Sở Giáo dục Hà Nội mượn tay truyền thông để triệt hạ uy tín trường tư thục?

08/07/2018 08:40
Hồng Thủy
(GDVN) - Lạ hơn cả là sự im lặng của Giám đốc sở Chử Xuân Dũng, thấy trường tư bị quy chụp tơi tả dù không làm sai mà không bảo vệ, cấp dưới làm trái không can ngăn.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vẫn im lặng trước những sóng gió tuyển sinh lớp 10 năm nay do cung cách điều hành của mình gây ra.

Quý sở không chỉ bỏ mặc trường tư trong tâm bão dư luận dù Giám đốc Sở khẳng định họ không làm sai, mà còn để truyền thông mặc sức gây áp lực lên các trường tư thục dựa vào công văn của mình.

Trong bài viết Sở Giáo dục Hà Nội nên xem lại quyền hạn, hủy công văn cổ xúy thói lật lọng, chúng tôi đã phân tích sự yếu kém trong tham mưu và điều hành của đội ngũ cán bộ Sở mùa tuyển sinh năm nay và dấu hiệu lạm quyền trong công văn can thiệp thô bạo vào trường Lương Thế Vinh.

Ở đây chúng tôi muốn tiếp tục phân tích rõ dấu hiệu Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã sử dụng truyền thông để tạo dư luận nhằm gây áp lực lên các trường tư thục.

Văn bản cá biệt gửi nhà trường, Sở đem gửi cho báo chí rồi mới gọi trường lên lấy

10 giờ 30 phút sáng 3/7 Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Lê Ngọc Quang cùng 2 cán bộ của Sở xuống làm việc với lãnh đạo trường Lương Thế Vinh do có phản ánh của một số tờ báo.

Ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, ảnh: hanoi.edu.vn.
Ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, ảnh: hanoi.edu.vn.

Tuy nhiên, lãnh đạo trường Lương Thế Vinh không nhận được bất cứ thông báo nào bằng văn bản, điện thoại, email hay tin nhắn về chuyến "vi hành" này.

Đến nơi, ông Lê Ngọc Quang mới thông báo, Sở vừa ký công văn số 2784/SGDĐT-QLT ngày 3/7/2018 gửi trường Lương Thế Vinh.

Ngay thời điểm lãnh đạo trường Lương Thế Vinh còn đang tiếp ông Lê Ngọc Quang và 2 cán bộ Sở, chưa biết mặt mũi công văn số 2784/SGDĐT-QLT ngày 3/7/2018 ra sao, thì phóng viên một số báo gọi điện hỏi nhà trường về công văn này.

Phóng viên các báo này đều khẳng định với bà Văn Thùy Dương - Phó hiệu trưởng nhà trường, rằng báo họ đã có công văn số 2784/SGDĐT-QLT ngày 3/7/2018 trong tay.

Sau đó các báo khác tới tấp gọi nhà trường hỏi về công văn số 2784/SGDĐT-QLT.

Có tờ báo cho đến nay chưa có bất kỳ phóng viên nào liên hệ với trường Lương Thế Vinh, nhưng có những bài viết chụp mũ nhà trường rất nặng nề và hoàn toàn vô căn cứ.

11 giờ 30 phút cùng ngày 3/7, thầy Hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh mới nhận được lệnh của Sở qua điện thoại: cử người lên Sở lấy công văn số 2784/SGDĐT-QLT ngày 3/7/2018.

10 giờ 24 phút 48 giây ngày 3/7, Báo Nhân Dân đăng bài viết "Yêu cầu các trường hoàn trả toàn bộ các khoản tiền đã thu khi học sinh rút hồ sơ".

Bài viết này trích nội dung và số hiệu công văn chỉ đạo cá biệt Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội gửi 2 trường Lương Thế Vinh, Tạ Quang Bửu đã được trích dẫn rõ ràng, khi trường Lương Thế Vinh còn chưa nhìn thấy.

Công văn số 2784/SGDĐT-QLT ngày 3/7/2018 gửi trường Lương Thế Vinh, nhưng lại được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tuồn cho báo chí trước, rồi gọi trường lên Sở mà lấy công văn sau.
Công văn số 2784/SGDĐT-QLT ngày 3/7/2018 gửi trường Lương Thế Vinh, nhưng lại được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tuồn cho báo chí trước, rồi gọi trường lên Sở mà lấy công văn sau.

