Sau kỳ thi, đừng chì chiết hay so sánh điểm của con với bạn bè

28/07/2021 06:46
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Đại học là con đường quan trọng nhưng không phải là con đường duy nhất đối với quá trình lập thân, lập nghiệp của thanh niên". Tiến sĩ Học nhận định.

Đừng để con trẻ cô đơn sau kỳ thi

Từ 0h ngày 26/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 (đợt 1) đến thí sinh.

Đề thi các môn thi năm nay được đánh giá có nội dung bám sát với chương trình học và khá “dễ thở” đối với phần lớn học sinh. Nhiều học sinh dự kiến điểm tổng các môn đạt được như mong đợi.

Dù vậy, trên thực tế không phải lúc nào kết quả cũng sẽ như kỳ vọng. Sau mỗi mùa thi, luôn có số lượng nhất định học sinh không đạt được điểm số kỳ vọng. Học sinh có thể không đạt được theo nguyện vọng như đã đăng ký trước đó.

Phần đông trạng thái của các học sinh khi không đạt kết quả như mong muốn là buồn bã, chán nản. Thậm chí, một số học sinh xuất hiện cả phản ứng tiêu cực. Điều này có thể để lại những hậu quả đáng tiếc.

Tiến sĩ Hoàng Trung Học, Trưởng Khoa Tâm lý – Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục. (Ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Hoàng Trung Học, Trưởng Khoa Tâm lý – Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục. (Ảnh: NVCC)

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Tiến sĩ Hoàng Trung Học, Trưởng Khoa Tâm lý – Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục cho biết:

“Kỳ vọng và đạt được kỳ vọng là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Hầu hết các em học sinh đều tham gia kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông mang tính bước ngoặt này với những căng thẳng nhất định. Trong giai đoạn đầu tuổi trưởng thành, khả năng tự đánh giá năng lực của các em còn hạn chế. Năng lực học tập và định hướng nghề nghiệp là những năng lực phức tạp, có thể dẫn đến việc tự đánh giá sai ở một số học sinh, dẫn đến ra những quyết định không đúng đắn hoặc hiện tượng suy sụp khi kết quả thi không như ý.

Một số em đánh giá quá cao khả năng của bản thân, khi kết quả thi không như mong muốn có thể gây ra những cú sốc lớn trong giai đoạn đầu đời”.

Trường hợp học sinh xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực sau khi nhận kết quả thi không như mong đợi khá phổ biến. Theo Tiến sĩ Hoàng Trung Học, trên thực tế, cứ sau mỗi đợt công bố kết quả thi, chúng ta lại chứng kiến nhiều học sinh bị stress, rối loạn sức khỏe tâm thần, thậm chí một số trường hợp quá căng thẳng dẫn đến hành vi tự tử… Đó là những hệ quả liên quan đến kết quả thi cử không như mong muốn.

“Đối với một số học sinh, việc đổ vỡ trong thi cử là cú sốc lớn đầu đời, làm cho các em mất đi niềm tin vào chính bản thân mình và khả năng thành công trong tương lai.

Điều này có thể dẫn đến một hệ lụy tiêu cực khác. Học sinh có thể tiếp tục những sai lầm trong việc ra các quyết định không phù hợp với khả năng của bản thân. Đặc biệt, việc tiếp tục hướng nghiệp, chọn ngành, nghề sai có thể dẫn đến những ngã rẽ sai lầm khác… đều ảnh hưởng đến tương lai sau này của các em”, Tiến sĩ Hoàng Trung Học chia sẻ.

Học tập và rèn luyện là một quá trình rất dài, nhiều vất vả, do đó thường mang theo nhiều hi vọng của học sinh và cha/mẹ. Do đó, khi kết quả thi không như mong đợi, phụ huynh cần đặc biệt chú ý trở thành người đồng hành, động viên, an ủi các con; tránh những cảm xúc, việc làm tiêu cực và tiếp tục định hướng cho con trên con đường mới, mở ra cơ hội cho tương lai.

“Quan tâm, chấp nhận thực tế, thấu cảm và động viên con là việc nên làm của những cha/mẹ có con không đạt được kết quả thi như kỳ vọng. Việc chì chiết, bỏ rơi có thể làm các con cảm thấy cô đơn, có nguy cơ gia tăng những cảm xúc tiêu cực và hành vi tự xâm kích. Động viên con trẻ về mặt tinh thần, khích lệ con nhìn về tương lai với con mắt lạc quan là điều các vị phụ huynh nên làm vào lúc này để giúp con vượt qua những khúc cua thậm chí còn lớn hơn phía trước.

