Sở Giáo dục Hà Nội quyết can thiệp vào ly sữa học sinh tư thục?

17/03/2019 13:58
Hồng Thủy
(GDVN) - Ly sữa các em đang uống dưới sự chọn lựa và giám sát chặt chẽ của cha mẹ, nhà trường lâu nay, Sở chớ nên can thiệp, áp đặt để đổi sang sản phẩm Sở đấu thầu.

Tạp chí Giáo dục Thủ đô ngày 24/1/2019 đưa tin, cùng ngày Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện Đề án Chương trình Sữa học đường để kịp thời rút kinh nghiệm sau 4 tuần triển khai.

Ám ảnh con số phần trăm, lờ chuyện thiếu sữa

Báo cáo tại Hội nghị, ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết:

Đến ngày 23/1/2019, số trẻ thực uống toàn thành phố đạt tỷ lệ gần 74%. 

Các đơn vị có tỷ lệ học sinh thực uống công lập đạt 100% là quận Hoàn Kiếm, huyện Đông Anh; Thị xã Sơn Tây: 98%; các đơn vị có tỷ lệ thấp: Thường Tín 49%, Chương Mỹ 59%. [1]

Thầy Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội kiêm Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Sữa học đường phát biểu trong buổi sơ kết ngày 24/1/2019. Ảnh: Tạp chí Giáo dục Thủ đô.
Thầy Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội kiêm Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Sữa học đường phát biểu trong buổi sơ kết ngày 24/1/2019. Ảnh: Tạp chí Giáo dục Thủ đô.

Ngày 15/3/2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phối hợp với Báo Phụ nữ Việt Nam và Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) tổ chức tọa đàm "Hành trình sữa học đường an toàn - hiệu quả".

Báo Kinh tế và Đô thị dẫn lời Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến phát biểu tại tọa đàm này, cho biết:

Tỷ lệ học sinh mầm non, tiểu học tham gia Sữa học đường ở Hà Nội ngày càng tăng. Sau một tháng triển khai tỷ lệ tham gia là 74% thì đến nay đã tăng lên 87%. [2]

Tuy nhiên trong cả 2 sự kiện này không thấy Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đả động gì đến chuyện thiếu sữa cục bộ, bất thường suốt 3 ngày ngay sau khi triển khai.

Tình trạng này đã được kênh VTC 19 phản ánh trong phóng sự "Sữa học đường ở Hà Nội, hôm có, hôm không" phát ngày 6/1/2019. [3]

Ngày 16/1/2019, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã có công văn gửi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng đề nghị cung cấp thông tin thực trạng thiếu sữa cục bộ và cho biết giải pháp khắc phục.

Sở Giáo dục Hà Nội quyết can thiệp vào ly sữa học sinh tư thục? ảnh 2

Bí ẩn Hà Nội né tránh trả lời câu hỏi tại sao sữa học đường hôm có, hôm không

Cho đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội hoàn toàn im lặng trước câu hỏi của dư luận.

Báo Tiền Phong ngày 6/10/2018 đưa tin, phát biểu tại Hội nghị giao ban tháng với các trường trung học phổ thông ngày 5/10/2018, ông Chử Xuân Dũng khẳng định:

“Triển khai đề án sữa học đường là việc phức tạp, nhạy cảm nên chẳng ai dại làm điều gì khuất tất. 

Thông qua đấu thầu, đơn vị sẽ lựa chọn đối tác đơn vị đủ năng lực, sữa đảm bảo chất lượng, đặc biệt giá rẻ để học sinh, người dân được hưởng lợi từ đề án”. [4]

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội không dại gì làm điều khuất tất, nhưng lại né tránh minh bạch thông tin thiếu sữa học đường, liệu có mâu thuẫn?

Nhiều trường tiểu học công lập trên địa bàn Hà Nội học sinh tiểu học chen chúc 60 - 70 em / lớp thì không thấy Giám đốc Sở quyết liệt chỉ đạo, tham mưu các giải pháp chính sách khả dĩ.

74% trong số 1,3 triệu học sinh mầm non và tiểu học Thủ đô tham gia uống sữa học đường sao lại khiến lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội băn khoăn đến vậy?

Đấy là chưa kể việc thầy Phạm Xuân Tiến - Phó giám đốc Sở, bất chấp việc Bộ Y tế chưa hề cấp phép cho công thức sữa đặc biệt nào cho Hà Nội, đã tổ chức tập huấn cho hiệu trưởng, giáo viên các trường quảng bá cho một sản phẩm chỉ Hà Nội mới có, không bán bên ngoài.

Quyết liệt chỉ đạo các trường tư thục tham gia

Phát biểu tại hội nghị sơ kết hôm 24/1/2019, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Chử Xuân Dũng yêu cầu:

Cần quan tâm đến những đơn vị có tỷ lệ phụ huynh đăng ký cho trẻ uống sữa còn thấp; tập trung đôn đốc, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các nhóm trẻ mầm non, nhóm lớp mẫu giáo độc lập, tư thục. 