Như vậy ngoài nội dung chỉ đạo vô căn cứ và có dấu hiệu lạm quyền trong công văn số 2784/SGDĐT-QLT ngày 3/7/2018 mà chúng tôi đã phân tích, cũng như cách ứng xử kiểu "cha mẹ dân" của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội gọi lãnh đạo trường Lương Thế Vinh lên lấy công văn, sự kiện này còn một dấu hiệu đặc biệt khác.

Dấu hiệu Sở mượn tay truyền thông triệt hạ uy tín trường tư thục?

Đó là văn bản cá biệt chỉ đạo trường Lương Thế Vinh, tại sao lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội không gửi cho nhà trường mà gửi cho báo chí xong xuôi đâu đấy, rồi mới ung dung gọi lãnh đạo trường này lên mà lấy công văn về thực hiện?

Hiện tượng một số cha mẹ học sinh có con thi tuyển vào lớp 10 rút hồ sơ nhập học từ trường này sang trường khác hầu như năm nào cũng có. 

Trường Lương Thế Vinh chính thức thu các khoản phí nhập học và thông báo công khai với cha mẹ học sinh, trường sẽ không trả lại các khoản phí này nếu gia đình rút hồ sơ cho con sang trường khác, và các khoản phí này được chuyển vào quỹ Khuyến học của nhà trường, bắt đầu từ năm ngoái.

Mùa tuyển sinh năm học 2017-2018 cũng có một số cha mẹ học sinh rút hồ sơ khỏi trường Lương Thế Vinh và không ai đòi lại tiền. Các trường tư thục khác còn làm việc này sớm hơn, và rất phổ biến.

Bởi đó là quyền tự chủ tài chính trên nguyên tắc thỏa thuận rất công khai, minh bạch giữa nhà trường và cha mẹ học sinh để đảm bảo quyền lợi 2 bên:

Nhà trường cam kết nhận học sinh nhập học, thì cha mẹ học sinh cũng phải cam kết đồng hành lâu dài, không dẫn đến những xáo trộn lớn.

Nhưng riêng mùa tuyển sinh năm nay, chính công văn số 2784/SGDĐT-QLT ngày 3/7/2018 của Sở Giáo dục và Đào tạo đã kích thích lòng tham của một số ít cha mẹ học sinh.

Ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, ảnh: LN / Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, ảnh: LN / Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Quan trọng nhất là chính ông Giám đốc Sở khẳng định nhà trường làm không sai.

Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính Nguyễn Văn Cẩn của quý Sở còn khẳng định rõ hơn nữa:

Những trường tư thục được tự thỏa thuận với phụ huynh về vấn đề đóng góp học phí. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội không có quyền can thiệp vào vấn đề này.

Ấy thế mà ông Phó giám đốc sở Phạm Văn Đại có thể đặt bút ký công văn số 2784/SGDĐT-QLT ngày 3/7/2018, thì chúng tôi cũng không hiểu nổi ông Đại nghĩ gì.

Chúng tôi càng không hiểu trước sự im lặng của Ban giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trước những tác động ảnh hưởng tiêu cực rất lớn công văn này gây ra cho các trường tư nói riêng, cho lòng tin của xã hội vào cách quản lý của ngành giáo dục Thủ đô nói chung.

Đặc biệt là cách Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội gửi công văn số 2784/SGDĐT-QLT ngày 3/7/2018 cho báo chí để tạo áp lực dư luận lên trường Lương Thế Vinh trước, rồi mới gọi nhà trường lên lấy công văn sau;

Chính cách làm này, dù chưa biết là do trình độ quản lý non kém của cán bộ hay Sở còn mục đích động cơ nào khác, đã tạo nên làn sóng cổ súy lòng tham và thói lật lọng trong xã hội thủ đô, khiến dư luận hiểu sai lệch về các trường tư thục.

"Bấn loạn", "chụp giật", "phản giáo dục", "trường khăng khăng không trả tiền", "thu phí giữ chỗ là trái pháp luật", "trường tư tung 'quái chiêu' tuyển sinh lớp 10"...

Ảnh chụp màn hình một bài báo dùng ảnh phụ huynh chen chân xếp hàng nộp hồ sơ xin học cho con vào Lương Thế Vinh để minh họa cho cái tít hoàn toàn ngược lại.
Ảnh chụp màn hình một bài báo dùng ảnh phụ huynh chen chân xếp hàng nộp hồ sơ xin học cho con vào Lương Thế Vinh để minh họa cho cái tít hoàn toàn ngược lại. 

