Sau 7 năm tạm dừng, vì sao Bộ lại cho phép cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm?

20/04/2021 06:55
Phó giáo sư Hoàng Chí Hiếu (Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Huế)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sau 7 năm tạm dừng, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại tiếp tục cho phép sinh viên ngoài sư phạm có thể được trở thành giáo viên.

Ngày 5/4/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 11/2021/TT-BGDĐT về việc ban hành Chương trình và thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên tiểu học và Thông tư 12/2021/TT-BGDĐT về việc ban hành Chương trình và thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông (gọi tắt là Thông tư 11 và Thông tư 12).

Theo nội dung 2 thông tư này, đối tượng áp dụng đối với người có nguyện vọng trở thành giáo viên tiểu học là người có bằng cử nhân các chuyên ngành âm nhạc, mỹ thuật, tin học, công nghệ, giáo dục thể chất và ngoại ngữ. Để được cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, người học phải hoàn thành 35 tín chỉ.

Đối tượng học chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm để trở thành giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông là những người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp với các môn học của bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông. Người học phải hoàn thành 34 tín chỉ để được cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, ...

Như vậy, sau 7 năm tạm dừng, Bộ lại tiếp tục cho phép sinh viên ngoài sư phạm có thể được trở thành giáo viên. Theo ý kiến của cá nhân, chính sách này có mặt tích cực và hạn chế sau.

Sau 7 năm tạm dừng, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại tiếp tục cho phép sinh viên ngoài sư phạm có thể được trở thành giáo viên. (Ảnh minh họa: VOV)

Sau 7 năm tạm dừng, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại tiếp tục cho phép sinh viên ngoài sư phạm có thể được trở thành giáo viên. (Ảnh minh họa: VOV)

Về tích cực, tạo sức ép/cạnh tranh đối với những sinh viên học ngành sư phạm, buộc các em phải thường xuyên nỗ lực học tập, rèn luyện để có kết quả học tốt cũng như trang bị thuần thục những kĩ năng sư phạm, bởi giờ đây tuyển dụng vào ngành, các em không còn cảnh “một mình một chợ” nữa - mặc dù số lượng chỉ tiêu tuyển dụng hàng năm của các địa phương vẫn còn rất hạn chế.

Mặt khác, chính sách này còn tạo điều kiện cho những sinh viên học những “ngành phù hợp” có nguyện vọng trở thành nhà giáo, như thế ngành giáo dục có thể tuyển dụng được những cử nhân khoa học có chất lượng.

Điều này có thể hiểu được bởi ngoài sự nỗ lực của cá nhân, khối lượng kiến thức chuyên ngành các em được học nhiều hơn khoảng 30% tín chỉ so với sinh viên cùng ngành ở các trường sư phạm (tương ứng với các học phần nghiệp vụ sư phạm).

Tuy nhiên, nhìn nhận ở chiều ngược lại, nội dung Thông tư 11 và 12 còn có những bất cập, nếu không thực hiện tốt sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng đào tạo giáo viên hiện nay.

Một là, không xác định rõ những cơ sở giáo dục nào được phép bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Việc quy định “cơ sở giáo dục được mở ngành và đã đào tạo giáo viên môn học nào được thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên trung học cơ sở/trung học phổ thông môn học đó…

Có đủ giảng viên để giảng dạy, trong đó số giảng viên cơ hữu phải đảm bảo giảng dạy tối thiểu 70% khối lượng chương trình bồi dưỡng” liệu có tạo nên tình trạng đào tạo chứng chỉ bát nháo như trước đây không?

Lúc đó, chất lượng của những chứng chỉ này sẽ như thế nào? Được biết, tại thời điểm năm 2014, có 14 trường đại học sư phạm và 52 trường đại học có khoa đào tạo sư phạm được phép đào tạo, bồi dưỡng chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

Việc cần phải làm gấp hiện nay là quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học sư phạm để từ đó có cơ sở cho việc cấp phép bồi dưỡng chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm vẫn chưa được Bộ hoàn thành.

Hai là, đi sâu vào chất lượng của việc bồi dưỡng chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

Việc học 34 tín chỉ nghiệp vụ sư phạm cũng tương đương với số lượng này ở chương trình đào tạo của các trường đại học sư phạm nhưng khác biệt ở số đơn vị tín chỉ thực hành sư phạm (trong trường đại học sư phạm là 5 tín chỉ trong khi đào tạo chứng chỉ chỉ có 2 tín chỉ).

Ba là, từ năm 2018, tuyển sinh đầu vào của ngành sư phạm được Bộ quy định điểm sàn riêng, khá cao hơn so với các trường đào tạo hệ cử nhân cùng chuyên ngành.

Điều này làm cho mặt bằng chất lượng của sinh viên sư phạm cao hơn nhiều trường còn lại đào tạo cùng ngành.

Do đó, không loại trừ trường hợp, nhiều thí sinh do không đủ điểm trúng tuyển ngành sư phạm, phải lựa chọn học ngành nghề khác nay chuyển sang đi dạy, như vậy sẽ không công bằng với những trường hợp trúng tuyển sư phạm ngay từ đầu.

Tình trạng này đã diễn ra khá phổ biến trước đây, chưa kể những tiêu cực (nếu có) trong khi tuyển dụng, mà cử nhân sư phạm sẽ luôn là người thiệt thòi.

Bốn là, từ ngày 28/10/2020, Quyết định số 3227/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt hàng tháng cho sinh viên ngành sư phạm theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 có hiệu lực.

Khi tốt nghiệp, nếu số sinh viên này không được trúng tuyển đi dạy thì sẽ làm lãng phí nguồn kinh phí đào tạo rất lớn.

Lúc đó, ai sẽ là người bồi thường cho ai? Sinh viên sư phạm bồi thường cho nhà nước hay ngược lại?

Năm là, quan trọng hơn, sinh viên sư phạm với sự lựa chọn ngay từ đầu của mình, được đào tạo trong môi trường mô phạm, chuẩn mực để trở thành những người thầy dạy học, chắc chắn sẽ có sự khác biệt so với những “thợ dạy”.

Nói như thế, không có nghĩa là quy định cứng, đóng cánh cửa muốn trở thành giáo viên của những cử nhân khoa học giỏi nhưng là kinh nghiệm để gia đình và bản thân các học sinh có sự lựa chọn ngành nghề đúng ngay từ đầu, khi đăng kí nguyện vọng xét tuyển đại học.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả. Tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt lại.

Phó giáo sư Hoàng Chí Hiếu (Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Huế)