ thông, quy định những yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh cần đạt được sau mỗi cấp học, những lĩnh vực và nội dung giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh trên phạm vi toàn quốc".

Tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 10 của Quốc hội diễn ra vào ngày 27/11/2015, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIII, trong đó có yêu cầu tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới. [1]

Chương trình giáo dục phổ thông đã được ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Riêng Lịch sử trở thành môn Lịch sử và Địa lí (bậc trung học cơ sở), đây cũng là môn lựa chọn của tổ hợp Khoa học xã hội (bậc trung học phổ thông).

Tôi đồng tình với quan điểm, giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12) ở cấp trung học phổ thông, Lịch sử được bố trí là một môn học (lựa chọn) trong tổ hợp khoa học xã hội - "phù hợp với xu hướng giáo dục quốc tế, có căn cứ khoa học và phù hợp với các mục tiêu lớn của giáo dục quốc gia", theo Bộ Giáo dục và Đào tạo. [2]

Theo tìm hiểu của người viết qua các kênh phương tiện thông tin đại chúng, trước khi ban hành Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Bộ Giáo dục đã tổ chức họp báo giới thiệu về bản Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể để xin ý kiến toàn thể ý kiến Nhân dân trước khi ban hành chính thức (tháng 4/2017) [3]; Đến ngày 20/5/2017, Ban soạn thảo đã nhận được ý kiến đóng góp của nhiều chuyên gia giáo dục, các nhà khoa học, trong đó, các thành viên Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực, các đồng chí nguyên là lãnh đạo Bộ Giáo dục, các tổ chức, cá nhân và 63/63 Sở giáo dục và Đào tạo cùng với khoảng 200 bài viết trên các báo và khoảng 400 ý kiến chia sẻ dưới các bài viết. Theo đó, hầu hết các ý kiến đều nhất trí về cơ bản nội dung dự thảo Chương trình tổng thể [4]

Dự thảo chương trình các môn học được được đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo để xin ý kiến toàn dân từ ngày 19/01/2018 đến ngày 19/3/2018.

Sau khi tiếp thu ý kiến Nhân dân và ý kiến của chuyên gia ở trong và ngoài các Hội đồng thẩm định (Hội đồng thẩm định Chương trình tổng thể, các Hội đồng thẩm định chương trình môn học), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo Ban Tuyên giáo Trung ương, xin ý kiến Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các tổ chức có liên quan.

Trên cơ sở đó, Chương trình giáo dục phổ thông đã được ban hành kèm theo Thông tư số 32 ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Như thế để thấy rằng, việc Bộ Giáo dục xây dựng và ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là thực hiện theo đúng quy định của pháp luật trên cơ sở lắng nghe ý kiến của các cấp, các tầng lớp Nhân dân, nhà khoa học, chuyên gia sử học, giáo viên môn Lịch sử.

Ngoài ra, Lịch sử thuộc về lĩnh vực chuyên môn, đã được các tác giả sách biên soạn nội dung và Hội đồng thẩm định thông qua.

Giá như Ủy ban Văn hóa - Giáo dục có đề nghị Sử là môn bắt buộc sớm hơn

Đáng nói, vào thời điểm tháng 4/2022, dư luận dấy lên tranh cãi trái chiều khi bàn về Lịch sử là môn học lựa chọn. Trên diễn đàn báo chí cũng đặt vấn đề lo ngại vì nếu Lịch sử là môn lựa chọn thì sẽ ít có học sinh đăng kí, rồi phai nhạt lòng yêu nước...

Các ý kiến của người dân, giáo viên, chuyên gia băn khoăn về việc môn Sử là môn lựa chọn có lẽ không phải đến thời điểm này mới có. Điều đáng tiếc là quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể ít nhất cũng đã bắt đầu từ nhiều năm trước, nếu trong khoảng thời gian đó, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội có đề nghị Lịch sử là môn bắt buộc sớm hơn thì có lẽ Bộ Giáo dục đã không bị động khi triển khai Chương trình mới.

