Sở hữu 8 bài báo quốc tế, thành tích "hiếm có" của chàng sinh viên Bách Khoa

01/03/2021 06:21
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nghiên cứu khoa học không chỉ là đam mê mà đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc đời sinh viên của tôi, càng khó khăn, tôi càng khát khao chinh phục.

Sau kỳ nghỉ tết, đa số bạn bè đều học online ở quê nhưng Vũ Ngọc Việt Hoàng - sinh viên năm cuối ngành Cơ khí chế tạo máy (Trường Đại học Bách khoa) lại lên Hà Nội sớm để vừa học, vừa dành thời gian hoàn thành những đề tài nghiên cứu còn dang dở.

Đến thời điểm hiện tại, Việt Hoàng đã có 8 bài báo khoa học ISI được công bố, trong đó có 3 bài báo đứng tên đầu. Đây là thành tích “hiếm có” với những sinh viên trên giảng đường đại học.

Số lượng bài báo quốc tế của chàng sinh viên năm cuối khiến nhiều người phải trầm trồ, “ngả mũ” thán phục. Thế nhưng, để có được những thành công đó, Việt Hoàng đã phải kiên trì, nỗ lực rất nhiều để vượt qua cả chặng đường dài đầy gian khó, thử thách .

Bị bố mẹ phản đối gay gắt khi chọn con đường nghiên cứu

Say mê, quyết tâm theo đuổi nghiên cứu khoa học nhưng khi chia sẻ những dự định của bản thân, Vũ Ngọc Việt Hoàng lại bị bố mẹ phản đối gay gắt.

Gia đình Hoàng chưa có ai theo đuổi con đường học thuật, bố mẹ cho rằng ước mơ của Hoàng là viển vông, không thể thành hiện thực. Mong muốn của bố mẹ là cậu hoàn thành chương trình đại học rồi đi làm, lập nghiệp.

“Đó là dịp tết năm 2019, tôi tâm sự với bố mẹ về ước mơ theo đuổi nghiên cứu của mình. Thế nhưng, tôi không nhận được sự ủng hộ, động viên từ gia đình.

Quan điểm của bố mẹ hoàn toàn trái ngược với hướng đi của tôi. Hôm đó là ngày mùng 4 tết nhưng tôi đã xách balo trở lại Hà Nội, không hề nhụt chí, tôi đi với quyết tâm lớn và muốn chứng minh cho bố mẹ thấy mình sẽ làm được”, Việt Hoàng tâm sự.

Vũ Ngọc Việt Hoàng - Sinh viên năm cuối Đại học Bách khoa Hà Nội có 8 bài báo ISI-Q1 được công bố (Ảnh: Phạm Minh)

Vũ Ngọc Việt Hoàng - Sinh viên năm cuối Đại học Bách khoa Hà Nội có 8 bài báo ISI-Q1 được công bố (Ảnh: Phạm Minh)

Hoàng cho rằng mình đến với nghiên cứu khoa học như một mối duyên, và khi đã lỡ “kết duyên” rồi thì khó lòng gỡ ra được.

Vào năm thứ hai đại học, được học bộ môn Chi tiết máy do Thạc sĩ Đinh Gia Ninh giảng dạy, Hoàng bị cuốn hút bởi những câu chuyện truyền cảm hứng của thầy.

Thầy Ninh kể về hành trình mình đã đi qua, đặc biệt là câu chuyện nghiên cứu khoa học của thầy như “thôi miên” tâm trí cậu trò ngày ấy, cậu ước được như thầy giáo, ước một lần được ghi tên mình trên bài báo quốc tế.

Việt Hoàng gợi lại kỷ niệm: “Thầy Ninh thường kể về nhóm nghiên cứu của thầy đã có các anh khóa trên tham gia, các anh đã có những bài báo khoa học đầu tiên cho mình. Lúc đó, tôi cũng chỉ ước mong sao mình có 1 bài báo lưu lại dấu ấn trong quãng đời sinh viên.

Ngày ấy, ước mơ đó vẫn còn xa vời lắm, tôi đánh liều gửi email cho thầy, gặp thầy, chia sẻ mong muốn, quyết tâm của bản thân".

Chính thầy Ninh và hai anh khóa trên trong nhóm đã hướng dẫn và tiếp thêm động lực để Hoàng đến với nghiên cứu khoa học, từng bước chinh phục những thử thách.

Quyết tâm cao khi gia nhập vào nhóm của thầy Ninh nhưng với một sinh viên năm hai, kiến thức chuyên ngành chưa có nhiều, nghiên cứu khoa học thực sự không phải việc dễ dàng.

Thêm vào đó, muốn làm nghiên cứu cần phải có tiếng Anh chuyên ngành, khó khăn càng chồng chất khó khăn.

“Đặc biệt là phương pháp nghiên cứu phải sử dụng toán giải tích rất nhiều. Công thức toán từ đầu đến cuối, chỉ cần nhầm một dấu cộng, dấu trừ là sẽ sai kết quả.

Có khi hai tháng trời loay hoay tính mãi không ra, đôi lần tôi cảm thấy mệt mỏi, nản lòng và muốn bỏ cuộc.

Nhưng cuối cùng, tôi cũng không cho phép bản thân mình gục ngã, nghĩ đến tâm huyết của thầy, nghĩ về gia đình, tôi càng quyết tâm làm bằng được mới thôi”, Việt Hoàng chia sẻ.

Vực dậy tinh thần, Hoàng lại miệt mài đọc báo, đọc sách, tìm tài liệu vừa để học thêm kiến thức, vừa trau dồi vốn tiếng Anh chuyên ngành của mình.