Cha mẹ cần làm cho con hiểu việc thi cử và thành công trong thi cử chỉ là một cột mốc trong cuộc đời. Thành công hay thất bại của kỳ thi này không đồng nghĩa với việc cuộc đời con sẽ thành công hay thất bại!”, Tiến sĩ Hoàng Trung Học cho hay.

Đại học không phải lựa chọn duy nhất

Nhiều học sinh do quá kỳ vọng vào kết học tập mà tự tạo áp lực cho bản thân, dẫn đến căng thẳng quá độ sau khi nhận kết quả không như mong muốn.

Tại Việt Nam, phần lớn phụ huynh và xã hội đề cao lựa chọn “cánh cửa” vào đại học và thậm chí nhiều em còn bị tự ép mình vào khuôn mẫu đó. Chính vì vậy, khi không đạt được ước mơ, hoài bão dễ dẫn đến tinh thần bị suy sụp.

“Cần khẳng định rằng, trong thời kỳ cách mạng khoa học bùng nổ hiện nay, việc được học tập, đào tạo bài bản trong các giảng đường đại học là con đường mang lại nhiều cơ hội phát triển cho thanh niên. Tuy vậy, nếu nói lựa chọn vào đại học là con đường duy nhất lại là phiến diện và có thể mang lại nhiều hệ lụy.

Đại học là con đường quan trọng nhưng không phải là con đường duy nhất đối với quá trình lập thân, lập nghiệp của thanh niên. Ngoài học đại học, học sinh còn có thể có nhiều lựa chọn khác”, Tiến sĩ Học nhận định.

Chúng ta phải xác định rằng, lao động phổ thông khó phù hợp với nền đại công nghiệp trong thời kỳ công nghệ 4.0. Người công nhân trong xã hội mới phải là những người có trình độ cao, được đào tạo bài bản, chứ không đơn giản là những lao động phổ thông, không qua đào tạo. Chính vì vậy, học đại học là một lựa chọn tốt cho những sinh viên có năng lực học tập.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa, chỉ có học đại học mới có thể có được năng lực lao động chất lượng cao trong tương lai. Trong quá trình trở thành một người lao động có trình độ, yếu tố quyết định chính là ý chí, là đam mê, là khát vọng và khả năng tự học, phát huy được thế mạnh của mình.

Trong thực tế đã có nhiều chuyên gia có trình độ cao nhưng xuất phát điểm chỉ học từ các trường cao đẳng, trung cấp nghề, thậm chí có cả những doanh nhân thành đạt nhưng bắt đầu sự nghiệp bằng con đường tự học, bằng ý chí vươn lên và khởi nghiệp thành công.

Ngược lại, nếu đỗ vào trường đại học như mong muốn nhưng với tư duy “ngủ quên trên chiến thắng”, ý chí thui chột, không nỗ lực vươn lên thì với rất nhiều sinh viên ngày tốt nghiệp đại học cũng đồng nghĩa với ngày thất nghiệp! Cánh cửa cuộc đời của các em cũng dần bị đóng lại vì lẽ đó”.

Tiến sĩ Hoàng Trung Học cho rằng: “Đại học là một môi trường tốt để đào tạo, và phát triển cho học sinh. Tuy nhiên, môi trường có phát huy được mặt tích cực hay không lại phụ thuộc vào sự phù hợp của nó với khả năng của học sinh. Thành công hay không trong quá trình đào tạo phụ thuộc phần lớn vào nỗ lực và ý chí của các em.

Vì vậy, phụ huynh cần hiểu đúng năng lực của con em mình. Nếu học sinh không đủ khả năng để đi theo con đường học đại học thì cha/mẹ cũng không nên xem đó là một điều tồi tệ. Chúng ta nên chấp nhận thực tế và lựa chọn một con đường khác phù hợp hơn với khả năng của con mình, hoặc tìm những ngành nghề mà xã hội có nhu cầu cao, phù hợp với sở thích để định hướng cho con.

Với những học sinh không có khả năng học tập ở trình độ cao mà ép các con học tập tại đại học với các ngành không phù hợp thì chẳng khác nào đang ‘bắt cá leo cây’. Ngược lại, đối với những học sinh có đủ năng lực học tập trình độ cao thì phụ huynh nên tạo điều kiện, không đánh mất ước mơ, hoài bão của các em.

Tóm lại, khi đã có kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, dù thành công hay chưa được như kỳ vọng, cha/mẹ cũng cần đồng hành, hỗ trợ để tiếp tục định hướng cho con. Chúng ta nên hiểu, định vị đúng năng lực của con để tư vấn cho con những lựa chọn phù hợp cho tương lai”.

Cao Kim Anh