Theo tìm hiểu, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội được quy định như sau (trích):

1. Thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh thuộc lĩnh vực văn hoá, giáo dục, thông tin, truyền thông, tín ngưỡng, tôn giáo, du lịch, thể thao, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng và các dự án khác do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao.

2. Giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực văn hoá, giáo dục, thông tin, truyền thông, tín ngưỡng, tôn giáo, du lịch, thể thao, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng; giám sát hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện chính sách về văn hoá, giáo dục...

3. Giám sát văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

4. Trình dự án luật trước Quốc hội, dự án pháp lệnh trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

5. Kiến nghị các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan hữu quan và về phát triển văn hoá, giáo dục, thông tin, truyền thông, tín ngưỡng, tôn giáo, du lịch, thể thao, chính sách đối với thanh niên, thiếu niên và nhi đồng. [5]

Có thể trong khoảng thời gian trên, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục cũng từng có kiến nghị hoặc ý kiến liên quan đến môn Lịch sử. Tuy vậy, nếu Ủy ban Văn hóa - Giáo dục quyết liệt hơn trong việc giám sát, kiến nghị để thay đổi Lịch sử từ môn lựa chọn thành bắt buộc trước khi Bộ Giáo dục chính thức ban hành Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể thì mọi chuyện không đến nỗi phức tạp.

Dĩ nhiên, việc kiến nghị này phải có đầy đủ cơ sở khoa học bằng cách tham vấn ý kiến từ các nhà khoa học, chuyên gia lịch sử thì sẽ nhận được nhiều sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân, cá nhân, tổ chức có liên quan cũng giúp Bộ Giáo dục thực hiện đổi mới giáo dục thuận lợi hơn.

Chỉ còn khoảng 3 tháng nữa là triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 10, nếu quy định Lịch sử là môn học bắt buộc theo đề nghị của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục thì rất khó khả thi.

Nếu Lịch sử thành môn bắt buộc thì phải sửa lại chương trình từ lớp 6 đến lớp 12, không đơn giản chỉ sửa ở bậc trung học phổ thông là xong.

Tôi cho rằng, cũng có thể chỉnh sửa nội dung môn Lịch sử ở bậc trung học phổ thông bằng cách cắt bỏ các chủ đề, chuyên đề, giữ lại những nội dung cơ bản, nhưng giải pháp này chỉ mang tính chữa cháy trước mắt - xoa dịu dư luận là chính.

Điều cần thiết là ban biên soạn phải thiết kế lại chương trình, sau đó viết lại sách giáo khoa. Như thế không còn cách nào khác là phải dừng Chương trình mới, kéo theo rất nhiều hệ lụy - vì các trường đã sắp xếp nhân sự, thiết kế tổ hợp môn, lên kế hoạch năm học 2022-2023.

Tài liệu tham khảo:

[1] //nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/quoc-hoi-yeu-cau-giu-lai-mon-lich-su-20151127184720794.htm

[2] //tuoitre.vn/bo-gd-dt-sap-xep-mon-lich-su-trong-chuong-trinh-giao-duc-phu-hop-xu-huong-quoc-te-20220423134610533.htm

[3] //moet.gov.vn/tintuc/Pages/CT-GDPT-Tong-The.aspx?ItemID=4616

[4] //moet.gov.vn/tintuc/Pages/CT-GDPT-MOI.aspx?ItemID=4745&fbclid=IwAR31m_zEDGJ1xBKOxOL9q4tpFSn4FVp4-yveSTyFsmfLGcPiFECSpt-Yd3g

[5] //quochoi.vn/uybanvanhoagiaoducthanhnienthieunienvanhidong/gioithieu/Pages/nhiem-vu.aspx?ItemID=170&fbclid=IwAR0lk1CoZCjhUdnX1BQmLQVTD2thERHAemZ1f-jaV46Q5VWEBYQuPB__OD8

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên