Sinh viên làm thêm ngày tết: Dễ kiếm nhưng tủi lắm!

04/01/2012 10:30
Bích Thảo
(GDVN) - “Kiếm tiền ngày tết dễ nhưng tủi lắm!” là chia sẻ của nhiều bạn sinh viên khi hi sinh cái Tết bên gia đình để kiếm chút tiền trang trải cuộc sống.

Mất tiền về quê ăn tết

Những ngày cận tết này, trong khi hầu hết bạn sinh viên đang háo hức chuẩn bị vé tầu xe về quê ăn tết thì vẫn còn rất nhiều bạn lựa chọn ở lại Thủ đô để kiếm thêm chút ít tiền trang trải chuyện học hành.

Tranh thủ những ngày học bớt căng thẳng sau khi đã hoàn thành kì thi hết môn, không khí chuẩn bị đón tết tấp nập khắp nơi, nhiều sinh viên rủ nhau đến các trung tâm môi giới việc làm để kiếm việc. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể tìm được những công việc ưng ý và lương hấp dẫn như quảng cáo ban đầu.

Nhiều việc làm thêm hấp dẫn dịp Tết nhưng cũng nhiều rủi ro
Nhiều việc làm thêm hấp dẫn dịp Tết nhưng cũng nhiều rủi ro

Tại các cổng trường ĐH, CĐ xuất hiện vô số tờ rơi, quảng cáo tuyển sinh viên làm thêm ngày tết. Do vậy khả năng tìm việc làm thêm những ngày này có vẻ đơn giản do nhu cầu cao, lương lại khá hấp dẫn. Những công việc mùa vụ Tết dành cho sinh viên chủ yếu là dọn dẹp nhà cửa, trông trẻ, bán hàng tết, bán hoa, phát tờ rơi, các dịch vụ ăn uống...

Chúng tôi theo chân hai bạn sinh viên năm 2, trường Đại học Thủy Lợi tìm đến trung tâm giới thiệu việc làm trên phố Hạ Đình. Hai bạn sinh viên tên Hồng và Thái sau một hồi xem danh sách các công việc được “nhà tư vấn” đưa ra các bạn đã chọn việc bán hàng tết cho một cửa hàng bánh mứt kẹo ở Trần Duy Hưng. Mức giá là 150.000 đồng/ca 8 tiếng.

Công việc bán hàng đòi hỏi tốn rất nhiều thời gian, công sức, tuy nhiên với mức lương khá hấp dẫn, hai bạn lại được làm cùng nhau, nên các bạn đã vui vẻ nộp lệ phí môi giới là 300.000 đồng/người. Tính ra bắt đầu làm từ 08/12/2011 đến 08/1/2012 (âm lịch) tính ra mỗi bạn cũng sẽ thu về được hơn 4.500.000 đồng có thể trang trải mấy tháng cuộc sống sinh viên. Ai cũng háo hức, khấp khởi.

Tuy nhiên mới làm được hai ngày, hai bạn đã phải “chạy đứt dép” vì chủ bắt làm một ca thành ca rưỡi. Công việc bán hàng chưa phải cao điểm đắt hàng, bà chủ lại bắt hai bạn dọn nhà cửa, giặt quần áo, nấu cơm… trong khi đồng lương lại bị dọa trừ ngược, trừ xuôi. Có khi ca tối của Hồng đến 10h là xong nhưng hơn 11h30 bà chủ mới tha cho Hồng về.

Dù là biết trước khó khăn, nhưng hai bạn vẫn tìm đến trung tâm để xin lại số tiền đặt cọc. Nhưng trung tâm đổ lỗi là các bạn không làm được việc, trung tâm chỉ có trách nhiệm giới thiệu đến chỗ làm. Tiền đặt cọc không lấy lại được một đồng lại còn bị mắng cho té tát, hai cô bạn khóc nức nở vì tủi, vì ấm ức và hết tiền về quê.

Hồng tức tưởi kể: “Hôm đầu tiên đến làm thì bà chủ ngọt ngào với bọn em, nhưng sau lại bắt làm đủ thứ việc, động chút là bà ta chửi bới, làm sao mà bọn em chịu được. Sang bên trung tâm để xin lại một nửa số tiền đặt cọc theo như thỏa thuận ban đầu nếu không làm được việc thì trả lại, thế mà họ trở giọng chửi bọn em luôn.”

Thái thêm lời: “Giờ em cạch đến già luôn. Tiền mất tật mang. Em còn có mấy trăm tiền ăn thôi làm sao đủ tiền để nửa tháng nữa về quê đây.”

Chủ bắt bồi thường bằng mấy lần thù lao

Tìm việc qua các trung tâm, tờ rơi luôn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Do vậy nếu có những mối giới thiệu quen biết sẽ đảm bảo quyền lợi và tránh mất tiền oan cho các bạn sinh viên.

Lau dọn nhà dễ bị chủ đổ oan lấy trộm đồ
Lau dọn nhà dễ bị chủ đổ oan lấy trộm đồ

Tuy nhiên cũng nhiều cảnh bi đát xảy ra cho các bạn sinh viên với những công việc mùa vụ này. Được người quen giới thiệu đến dọn dẹp nhà cửa cho mấy mối, vừa không mất tiền qua môi giới, vừa được tiền ngay, Vũ Thị Lan sinh viên năm nhất trường Đại học Sư phạm Hà Nội rất háo hức. Lan rủ thêm một bạn cùng lớp đến dọn. Thù lao cho một nhà là 500.000 đồng.

Dành ra hai, ba ngày, Lan cũng đã kiếm được 500.000 đồng. Vì làm chăm chỉ, sạch sẽ nên chủ nhà lại giới thiệu gia đình hàng xóm cho Lan. Lan lại có thêm mấy mối làm ăn. Tuy nhiên, đến nhà thứ tư thì tiền mấy nhà trước không đủ bù.

Lan xót xa tâm sự: “Em đang dọn ở tầng trên thì cô chủ gọi giật em xuống nhà dưới và hỏi có thấy sợi dây chuyền cô để trên bàn phấn hay không. Em bảo hôm qua dọn thì có thấy. Thế là cô bắt em vào tìm mọi ngóc ngách trong phòng và bảo chỉ có hai đứa em là người lạ, nên đổ nghi cho bọn em. Cô ấy gào ầm lên và bắt đền bọn em đến 4.500.000 đồng bằng giá một chỉ vàng bây giờ.

Sau em phải nhờ người quen, rồi chị chủ trước đến nói hộ, chị ta vẫn bắt phạt bọn em 2.000.000 đồng. Làm quần quật mấy nhà mà vẫn không đủ tiền đền. Mà bọn em có lấy đâu chứ. Đúng là nhục thật ạ.”

Cũng không phải bạn nào cũng gặp phải những trường hợp éo le mất tiền như vậy. Trong nhiều siêu thị, cửa hàng các bạn sinh viên vẫn tìm được công việc đảm bảo. Bạn Trang làm nhân viên bán đồ ăn nhanh chia sẻ: “Khi khách đông, mình cũng bị khách mắng mỏ cho suốt. Kiếm tiền dịp tết này dễ nhưng cực lắm.”

Bích Thảo