Sẽ bổ sung hơn 20.000 biên chế ngành giáo dục

01/11/2018 06:48
Thùy Linh
(GDVN) - Bộ trưởng Bộ Nội vụ thông tin, Bộ đã có công văn 5068 gửi Chính phủ xin đề nghị bổ sung biên chế ngành Giáo dục cho 22 tỉnh thành.

Liên quan đến biên chế giáo viên, trong phiên chất vấn chiều 30/10 tại Quốc hội, đại biểu Phan Viết Lượng –Bình Phước đặt vấn đề:

“Qua ý kiến tại phiên họp giải trình của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, ý kiến của cử tri tôi thấy việc tinh giản biên chế trong ngành giáo dục còn nhiều hạn chế và bất cập, chưa được chỉ đạo hướng dẫn bài bản, sâu sát, cụ thể. 

Việc cắt giảm biên chế giáo viên còn mang nặng tính hành chính, máy móc, chưa thực sự bảo đảm cơ sở lý luận và thực tiễn, dẫn đến tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. 

Đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm rõ hơn nguyên nhân, trách nhiệm đối với hạn chế, bất cập trong việc tinh giản biên chế ngành giáo dục và cho biết những giải pháp phải triển khai trong thời gian tới”. 

Sẽ bổ sung hơn 20.000 biên chế ngành giáo dục  ảnh 1Thực sự giáo viên đang thừa thiếu thế nào?

Cùng nỗi băn khoăn này, đại biểu Trần Thị Hằng - Bắc Ninh nêu, trong các kỳ họp trước, vấn đề thiếu giáo viên ở ngành giáo dục đào tạo, đặc biệt là khối mầm non và tiểu học được đề cập nhiều.

Song, đến thời điểm này tình trạng thiếu giáo viên vẫn đang là vấn đề cấp thiết của nhiều địa phương. 

“Xin hỏi Bộ trưởng Bộ Nội vụ, bộ có giải pháp như thế nào để giải quyết bài toán thiếu biên chế giáo viên của các địa phương và đối với những tỉnh thiếu hàng nghìn giáo viên thì bộ có tham mưu với Chính phủ để bổ sung biên chế này không? 

Nếu có thì bao giờ được bổ sung? Đối với những tỉnh đang còn thiếu quá nhiều biên chế giáo viên thì có phải thực hiện việc tinh giản biên chế giáo dục theo quy định không?”, đại biểu Hằng đặt câu hỏi.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân thông tin, thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39 và Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 6 là chủ trương rất lớn.

Riêng ngành giáo dục có tỷ lệ người làm việc theo chế độ lao động nhiều nhất, gần 1 triệu giáo viên; hiện tồn tại thực trạng thừa thiếu cục bộ ở từng địa phương, cấp học, bậc học.

Theo số liệu báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay trong toàn ngành giáo dục từ phổ thông đến mầm non thiếu 107.996 giáo viên, trong đó số thừa là 8.997 giáo viên so với định mức.

Riêng mầm non thiếu 65.065 giáo viên, số tiểu học chỉ thiếu hơn 20.000 giáo viên, trong đó tiểu học có thiếu nhưng cũng có thừa.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân giải trình các vấn đề đại biểu nêu trong chiều 30/10/ 2018 (Ảnh: quochoi.vn)
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân giải trình các vấn đề đại biểu nêu trong chiều 30/10/ 2018 (Ảnh: quochoi.vn)

Để giải quyết tình hình này, ông Lê Vĩnh Tân cho biết, Bộ Nội vụ đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, thống nhất có tờ trình công văn số 4558, báo cáo về tổng số giáo viên và biên chế ngành Y tế thiếu, đề nghị Chính phủ cho ý kiến xử lý.

Cụ thể, ngày 11/10/2018, Bộ Nội vụ có công văn 5068 gửi Chính phủ xin đề nghị bổ sung biên chế ngành Giáo dục, trong đó trước mắt tập trung giải quyết vấn đề thiếu giáo viên mầm non trong năm học 2018 – 2019 cho 17 địa phương có tăng dân số cơ học và 5 tỉnh Tây Nguyên, tổng số hơn 20.000 người. 

Vấn đề bổ sung trước mắt, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị vẫn nghiên cứu và không để học sinh không có thầy giáo giảng dạy. Tiếp tục rà soát lại những người có hợp đồng trước năm 2015 ở các cấp học để chúng ta có hướng xử lý phù hợp.

Sẽ bổ sung hơn 20.000 biên chế ngành giáo dục  ảnh 3Những yêu cầu mới nhất về tinh giản biên chế giáo viên của Bộ Giáo dục

Về lâu dài, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ và các bộ ngành liên quan rà soát lại số học sinh, giáo viên thực tế để giải quyết lực lượng giáo viên thừa thiếu cục bộ hiện nay.

Xây dựng, hoàn thiện các nghị định quy định về cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trong ngành giáo dục.

Xây dựng những cơ chế đổi mới về các mô hình quản lý đối với các cơ sở, đặc biệt là đối với giáo dục mầm non, trung học phổ thông, chúng ta nên nghiên cứu để chuyển từ công lập ra ngoài công lập và đảm bảo về vấn đề quyền tự chủ chi thường xuyên đối với các đơn vị có đủ khả năng thực hiện. 

Đồng thời, rà soát lại các định mức giáo viên trên lớp, học sinh trên lớp, giờ giảng trong 1 tuần và điều chỉnh giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu cho phù hợp, nhất là đào tạo lại đối với những giáo viên thừa ở môn này sang để dạy môn khác.

Và hoàn thiện lại đề án vị trí việc làm ở các đơn vị sự nghiệp công lập sau khi đã tổ chức lại hệ thống trong giáo dục. 

Thùy Linh