Sở Giáo dục Hà Nội lên tiếng về thí điểm song bằng, dịch vụ thu phí trường công

04/08/2018 07:51
Đỗ Thơm
(GDVN) - Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tham dự hội thảo đã chia sẻ quan điểm của Sở về các vấn đề dư luận quan tâm, từ thí điểm song bằng đến dịch vụ thu phí.

Tại hội thảo “Dịch vụ giáo dục có thu phí trong hệ thống trường công” do Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 2/8, các diễn giả đã đặc biệt quan tâm đến chương trình thí điểm đào tạo song bằng mà Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang triển khai ở một số trường công lập.

Một số ý kiến diễn giả nêu, nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt là khu vực nội thành, tình trạng quá tải, sĩ số lớp học quá đông chưa được giải quyết.

Nhiều nơi thiếu trường, thiếu lớp học. Một số con em Hà Nội chưa có điều kiện học hành đảm bảo thì việc tập trung nguồn lực cho một nhóm học sinh là không công bằng.

Quan trọng hơn là việc thí điểm đào tạo song bằng chưa có gì để đảm bảo chắc chắn thành công. Và nếu thất bại, ai sẽ chịu trách nhiệm với học sinh, phụ huynh khi họ bỏ ra số tiền không hề nhỏ cho chương trình này.

Ngay sau một số ý kiến băn khoăn về nội dung trên, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tham dự hội thảo đã phát biểu chia sẻ quan điểm của Sở.

Ông Nguyễn Viết Cẩn phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Lại Cường)
Ông Nguyễn Viết Cẩn phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Lại Cường)

Ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch và Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội cho biết:

"Quan điểm của tôi là đối với giáo dục công không có nghĩa là không có bứt phá để nâng cao chất lượng.

Đối với Hà Nội, mục tiêu là phải đi đầu trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó có mũi nhọn là giáo dục chất lượng cao và hội nhập quốc tế.

Và thể chế kinh tế của chúng ta là Xã hội chủ nghĩa, vai trò của trường công phải là vai trò dẫn dắt. Vì vậy, ở đây có một số vấn đề đặt ra.

Đầu tiên là về trường chất lượng cao. Khi xây dựng Luật Thủ đô, Hà Nội có đề xuất xây dựng trường chất lượng cao.

Giai đoạn đầu có khái niệm dịch vụ chất lượng cao. Sau đó, để đảm bảo sự công bằng của học sinh trong nhà trường, chúng ta chỉ xây dựng trường chất lượng cao chứ không có lớp chất lượng cao trong nhà trường.

Nội dung này có xây dựng tiêu chí trường chất lượng cao cùng với cơ chế tài chính và giám sát tài chính.

Việc này thực hiện theo nguyên tắc, thứ nhất là tự nguyện.

Sở Giáo dục Hà Nội lên tiếng về thí điểm song bằng, dịch vụ thu phí trường công ảnh 2

Hà Nội đang lấy chỗ học của con em nhân dân lao động để làm dịch vụ?

Nguyên tắc thứ hai là trên địa bàn phải đảm bảo điều kiện phổ cập cho các cháu mới được mở trường chất lượng cao.

Nghĩa là phải đảm bảo phổ cập cho các cháu tiểu học, trung học cơ sở. Nếu còn có điều kiện mới được mở trường chất lượng cao cho con em nhân dân tự nguyện vào học.

Trường chất lượng cao như một số diễn giả đặt vấn đề kiểm soát ra sao, chúng tôi có tiêu chí kiểm soát trường chất lượng cao theo quyết định 20, 21, kiểm tra, thẩm định chương trình, các tiêu chuẩn trường chất lượng cao.

Về tài chính, có giám sát quản lý của Nhà nước và cộng đồng,

Chúng tôi xây dựng tiêu chí và tiến hành làm trước khi Nghị định 16 (Quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công – PV) ra đời. Và đến khi Nghị định 16 ra đời thì các quy định Hà Nội làm là rất phù hợp.

Nghị đinh 16 quy định có 4 loại.

Loại tự chủ về đầu tư, loại 2 là tự chủ về chi thường xuyên, loại 3 là tự chủ một phần chi thường xuyên, loại 4 là ngân sách Nhà nước cấp toàn bộ.

Cơ chế tài chính cho trường chất lượng cao mà Hà Nội xây dựng là ngân sách Nhà nước hỗ trợ 3 năm đầu. Năm thứ 4 trở đi là đơn vị phải tự chủ về chi thường xuyên.

Như vậy, là đúng với quy định của Nghị định 16. Dù Nghị định 16 sau này mới ra nhưng cơ chế tài chính cho trường chất lượng cao lại rất phù hợp.

Hiện nay Hà Nội có 16 trường chất lượng cao, (bao gồm) 11 trường công, 5 trường tư. Các mô hình này đang phát huy tốt, đặc biệt ở cấp tiểu học, Trung học cơ sở và Phổ thông Trung học.

Về song bằng, chúng tôi đặt vấn đề, Hà Nội cần có bước đột phá về nâng cao chất lượng và phù hợp với xu hướng hội nhập.

Sở Giáo dục Hà Nội lên tiếng về thí điểm song bằng, dịch vụ thu phí trường công ảnh 3Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu thí điểm song bằng ở Hà Nội không thành công?

Học sinh Việt Nam tốt nghiệp bằng tú tài khi sang các nước khác được các trường khác trên thế giới tiếp nhận ngay.

Vì vậy, Hà Nội đang xây dựng mô hình song bằng. Hiện mới đang triển khai ở một số trường và chưa nhận rộng.

Theo tôi, chúng ta cần đánh giá khách quan và cần động viên.

Các ý kiến lo lắng về giám sát và ai chịu trách nhiệm? Tất nhiên nhà trường phải chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý nhà trường đó phải chịu trách nhiệm.

Và mỗi kỳ học được minh chứng qua kết quả đánh giá của hệ thống giáo dục của Cambridge.

Đào tạo chương trình Cambirdge không phải năm nay mới có. Hà Nội đã xây dựng từ năm học trước.

Khi xây dựng chương trình, Hà Nội đã xin ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo, được thường trực Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội thẩm định thông qua.

Nghị định 86 phải đến tháng 6/2018 mới ra đời, còn tổ chức đào tạo chương trình song bằng, các trường có điều kiện đã thực hiện năm 2017.

Mong dư luận có cái nhìn khách quan đánh giá về chương trình này để học sinh Việt Nam sau khi tốt nghiệp Trung học Phổ thông ra có thể đi học các trường đại học khác thuận lợi."

Đỗ Thơm