Sinh viên song ngữ Đại học Thái Nguyên chật vật đi xin việc với tấm bằng đơn ngữ

30/08/2017 06:09
Lê Ngọc
(GDVN) - Được đào tạo 70% tiếng Anh, 30% tiếng Trung nhưng khi tốt nghiệp Đại học Thái Nguyên nhiều sinh viên được cấp bằng tiếng Trung và rất khó tìm việc làm.

Vừa qua Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được phản ánh của nhiều sinh viên Đại học Thái Nguyên cho biết, giữa đào tạo với cấp bằng bất hợp lý khiến họ rơi vào tình cảnh khó khăn khi tìm việc làm.

Theo như phản ánh, sinh viên T.T.V. học ngành sư phạm tiếng Trung, chuyên ngành sư phạm song ngữ Trung – Anh K35 (2012 – 2017) của Khoa Ngoại ngữ, đã được đào tạo 5 năm về chuyên ngành song ngữ với lượng kiến thức tiếng Anh 70%, tiếng Trung chiếm 30%.

Tuy nhiên khi học xong, họ nhận về chỉ là tấm bằng đơn ngữ tiếng Trung.

“Tôi có thắc mắc lên lãnh đạo nhà trường thì được giải thích rằng, theo thông tư 19/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì việc cấp bằng đó là theo ngành học, do đó tôi học chuyên ngành sư phạm Trung – Anh thuộc ngành sư phạm tiếng Trung vì vậy theo lãnh đạo trường thì việc cấp bằng cho tôi không có gì sai cả.

Nhưng tôi cũng thấy bất công, tôi tìm hiểu thì được biết một số khóa học trước vẫn được cấp bằng tốt nghiệp đại học có ghi chuyên ngành song ngữ, như khóa K33, khóa K34.

Lãnh đạo nhà trường giải thích rằng, vì tại thời điểm đó ngành và chuyên ngành vẫn được gộp lại giống nhau nên việc cấp bằng cho các khóa đấy như thế không có gì ảnh hưởng.

Tôi nhận thấy quá thiệt thòi và bất công cho những sinh viên khóa sau như chúng tôi, không chỉ ở khóa chúng tôi mà còn bao nhiêu sinh viên ở các khóa sau cũng rơi vào tình trạng lo lắng với việc cấp bằng như trên”, sinh viên T.T.V. bức xúc.

Đơn của sinh viên gửi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh về việc cấp bằng tốt nghiệp của Trường Đại học Thái Nguyên (ảnh HC).
Đơn của sinh viên gửi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh về việc cấp bằng tốt nghiệp của Trường Đại học Thái Nguyên (ảnh HC).

Nhiều sinh viên còn cho rằng, Đại học Thái Nguyên không thông báo rõ ràng, cụ thể tới sinh viên mà điều trái ngược là thông báo liên tục tuyển sinh các ngành song ngữ;

Nhà trường còn giới thiệu rằng việc học song ngữ vô cùng thuận lợi và ngay sau khi sinh viên ra trường sẽ được cấp bằng tốt nghiệp song ngữ, nhưng thực tế thì bằng đơn ngữ đã được cấp và sự bất cập là khâu đi xin việc.

Khi nhà trường thông báo tuyển sinh ngành song ngữ dễ khiến cho nhiều học sinh hiểu rằng, sau khi được đào tạo chuyên ngành song ngữ xong sẽ được cấp bằng tốt nghiệp đại học song ngữ, và vấn đề xin việc rất dễ dàng. 

Sinh viên song ngữ Đại học Thái Nguyên chật vật đi xin việc với tấm bằng đơn ngữ ảnh 2

Sinh viên Trường Đại học Kiến trúc bị đình chỉ học vì chưa đóng học phí

“Khi đăng ký chúng tôi cứ ngỡ sẽ được cấp bằng song ngữ, nhưng việc cấp bằng đơn ngữ như thế thì chúng tôi thấy quá thiệt thòi.

Điều khó khăn nhất cho chúng tôi bây giờ là khi đi xin việc ở một số cơ sở giáo dục vô cùng khó khăn, vì các đơn vị không nhận bằng đơn ngữ tiếng Trung của chúng tôi.

Những lúc như thế chúng tôi thấy tủi thân vô cùng, sau những năm trời cắp sách đi học mới được tấm bằng đại học thì lại bị các cơ sở từ chối, quả thật là bất công cho chúng tôi”, sinh viên N.T.V cho biết thêm.

Để làm rõ vấn đề trên, ngày 25/08 phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Lê Hồng Thắng - Trưởng khoa Ngoại ngữ Đại học Thái Nguyên.

Ông Thắng cho biết, nhà trường đã nhận được phản ánh của phụ huynh, sinh viên, và rất thông cảm, chia sẻ với những sinh viên đã được cấp bằng tốt nghiệp đại học đơn ngữ.