Đó là những gì một số tờ báo này đang chụp lên đầu trường Lương Thế Vinh, trường Tạ Quang Bửu nói riêng, các trường tư thục nói chung. 

Bởi trên tất cả các thông tin quy chụp kiểu này và văn bản chỉ đạo lạm quyền cùng cách mượn tay truyền thông để hạ uy tín trường Lương Thế Vinh của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, là khẳng định của ông Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở:

Theo quy định, trường ngoài công lập tự chủ tài chính và được phép tự chủ tuyển sinh. Nhà trường không làm sai quy định. 

Về phía các vị phụ huynh, nên cân nhắc trong việc nộp hồ sơ cho con em mình thật kỹ rồi hãy nộp, không nên nộp theo phong trào.

Người đứng đầu ngành giáo dục Thủ đô đã khẳng định rõ ràng như vậy, nhưng lại nhắm mắt làm ngơ cho cấp dưới làm mưa làm gió với các trường tư.

Sở Giáo dục Hà Nội mượn tay truyền thông để triệt hạ uy tín trường tư thục? ảnh 5

Ai đứng sau "cơn sốt tuyển sinh lớp 10 nhảy như chứng khoán" tại Hà Nội?

Không chỉ trường Lương Thế Vinh, trường Tạ Quang Bửu, mà hầu hết các trường tư thục tại Hà Nội đã trở thành "nạn nhân" của công văn 2784/SGDĐT-QLT.

Có trường tư thục đã mất 191 học sinh, tương đương với 7 lớp.

Một số tờ báo cử phóng viên đến cổng các trường tư thục săn đón, giật tít kích thích lòng tham của một số cha mẹ học sinh và quy chụp nhà trường "phớt lờ chỉ đạo".

Cá biệt, có những bài báo cổ súy một số cha mẹ học sinh lật kèo, dựa vào công văn số 2784/SGDĐT-QLT ngày 3/7/2018 để kêu gọi thành lập các hội nhóm "đòi tiền trường tư thục" trên mạng xã hội.

Có bài báo thì sử dụng hình ảnh cha mẹ học sinh chen chân, xếp hàng để mua hồ sơ tuyển sinh vào trường Lương Thế Vinh để minh họa cho cái tít: "Phụ huynh vật vã đi lấy lại tiền đã nộp vào trường Lương Thế Vinh"?!

Sự im lặng lạ kỳ của Giám đốc Sở

Cho đến nay, chưa có bất kỳ văn bản nào của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khẳng định Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lương Thế Vinh làm sai;

Kể cả công văn số 2784/SGDĐT-QLT ngày 3/7/2018 "yêu cầu" trường Lương Thế Vinh "hoàn trả toàn bộ các khoản tiền, lệ phí đã thu khi học sinh rút hồ sơ" cũng không chỉ ra được trường Lương Thế Vinh sai chỗ nào và tại sao phải trả, ngoài "nghe dư luận nói".

Kỳ lạ thật! Giám đốc Sở khẳng định nhà trường không làm sai, Phó giám đốc Sở không chỉ ra được nhà trường làm sai nhưng lại bắt ép nhà trường trả tiền phụ huynh đã tự nguyện nộp theo thỏa thuận;

Sở Giáo dục Hà Nội mượn tay truyền thông để triệt hạ uy tín trường tư thục? ảnh 6

Can thiệp thô bạo của Phó giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội làm méo mó trường tư

Một số nhà báo được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cung cấp trước "văn bản cá biệt chỉ đạo trường Lương Thế Vinh" khi nhà trường chưa nhận được nó;

Họ cứ vin vào công văn số 2784/SGDĐT-QLT ngày 3/7/2018 như bùa hộ mệnh để hành các trường, kích thích lòng tham và cổ súy thói lật lọng của một số ít cha mẹ học sinh.

Nhưng kỳ lạ hơn cả là sự im lặng của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Chử Xuân Dũng.

Thầy Dũng thấy trường tư bị quy chụp tơi bờ dù họ không làm gì sai, ông không bảo vệ; thấy cấp dưới làm trái nguyên tắc lẫn quy trình cũng như tinh thần chỉ đạo của Giám đốc Sở, thầy cũng chẳng có ý kiến gì!

Hồng Thủy