Sinh viên Đại học SPKT TPHCM mất việc vì chưa được nhận bằng tốt nghiệp

12/04/2022 10:09
Lê Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chưa nhận được bằng tốt nghiệp chính thức, nhiều sinh viên trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh khó khăn khi đi xin việc.

Như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải, gần 4000 sinh viên trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh tốt nghiệp từ tháng 5 năm ngoái đến nay vẫn chưa nhận được bằng vì trường thiếu hiệu trưởng. Điều này khiến nhiều sinh viên gặp rất nhiều khó khăn khi xin việc làm, ảnh hưởng đến cuộc sống. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa biết nơi nào tháo gỡ những thiệt thòi mà người học gánh lấy trong vụ việc này.

Thiếu bằng nhiều sinh viên mất cơ hội làm việc ở nơi tốt

Phúc Thịnh (tên nhân vật đã thay đổi) - sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí của trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết vì vướng dịch Covid-19 nên đã bị chậm tiến độ ra trường hơn ấy vậy mà đến giờ cũng chưa biết đến khi nào được nhận bằng tốt nghiệp chính thức.

“Đáng lẽ theo đúng tiến độ sinh viên khoá 2017 của em sẽ được làm lễ tốt nghiệp và nhận bằng vào tháng 12/2021 nhưng đến giờ em mới chỉ được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời. Em cùng nhiều bạn cũng đã hỏi nhà trường nhưng phía Phòng Đào tạo phản hồi chưa thể biết được thời gian làm lễ tốt nghiệp cũng như trao bằng chính thức vì hiện tại trường chưa có người chịu trách nhiệm ký bằng”, Thịnh cho biết.

Sinh viên trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh học thực hành trước đây (ảnh: Lê Phương)

Sinh viên trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh học thực hành trước đây (ảnh: Lê Phương)

Tương tự, Hiếu Minh (tên nhân vật đã thay đổi) vừa tốt nghiệp ngành Công nghệ hoá học và thực phẩm vào tháng 3 năm nay cũng chưa được cầm tấm bằng trong tay.

“Em đã xin được việc và chỗ công ty chấp nhận giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời nhưng cũng yêu cầu trong vòng 3-6 tháng phải gửi lại bằng tốt nghiệp chính thức để xác minh. Nếu sắp tới vẫn chưa có bằng chính thức để nộp cũng em không biết trả lời cho phòng nhân sự của công ty như thế nào”, nam sinh than thở.

Hiếu Minh cho biết bản thân mình may mắn chưa bị công ty yêu cầu nộp bằng ngay nhưng nhiều bạn cùng lớp của Minh không được thuận lợi như vậy. “Trong lớp em cũng có nhiều bạn gặp khó khăn vì nhiều công ty dù lương và đãi ngộ tốt nhưng yêu cầu phải có bằng tốt nghiệp chính thức mới tuyển dụng. Chính vì vậy các bạn này bị ảnh hưởng rất nhiều, thậm chí phải tìm công việc khác không tốt bằng để làm. Ấy vậy khi liên hệ Phòng Đào tạo hỏi thì cứ rời thời gian phản hồi chính thức và chỉ hứa xác nhận với công ty sinh viên đã hoàn thành chương trình học”, Hiếu Minh kể.

Cho tới thời điểm này, sinh viên các khoá tốt nghiệp trong vòng một năm nay cũng chưa nhận được phản hồi chính thức nào của trường liên quan việc cấp bằng tốt nghiệp cho sinh viên ngoại trừ chỉ hứa hẹn cấp giấy chứng nhận tạm thời có hiệu lực trong vòng 6 tháng.

“Vấn đề trường không có hiệu trưởng ký bằng đã kéo dài từ tháng 5/2021 rồi, đến nay cũng gần một năm cũng có biết bao đợt sinh viên tốt nghiệp nhưng cứ hoãn trao bằng. Chúng em mong muốn trường có một văn bản chính thức thông báo giải quyết vấn đề bằng cấp cho sinh viên với mốc thời gian cụ thể. Có như vậy người học như chúng em có thể thuận tiện trao đổi với các công ty, doanh nghiệp khi đi xin việc chứ không thể gia hạn giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời mãi”, Hiếu Minh bức xúc nói.

Nam sinh này cũng chia sẻ thêm: “Các sinh viên muốn kiến nghị Bộ Giáo dục và đào tạo quan tâm vấn đề về Hội đồng trường và ban giám hiệu bởi trường đã bị khuyết gần một năm nay”.

Nhà trường lúng túng, bị động giải quyết vấn đề

Liên quan đến vụ việc này, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Trường Thịnh- người phụ trách trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đây là vấn đề khó khăn cho trường gặp phải lúc này dù nhà trường đã làm hết sức cho sinh viên.

Ông Thịnh cho biết vướng mắc ở chỗ, theo quy định tại Thông tư 21/2019 của Bộ Giáo dục và đào tạo quy định: "Văn bằng giáo dục đại học do giám đốc đại học, hiệu trưởng trường đại học, giám đốc học viện, viện trưởng viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo và cấp văn bằng ở trình độ tương ứng cấp". Trong khi đó, nhà trường này chưa có hiệu trưởng chính thức kể từ khi Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Văn Dũng-hiệu trưởng cũ hết tuổi quản lý từ tháng 5 năm ngoái.

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh hiện thiếu nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt (ảnh: website nhà trường)

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh hiện thiếu nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt (ảnh: website nhà trường)

Theo Luật Giáo dục Đại học thì việc bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là trách nhiệm của Hội đồng trường nhưng vấn đề nhân sự lãnh đạo tại trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh lại rơi vào bế tắc vì chưa có Chủ tịch hội đồng trường. Trong khi đó, ngày 10/3/2022, Bộ Giáo dục mới chính thức miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch hội đồng trường trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh của phó giáo sư, tiến sĩ Ngô Văn Thuyên, sau 4 tháng ông này làm đơn xin từ nhiệm.

Trước đó vào tháng 12/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản có hướng dẫn và yêu cầu trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh kiện toàn Hội đồng trường và các vị trí lãnh đạo, quản lý của trường.

Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng trường trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện trình tự, thủ tục quyết định nhân sự hiệu trưởng hoặc giao quyền hiệu trưởng, đảm bảo yêu cầu với vị trí hiệu trưởng hoặc được giao quyền hiệu trưởng phải có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín để điều hành, quản lý hoạt động của trường đi vào ổn định; được đa số thành viên tập thể lãnh đạo mở rộng tín nhiệm. Hội đồng trường căn cứ tình hình nhân sự cụ thể của trường nhanh chóng xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện các nội dung trên, báo cáo Bộ trước khi thực hiện.

Tuy nhiên đến nay, nhà trường vẫn khá lúng túng với quy trình bổ nhiệm nhân sự quản lý của phía trường. “Có nhiều vấn đề đòi hỏi chỉ dẫn của Bộ Giáo dục đào tạo hướng dẫn chứ trường không thể tự thực hiện được”, người phụ trách trường đại học này chia sẻ.

Một cán bộ công tác tại trường cũng cho rằng, mặc dù Bộ có văn bản hướng dẫn nhưng nội dung khá chung khiến nhà trường bị động triển khai. Với tình hình nhân sự khuyết nhiều vị trí chưa thể ổn định ngay thì quyền lợi của người học vẫn khó có thể giải quyết sớm trong tương lai.

Lê Phương