Các quận, huyện, thị xã cần chỉ đạo quyết liệt, trách nhiệm hơn, đảm bảo chương trình diễn ra hiệu quả, đúng mục đích; tránh để xảy ra sơ suất, sự cố do nguyên nhân chủ quan trong quá trình tổ chức cho trẻ uống sữa tại trường. [1]

Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến trong cuộc tọa đàm ngày 15/3/2019, ảnh: Báo Kinh tế và Đô thị.
Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến trong cuộc tọa đàm ngày 15/3/2019, ảnh: Báo Kinh tế và Đô thị.

Phát biểu trong buổi tọa đàm ngày 15/3/2019, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến được Báo Kinh tế và Đô thị dẫn lời, cho biết:

Qua theo dõi triển khai chương trình, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã phát hiện một số trường ngoài công lập không triển khai chương trình với lý do trong thực đơn hàng ngày của trẻ đã có sữa.

“Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã yêu cầu các trường phải phổ biến cho phụ huynh học sinh để phụ huynh học sinh biết, còn đăng ký tham gia hay không là quyền của phụ huynh. 

Bất kỳ trường học nào mà phụ huynh không được phổ biến chương trình Sữa học đường phụ huynh có thể thông tin tới Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội để xử lý, đồng thời phụ huynh có quyền khởi kiện nhà trường bởi đây là quyền lợi của con em mình” - ông Tiến nhấn mạnh.

Báo Phụ nữ Việt Nam ngày 15/3/2019 dẫn lời thầy Phạm Xuân Tiến cho biết:

Sở Giáo dục Hà Nội quyết can thiệp vào ly sữa học sinh tư thục? ảnh 4

120 ngàn con bò sữa Vinamilk ở đâu để Hà Nội thiếu sữa, 3 tỉnh dùng sữa pha lại?

Trong khẩu phần ăn hàng ở nhiều trường ngoài công lập phần lớn đã có sữa, nên khi chương trình sữa học đường triển khai, nhiều trường không đăng ký. 

Tuy nhiên, nhận thấy đây là chương trình có ý nghĩa nhân văn, có sự hỗ trợ từ nhà nước, doanh nghiệp, trong sữa cung cấp thêm các vi lượng để tăng chiều cao cho trẻ nên Sở đã yêu cầu những trường này phải truyền thông để phụ huynh nắm được. 

“Quyền đăng ký hay không là của phụ huynh, không phải của nhà trường. Trường không phổ biến là thiếu sót, phụ huynh có quyền khởi kiện nếu trường không phổ biến”- Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Xuân Tiến khẳng định.

Thầy Phạm Xuân Tiến còn thông tin thêm: “Vì Sở rất cương quyết, chỉ đạo quyết liệt nên nhiều trường ngoài công lập đã đăng ký cho trẻ uống từ ngày 1/3/2019.” [5]

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang cương quyết vì ai?

Ngày 28/8/2018, Giám đốc Chử Xuân Dũng ký công văn số 3613/SGDĐT-GDMN về việc hướng dẫn thực hiện quy chế chuyên môn cấp học mầm non năm học 2018-2019 chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non không được tính tiền sữa (mua sữa học đường) vào tiền ăn hàng ngày của trẻ. [6]

Nếu cơ sở giáo dục mầm non nào đang sử dụng sữa tươi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho khẩu phần ăn hàng ngày của các cháu, liệu công văn này có gạt phần sữa các cháu đang uống hàng ngày để thay  thế bằng sản phẩm mà Sở đấu thầu?

Như vậy có thể thấy, các trường ngoài công lập không tham gia chương trình Sữa học đường của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội không có nghĩa là học sinh các trường này không được uống sữa.

Sở Giáo dục Hà Nội quyết can thiệp vào ly sữa học sinh tư thục? ảnh 5

Hà Nội pha thêm những chất gì vào sữa học đường mà sữa ngoài không có?

Ngược lại, các em đang được uống sữa hàng ngày và được lựa chọn sản phẩm, thương hiệu phù hợp với khẩu vị của mình dưới sự giám sát chặt chẽ của các bậc cha mẹ học sinh và nhà trường.

Thậm chí các em còn được uống sữa từ trước khi Chương trình Sữa học đường được triển khai rất lâu.

Nói cách khác, chính các trường tư thục hiện không tham gia, đã ý thức rất rõ tầm quan trọng của dinh dưỡng học đường và vai trò của sữa với sức khỏe, sức bật chiều cao của các em;

Cho nên các trường này đã chủ động đưa sữa vào khẩu phần ăn cho học sinh nhiều năm qua mà không phải đợi Nhà nước hỗ trợ hay sở, phòng chỉ đạo.

Các trường này không tham gia mà học sinh vẫn được uống sữa đầy đủ, là góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, để phần kinh phí ấy cho các bạn hoàn cảnh gia đình khó khăn cũng được uống sữa.

Như thế chẳng phải tốt hơn sao? Lẽ ra các trường này phải được tuyên dương mới phải. 

Chỉ cần ly sữa học đường đến với học sinh là ly sữa tươi sạch, sản xuất từ sữa tươi nguyên liệu đúng chuẩn theo Thông tư số 29/2017/TT-BNNPTNT và sữa tươi thành phẩm đúng quy định theo Quyết định 5450/QĐ-BYT của Bộ Y tế, là đã tốt lắm rồi.

Trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội là xây dựng các công cụ chính sách để cha mẹ học sinh và xã hội cùng chung tay giám sát chất lượng đầu vào nguyên liệu sữa tươi, chất lượng sản phẩm đầu ra có đúng quy định của Nhà nước hay không, doanh nghiệp có tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu này hay không. 

Còn muốn biết học sinh, trẻ em Hà Nội đang thiếu chất gì, thì phải có điều tra nghiên cứu khoa học, nhưng sẽ rất tốn kém. Không điều tra nghiên cứu khoa học mà tự ý pha thêm, có thể dẫn đến những hệ lụy về sức khỏe con trẻ mà lãnh đạo Sở khó hình dung hết được. 

Sở Giáo dục Hà Nội quyết can thiệp vào ly sữa học sinh tư thục? ảnh 6

Vấn đề Sữa học đường Hà Nội không nằm ở đấu thầu, mà ở bài thầu

Xin được lưu ý rằng, sự cố sữa nhiễm độc tại Trung Quốc năm 2008 luôn luôn là bài học đắt giá cho bất kỳ quốc gia nào.

Ở nước ta, những vụ học sinh phải nhập viện sau khi uống sữa đã từng xảy ra và chưa có cán bộ quản lý giáo dục nào đứng ra chịu trách nhiệm.

Các trường tư và cha mẹ học sinh đã lựa chọn được sữa cho khẩu phần ăn của con em mình lâu nay, rõ ràng đã giảm gánh nặng cho phòng, cho sở.

Tại sao Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vẫn quyết tâm can thiệp vào việc uống sữa của các em học sinh tư thục?

Có phải sự sốt sắng của thầy Phạm Xuân Tiến, thầy Chử Xuân Dũng với các trường ngoài công lập trong việc tổ chức uống sữa cho học sinh là để bảo vệ quyền lợi và công bằng cho học sinh trường tư chăng?

Muốn đảm bảo sự công bằng cho học sinh trường tư thục, thiết nghĩ Hà Nội nên làm theo tinh thần Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định này để ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2017.

Điều 7. Định mức phân bổ chi sự nghiệp giáo dục, định mức phân bổ theo dân số trong độ tuổi đến trường từ 1-18 tuổi ở đô thị là 2.148.000 đồng / người / năm.

Sở Giáo dục Hà Nội quyết can thiệp vào ly sữa học sinh tư thục? ảnh 7

Bộ Y tế nên chỉ đạo thu hồi xác nhận hợp quy sữa dinh dưỡng học đường Vinamilk

Nói cách khác, Chính phủ phân bổ ngân sách cho giáo dục theo đầu người học không phân biệt công - tư, ai cũng được Nhà nước quan tâm.

Nhưng thực tế học sinh các trường tư thục ở Hà Nội có được hưởng đồng nào từ ngân sách Nhà nước như quyết định của Thủ tướng không? 

Đấy là chưa kể, mức chi bình quân cho các học sinh phổ thông công lập ở Hà Nội là 7.300.000 đồng/học sinh/năm, theo Nghị quyết số 13/2016/NQ-HĐND ngày 5/12/2016 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội.

Con số này cao hơn 3 lần bình quân cả nước, tức là điều kiện ngân sách lo cho giáo dục của Thủ đô tốt hơn rất nhiều so với cả nước.

Nếu Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thực sự nghĩ đến quyền lợi chính đáng và sự bình đẳng giữa học sinh trường tư thục với học sinh trường công lập, thì tham mưu cho lãnh đạo thành phố điều chỉnh việc chi ngân sách giáo dục theo đầu học sinh, mới thực sự có ý nghĩa.

Còn ly sữa các em đang uống dưới sự chọn lựa, giám sát của cha mẹ và nhà trường, xin quý thầy lãnh đạo sở chớ nên can thiệp và áp đặt, thay đổi. Bởi sự nhiệt tình quá mức cần thiết sẽ làm khó các trường và cha mẹ học sinh.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://giaoducthudo.com.vn/tin-tuc/1-ha-noi-so-ket-thuc-hien-de-an-chuong-trinh-sua-hoc-duong-2888.html

[2]http://kinhtedothi.vn/hoc-sinh-tham-gia-sua-hoc-duong-o-ha-noi-ngay-cang-tang-338583.html

[3]http://myclip.vn/video/2623232/sua-hoc-duong-o-ha-noi-hom-co-hom-khong-tc7ezlkv?click_source=default&click_medium=video_new

[4]https://www.tienphong.vn/giao-duc/%C3%B0e-an-sua-hoc-duong-chang-ai-dai-lam-dieu-gi-khuat-tat-1331049.tpo

[5]http://www.phunuvietnam.vn/xa-hoi/phu-huynh-co-quyen-khoi-kien-neu-truong-khong-thong-tin-ve-sua-hoc-duong-post56826.html

[6]http://mnphuongcanh-ntl.edu.vn/upload/28845/20180905/3613-SGD-GDMN.pdf

Hồng Thủy