Sinh viên Bách khoa chế “giường đệm thông minh” cho người bệnh

20/09/2018 07:09
An Nguyên
(GDVN) - Để tạo ra sản phẩm này, nhóm của Quốc đã phải đến nhiều bệnh viện ở Đà Nẵng để khảo sát, tìm kiếm thông tin, lấy số liệu.

Bằng những kiến thức đã học trên giảng đường, một nhóm gồm 5 sinh viên trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã mày mò nghiên cứu và chế tạo ra sản phẩm “giường đệm thông minh” dành cho người già và người bị bệnh về xương khớp.

Sản phẩm độc đáo “made by sinh viên”

“Sản phẩm của chúng em là “giường đệm thông minh” dành cho người cao tuổi và người mắc những bệnh về xương khớp.

Nhóm sinh viên chế tạo sản phẩm giường đệm thông minh của Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Ảnh: VVQ
Nhóm sinh viên chế tạo sản phẩm giường đệm thông minh của Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Ảnh: VVQ

Sản phẩm được kết cấu với bộ khung chính bằng sắt và lớp vỏ ngoài làm bằng gỗ, sau đó mặt trên được bọc một lớp đệm mềm (có khả năng hút ẩm).

Đệm được điều khiển hoàn toàn bằng hệ thống cơ cấu cơ khí và mạch điện tử được lắp đặt nằm phía dưới đệm.

Để thao tác với nệm người dùng sử dụng hệ thống nút bấm được gắn liền trên đệm”, Võ Văn Quốc – trưởng nhóm chế tạo chia sẻ về cấu tạo của sản phẩm.

Mang Thạch - cậu học sinh người Rai đầy nghị lực

Chức năng chính của chiếc giường thông minh này chính là việc giúp tự động nâng hạ phần thân trên, giúp người sử dụng đệm dễ dàng thay đổi tư thế chuyển từ nằm sang ngồi và ngược lại.

Đệm có thể xoay 180 độ giúp người bệnh thay đổi hướng nhìn để dễ dàng di chuyển lên xuống đệm hay tiện cho việc chăm sóc của người nhà.

Ngoài ra, đệm có khả năng theo dõi tình trạng của người bệnh (nhiệt độ, độ ẩm…) và báo cho người nhà biết về tình trạng của người sử dụng đệm.

Để tạo ra sản phẩm này, nhóm của Quốc đã phải dành ra nhiều ngày liền lăn lộn ở các bệnh viện Đà Nẵng để thu thập, khảo sát, tìm kiếm các thông tin hữu ích.

“Qúa trình thực hiện sản phẩm này, khó khăn lớn nhất của tụi em chính là sinh viên Bách khoa nên chưa có nhiều kiến thức về y khoa.

Mọi người chưa nắm rõ được tình trạng của những bệnh nhân mắc bệnh về xương khớp và người già cũng như làm thế nào để thiết kế ra một sản phẩm đáp ứng được những tiêu chuẩn về y tế không gây ảnh hưởng xấu cho người sử dụng”, Định Nhân (một thành viên nhóm) nói.

Hỏi han từng người bệnh, những khó khăn của họ khi di chuyển và ghi chép tỉ mỉ để đưa ra những số liệu thống kê đầy đủ, chính xác từ thực tế.

Sau khi đã có thông tin từ thực tế, nhóm của Quốc đã áp dụng những kiến thức thông qua khóa học EPICS về “Tư duy thiết kế” để tìm hiểu vấn đề thực trạng hiện nay là người già và người bị bệnh về xương khớp thường khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày.

Từ đó cả nhóm thảo luận để đưa ra giải pháp phù hợp và hoàn thiện sản phẩm của mình để đưa vào thực tế.

“Một phần không thể thiếu đó là những kiến thức và kĩ năng chuyên ngành về Cơ – Điện (ngành học của nhóm là Cơ Điện Tử) về thiết kế mô hình, các cơ cấu cơ khí và việc thiết kế mạch điều khiển tư động”, Nguyễn Quốc Thanh Giang (một thành viên nhóm) cho hay.

Hy vọng sản phẩm được sử dụng rộng rãi

Chia sẻ thêm về quyết định nghiên cứu và chế tạo ra chiếc “giường đệm thông minh”, Quốc nói ý tưởng của nhóm xuất phát từ thực tế việc sinh hoạt, thay đổi tư thế khó khăn của người già và người bị bệnh xương khớp.

Hệ thống cảnh báo ngủ gật, ngăn tai nạn giao thông của hai sinh viên

“Tụi em muốn tạo ra một sản phẩm mà có thể hỗ trợ họ dễ dàng thay đổi tư thế, tạo ra sự thoải mái trong sinh hoạt hằng ngày.

Ngoài ra đệm còn là một công cụ hỗ trợ cho người nhà những bệnh nhân về xương khớp có thể thuận tiện trong việc theo dõi và chăm sóc bệnh nhân”.

Còn Giang cho hay, mong muốn khi tạo ra sản phẩm này là hướng tới sự thoải mái, dễ dàng trong việc sử dụng để phục vụ được những người già, người bị bệnh về xương khớp phải chịu nhiều khó khăn trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày.

“Hy vọng sản phẩm này có thể được phát triển hơn nữa để được sử dụng một cách rộng rãi. Về vấn đề thương mại hóa sản phẩm thì cũng đã có một số nhà đầu tư quan tâm đến.

Tuy nhiên, hiện chúng em vẫn chưa thực sự nghĩ tới việc đưa sản phẩm này ra thị trường với mục đích thương mại.

Bởi vì các thành viên trong nhóm còn phải dành thời gian cho việc học tập. Có thể trong tương lai gần thì việc thương mại hóa sản phẩm này là một ý tưởng không tồi”, Quốc chia sẻ.

An Nguyên