Sinh viên nghèo nặng gánh vì các khoản thu ngoài học phí

01/12/2011 16:00
Theo DanViet
(GDVN) - Ngoài học phí, các sinh viên còn phải đóng thêm các khoản như: lệ phí nhập học, lệ phí khám sức khỏe, BHYT, đồng phục thể dục... nghe cũng thấy mệt.

Trong khi các trường ĐH công lập đang đề xuất tăng học phí lên gấp 3 lần nhằm cân đối thu chi thì rất nhiều sinh viên nghèo, mặc dù được miễn giảm đang phải méo mặt vì các khoản thu ngoài học phí.

Gánh nặng ngoài học phí

Đầu năm học 2011 – 2012, sinh viên năm thứ I Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng đã phải đóng gần 5,5 triệu đồng. Trong đó, học phí 4,8 triệu đồng/kỳ cho 7 môn học đại cương, lệ phí nhập học 180.000 đồng, lệ phí khám sức khoẻ 30.000 đồng, Bảo hiểm y tế 262.000 đồng, PBTN (sinh viên không dịch được đây là khoản gì -PV) 50.000 đồng, quỹ lớp 50.000 đồng/tháng, đồng phục thể dục 50.000 đồng… chưa kể tiền giáo trình.

Sinh viên nghèo nặng gánh vì các khoản thu ngoài học phí ảnh 1
Đỗ đại học, các sinh viên nghèo phải đối mặt với rất nhiều khoản thu ngoài học phí.

Em Trần Ngọc Thụ (SV năm thứ 3) cho biết: “Không tính tiền học phí, chỉ những khoản thu liên quan đến môn học thực hành đã đủ làm cho sinh viên kiến trúc “mệt nhoài”. Giáo trình đắt, giấy vẽ, giá vẽ và rất nhiều dụng cụ khác cũng ngốn một số tiền không nhỏ”.

Còn sinh viên ĐH Công nghiệp Hà Nội, ngoài học phí theo tín chỉ từ 115.000 đồng/tín chỉ cũng phải đóng thêm phí đào tạo chất lượng cao, phí thư viện và phí trang thiết bị hiện đại… Em Nguyễn Thu Nga (SV năm thứ 3) cho biết: “Vào dịp hè và sau tết trường tạo điều kiện cho sinh viên… thi cải thiện. Nếu sinh viên có môn học đạt điểm thấp có thể đăng ký học lại 90.000 đồng/ trình và thi cải thiện môn 20.000 đồng/môn. Những môn có nhiều trình đôi khi phải mất 450.000- 600.000 đồng/môn”.

Những khoản thu ngoài học phí này đã trở thành gánh nặng đối với nhiều sinh viên, đặc biệt là sinh viên nghèo, sinh viên thuộc diện chính sách. Em Trần Minh Ngọc – SV Học viện Tài chính cho biết: “Học phí đóng trước rồi cũng được lấy lại nhưng học phí chỉ là một phần, các khoản thu ngoài học phí và chi phí ăn ở hàng tháng mới thực sự là gánh nặng”.

Ngọc tính: Mỗi tháng tối thiểu mất 1.000.000 đồng tiền ăn; 500.000 đồng tiền nhà trọ (ở ghép); 240.000 đồng chi phí đi lại; quỹ lớp, quỹ đoàn 60.000 đồng/ tháng; tiền mua sách vở, giáo trình 120.000 đồng… Như vậy, mỗi tháng ngoài học phí mỗi sinh viên phải chi tối thiểu hơn 2.000.000 đồng. “Đây thực sự là một số tiền không nhỏ đối với sinh viên nghèo” - Ngọc cho biết.

Trường vẫn tiếp tục xin “tăng thu”

Trong khi sinh viên phản ánh phải đóng quá nhiều khoản tiền thì các trường ĐH công lập đều “than” rằng họ không có khoản thu nào khác ngoài học phí với mức đóng đã quá lạc hậu với nền kinh tế thị trường. Vì vậy để giải bài toán “bù thu, tránh lỗ”, ngoài việc tăng học phí, các trường chính thức đề xuất được phép thu thêm một số khoản phí khác từ người học… Một số khoản thu hợp lý, nhưng cũng rất nhiều khoản thu được nại ra vì sự lãng phí trong điều hành.