Hoàng vẫn nhớ như in ngày bài báo đầu tiên được công bố, chàng sinh viên đã vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Cũng từ đó, Hoàng có niềm tin vào bản thân hơn, quyết tâm hơn và đặt ra những mục tiêu mới.

Kiên trì, chăm chỉ, đậm "chất" của một nhà nghiên cứu

Hướng nghiên cứu chính của Vũ Ngọc Việt Hoàng là tập trung phân tích động lực học phi tuyến của kết cấu làm bằng vật liệu nanocomposite chịu tác động dưới các điều kiện tải trọng, môi trường phức tạp bằng các phương pháp và lý thuyết mới có độ chính xác cao.

"Trước hết, em mô hình hóa kết cấu sử dụng các lý thuyết cơ học của Tấm và Vỏ, sau đó sử dụng mô hình vật liệu cỡ micro và nano cho những kết cấu đó.

Sau đó, em sử dụng cách tiếp cận giải tích và bán giải tích để giải ra những tần số dao động riêng và những đáp ứng động lực học phi tuyến của kết cấu làm bằng Vật liệu nanocomposite.

Những đề tài này có thể được ứng dụng trong các ngành Cơ khí, Xây dựng và Hàng không vũ trụ. Cụ thể, như bình chứa nhiên liệu trong ô tô, vỏ chứa hạt nhân, vỏ máy bay, vỏ tàu ngầm, bình chứa trong các thiết bị lặn, mái của các công trình xây dựng…", Việt Hoàng chia sẻ về hoạt động nghiên cứu.

Để hoàn thành một đề tài nghiên cứu là cả một quá trình đòi hỏi sự kiên trì bền bỉ, không ngại khó, không ngại khổ.

Thời gian đầu, nhiều đêm Hoàng phải thức trắng để chứng minh, thực hiện đề tài. Nghĩ về khoảng thời gian đó, Hoàng nói vì mình đã "trót" đem lòng yêu hoạt động nghiên cứu mà đôi khi bỏ mặc sức khỏe của bản thân.

Vũ Ngọc Việt Hoàng đạt giải Nhất cuộc thi "Sinh viên nghiên cứu khoa học" năm 2020 (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Vũ Ngọc Việt Hoàng đạt giải Nhất cuộc thi "Sinh viên nghiên cứu khoa học" năm 2020 (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Trong hơn 2 năm vừa học vừa làm nghiên cứu, niềm hạnh phúc với chàng sinh viên cơ khí không chỉ là những thành tích đã đạt được mà còn là những kỷ niệm đẹp về tình thầy trò, tình cảm anh em, bạn bè.

"Năm học trước, khi thầy Ninh ra nước ngoài để học tập và nghiên cứu, hai anh trong nhóm cũng đã ra trường, tôi chỉ còn lại một mình.

Đôi khi tôi cảm thấy buồn và lạc lõng, thế nhưng tôi vẫn luôn nhận được sự hỗ trợ, động viên từ thầy và các anh. Dù chênh lệch múi giờ nhưng thầy vẫn luôn kết nối với chúng tôi, kịp thời chia sẻ và giúp đỡ chúng tôi trong hành trình nghiên cứu", Việt Hoàng tâm sự.

Sau khi có thành tích nhất định với các bài báo được công bố, Hoàng đăng ký cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Trường và được đại diện tham dự cuộc thi cấp Bộ. Kết quả, Hoàng đạt giải Nhất giải thưởng "Sinh viên nghiên cứu khoa học" năm 2020. Cũng từ đây, bố mẹ Hoàng dần hiểu và ủng hộ ước mơ của cậu con trai đam mê nghiên cứu.

Chia sẻ về học trò của mình, Thạc sĩ Đinh Gia Ninh khẳng định: "Việt Hoàng là một thành viên xuất sắc trong nhóm nghiên cứu, một cậu sinh viên chịu khó, chăm chỉ, hiền lành.

Là một người có rất nhiều ý tưởng mới và lạ, Hoàng rất chăm chỉ họp nhóm, báo cáo hàng tuần về tiến độ công việc cũng như kết quả của những ý tưởng đó.

Khi tôi còn ở Mỹ, khoảng 3, 4 giờ sáng (giờ Việt Nam) nhưng vẫn thấy Hoàng nhắn tin trăn trở và chạy chương trình các kết quả của bài toán. Không ít lần tôi nhắc nhở em đi ngủ, phải giữ sức khỏe để còn làm việc lâu dài nhưng Hoàng vẫn miệt mài xuyên đêm.

Tinh thần ấy, bản lĩnh ấy đã nói lên cái "chất" của một nhà nghiên cứu, nhà khoa học tương lai. Những thành tích của Hoàng hôm nay chính là quả ngọt từ những nỗ lực, cố gắng ấy. Và tôi tin em sẽ còn tiến xa hơn nữa".

Với Việt Hoàng, trải qua hoạt động nghiên cứu khoa học, chàng sinh viên không chỉ có thêm những kiến thức bổ ích mà còn trở nên dạn dĩ hơn, bản lĩnh, kiên cường hơn.

Chia sẻ về kế hoạch tương lai, Hoàng cho biết sẽ tiếp tục hoàn thành những đề tài còn dang dở. Sau khi tốt nghiệp, Hoàng sẽ lựa chọn du học tại Mỹ để tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình, bởi lẽ " là một nhà nghiên cứu thì sẽ không ngừng học tập, tìm tòi và nghiên cứu sáng tạo".

Phạm Minh