Đồng thời ông Thắng cũng nhận trách nhiệm và tiếp thu những phản ánh của sinh viên và phụ huynh, cũng như của báo chí. 

Bằng đơn ngữ tiếng Trung của Trường Đại học Thái Nguyên khiến sinh viên khó xin việc (ảnh bạn đọc cung cấp)
Bằng đơn ngữ tiếng Trung của Trường Đại học Thái Nguyên khiến sinh viên khó xin việc (ảnh bạn đọc cung cấp) 
Bằng tốt nghiệp Đại học song ngữ Trung - Anh của Trường Đại học Thái Nguyên (ảnh bạn đọc cung cấp).
Bằng tốt nghiệp Đại học song ngữ Trung -  Anh của Trường Đại học Thái Nguyên (ảnh bạn đọc cung cấp).

“Khoa chúng tôi cũng đã nắm được sự việc các sinh viên phản ánh về bằng cấp, đối với khóa K 35 với một số các em nhận bằng tốt nghiệp sư phạm đơn ngữ tiếng Trung  khi ra trường rất khó khăn trong xin việc vì nhiều cơ sở họ từ chối. 

Nhà trường cũng đã có trao đổi lại với phụ huynh và các em sinh viên, và tìm lại các quyết định trúng tuyển để giải thích cho các phụ huynh và các em sinh viên được biết, trong quyết định trúng tuyển của các em ghi là ngành sư phạm tiếng Trung, cho nên việc cấp bằng tốt nghiệp ghi là bằng sư phạm tiếng Trung theo như quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cấp theo quy định như thế thì chúng tôi cũng thấy là thiệt thòi cho các sinh viên", ông Thắng lý giải. 

Ông Lê Hồng Thắng cho biết thêm, Khoa Ngoại ngữ đã báo cáo sự việc với ban lãnh đạo Đại học Thái Nguyên, nhằm tháo gỡ những bất cập trong việc cấp bằng, đề xuất với ban  lãnh đạo nhà trường nên bổ sung thêm dòng chữ bên dưới ngành là chuyên ngành song ngữ Trung – Anh.

Sinh viên song ngữ Đại học Thái Nguyên chật vật đi xin việc với tấm bằng đơn ngữ ảnh 5

Nghị lực học tiếng Anh của cô gái trẻ khiếm thính

"Đề xuất này, đã được Trường Đại học Thái Nguyên đồng ý và mới công nhận xong.

Thời gian tới theo đúng tinh thần như vậy chúng tôi sẽ ghi thêm.

Còn về số bằng tốt nghiệp các em đã được cấp như trên chỉ chiếm số lượng ít, số lượng chưa cấp là rất nhiều và sẽ bổ sung, sửa đổi cho phù hợp trước khi cấp bằng. 

Số lượng mà chúng tôi đã cấp rồi thì chúng tôi sẽ xin ý kiến của Trường Đại học Thái Nguyên xem phương án giải quyết của lãnh đạo trường là như thế nào. Chúng tôi thấy các em sinh viên cũng có cái thiệt thòi và rất thông cảm không gây khó dễ gì cho các em.

Khóa K35 là khóa đầu tiên mà liên quan đến việc cấp bằng này, chúng tôi cũng nhận có trách nhiệm trong vấn đề này, qua sự việc này chúng tôi sẽ cố gắng khắc phục để hợp lý cho các em sinh viên khi ra trường xin việc”, ông Thắng cho hay.

Điều bất hợp lý trong sự việc này rất cần phải làm rõ là sinh viên được đào tạo tới 70% lượng kiến thức tiếng Anh, chỉ 30% lượng kiến thức tiếng Trung, nhưng lại được cấp bằng tốt nghiệp sư phạm tiếng Trung thì liệu chất lượng có đảm bảo? 

Lý giải về vấn đề trên, ông Thắng cho biết, sở dĩ việc lượng kiến thức tiếng Anh chiếm nhiều hơn tiếng Trung là dựa theo sự lựa chọn tự nguyện của sinh viên và không áp đặt cho sinh viên. 

"Định hướng ra trường như thế nào thì các sinh viên lựa chọn như thế, chứ khoa cũng không áp đặt, không quy định việc phải lựa chọn học tiếng nào nhiều hơn, vì đào tạo theo tín chỉ thì các em sinh viên tự quyết định việc này. 

Ngôn ngữ nào học nhiều hơn thì nhà trường có văn bản xác nhận cho các sinh viên, trên cơ sở số tín chỉ mà các sinh viên đăng ký thì nhà trường sẽ xác nhận xem các sinh viên đăng ký bao nhiêu phần trăm, tùy thuộc vào các sinh viên để tạo hướng mở cho các sinh viên xin việc nó tốt hơn", ông Thắng giải thích. 

Liên quan đến vấn đề trên, ngày 29/8, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đặng Kim Vui - Hiệu trưởng Trường Đại học Thái Nguyên cho biết, sẽ cho kiểm tra lại và thông tin tới báo chí sau. 

Lê Ngọc