Cụ thể, ông Ngô Thế Chi – Giám đốc Học viện Tài chính cho biết: “Nhiều khoản phải chi nhưng không được thu như phí học lại, thi lại rất cần để chi cho giáo viên coi thi, làm đề thi, chấm thi…Vì khoản tiền này đã tính trong học phí, không hợp thức hoá được nên cuối năm khoản thu này vẫn bị Kiểm toán Nhà nước thu hồi”. Vất vả để được thu các loại phí này của sinh viên, nhưng nhiều khoản chi khác của trường lại chi chưa hợp lý như khấu hao tài sản, một bộ máy chiếu sau một năm là đã hết khấu hao và chờ… sắm mới.

Mặc dù Đại học Sư phạm Hà Nội được cấp bù kinh phí do sinh viên sư phạm được miễn học phí nhưng ông Nguyễn Viết Thịnh - Hiệu trưởng vẫn cho rằng: “Kinh phí được cấp cho các trường sư phạm hiện nay rất thấp và không phân biệt về chất lượng dịch vụ giữa các trường”. Vì vậy, ông Thịnh đề nghị cho phép các trường thu thêm một phần kinh phí để bù đắp các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và tăng cường dịch vụ sinh viên như: Kinh phí để mở thư viện phục vụ tối, kinh phí một phần vật tư tiêu hao đối với các khoa có thí nghiệm, nhạc, họa…

Trường Đại học Quốc tế (thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM) tuy là trường công lập, nhưng học phí tính bằng USD. Nếu bằng do nhà trường cấp thì trung bình học phí là 1.500USD/năm, tương đương 33 triệu đồng, tức là khoảng 3,3 triệu đồng/tháng (tính cho 10 tháng học), gấp 10 lần học phí mà Bộ GDĐT quy định.

Với những ngành có liên kết đào tạo với nước ngoài thì chi phí còn “khủng” hơn: Học phí 2 năm ở Việt Nam là 2.000-2.500USD, 1-2 năm sau học tiếp ở nước ngoài thì học phí lên tới 10.000-15.000USD/năm. Vậy mà ông Hồ Thanh Phong - Hiệu trưởng nhà trường vẫn cho rằng: “Đã đến lúc không thể bao cấp cho giáo dục đại học được nữa. Người học phải chấp nhận chia sẻ tương ứng nguồn thu với cơ sở đào tạo”.

Các chuyên gia giáo dục thì cho rằng, việc các trường công lập tăng học phí và các khoản thu cũng là xu hướng tất yếu, nhưng cần công khai trước kỳ tuyển sinh để thí sinh lựa chọn. Mặt khác cần có biện pháp hỗ trợ đối với đối tượng chính sách, sinh viên nghèo để những sinh viên này có thể tiếp tục theo học mà không bị “đuối” vì đóng góp.

Nên gộp các khoản thu vào học phí

Nguyễn Thị Thuỷ - sinh viên năm 3, Trường Đại học Công đoàn, quê ở Quỳnh Phụ, Thái Bình cho biết, học phí Trường Công đoàn hiện ở mức thấp nhất: 180.000 đồng/tháng. Vì thuộc diện hộ cận nghèo nên Thuỷ được giảm 50% học phí, tức là được giảm 90.000 đồng. Tuy nhiên, Thuỷ cho biết, những khoản thu ngoài học phí hiện lên tới khoảng 500.000 đồng/tháng, và dĩ nhiên em không được miễn giảm. Nhiều sinh viên như Thuỷ cho rằng, nên gộp các khoản thu đó vào học phí- để dù có tăng cũng là “danh chính ngôn thuận” và sinh viên nghèo thực sự được hưởng lợi từ chính sách miễn giảm học phí của Chính phủ.

Theo DanViet