Sao lại có thầy cô xem nhẹ, phủ nhận kiến thức ngoại ngữ và tin học?

05/01/2020 06:48
THIÊN ẤN
(GDVN) - Một số thầy cô giáo thi rớt bây giờ đổ lỗi do yếu tố khách quan, nào không có thời gian học, ôn tập, nào bận rộn nhiều công việc khác ở trường lớp…

Bài viết “Lý do giáo viên thi thăng hạng rớt như sung” của tác giả Sông Trà đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 01/01/2020, nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ phía bạn đọc.

Độc giả Nguyễn Khiêm bày tỏ sự thất vọng của mình về một số thầy, cô giáo có đầy đủ các loại chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trước khi thi nhưng lại không làm được bài:

Đây là hệ quả tất yếu của chuẩn bằng bằng cách hợp thức hóa bằng cấp . Bây giờ mới thấy rõ HỌC GIẢ khác học thật như thế nào.”

Độc giả có nickname PHAN HIEN cho rằng: “Các môn khác trừ môn Anh ra, có ai dùng tiếng Anh để dạy đâu sao bắt thi làm gì? Thi xong cũng không áp dụng rồi quên”.

Bạn đọc Hồng Cẩm than về thời gian ôn và học quá ngắn ngủi: “Làm sao có thể học thật được, tiếng Anh ôn một buổi, có thời gian 4 ngày để học 4 môn. Đâu phải ai cũng học tốt tiếng Anh. Thời gian như vậy, chúng tôi chỉ học tủ tài liệu ôn thi thôi.

Học thuộc lòng là học vẹt, là phương pháp tồi tệ nhất trong các phương pháp dạy học, những còn cách nào khác, chúng tôi đâu phải giáo viên dạy tiếng Anh.

Đừng khơi dậy sự hụt hẫng, thử đặt hoàn cảnh chúng tôi vào các anh chị xem, thời gian ôn và học ngắn ngủi, chúng tôi còn làm điểm, hồ sơ sổ sách, họp phụ huynh…”. 

Một số thầy cô giáo thi rớt bây giờ đổ lỗi do yếu tố khách quan. (Ảnh minh họa: Giaoducthoidai.vn)
Một số thầy cô giáo thi rớt bây giờ đổ lỗi do yếu tố khách quan. (Ảnh minh họa: Giaoducthoidai.vn)

Một số thầy cô giáo thi rớt bây giờ đổ lỗi do yếu tố khách quan, nào không có thời gian học, ôn tập, nào bận rộn nhiều công việc khác ở trường lớp…

Tôi cho rằng cách biện hộ như vậy là không thuyết phục. Thực tế, các địa phương đều có kế hoạch, thông báo, giới hạn nội dung ôn tập cho thí sinh gần 3 tháng trước khi tổ chức thi thăng hạng giáo viên.

Một thời gian đủ dài để các thầy cô giáo ôn tập, củng cố kiến thức, kỹ năng, nhất là môn ngoại ngữ.

Nhiều thầy cô giáo ở tỉnh Quảng Ngãi vừa có thông báo, giới hạn về nội dung, kiến thức 4 môn thi đã lo tìm tài liệu, học bài rất nghiêm túc, bài bản.

Có trường, có nhóm giáo viên còn tự nhờ các đồng nghiệp dạy môn tin học, ngoại ngữ đến trường, lên phòng máy chỉ dạy, ôn tập lại các kiến thức cơ bản bị quên.

Các môn kiến thức chung, nghiệp vụ sư phạm thì trao đổi, phỏng vấn qua lại với nhau liên tục. Kỹ lưỡng vậy mà có người còn rớt.

Đằng này, nhiều thầy cô giáo ở các tỉnh khác lại quá chủ quan, học, ôn tập sơ sài, cấp tốc dồn dập được mấy bữa mà bảo làm bài đạt yêu cầu.

Học chơi - đỗ thật là điều không tưởng. Kỳ thi này không dễ dàng, tháo khoán, thậm chí là mua bán như kỳ thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đâu. Các thầy cô giáo tự suy ngẫm lại bản thân mình xem.

Một số thầy cô giáo luôn có suy nghĩ lệch lạc, thiển cận: thi ngoại ngữ làm gì khi trong thực tế chẳng sử dụng gì đến nó. Rõ là thừa, hình thức, lãng phí, tốn thì giờ và tiền bạc của giáo viên.

Theo tôi, giáo viên dạy các môn khác, trừ môn ngoại ngữ cũng phải biết ngoại ngữ, đạt chuẩn về ngoại ngữ.

Kiến thức ngoại ngữ sẽ bổ trợ cho công việc dạy học của người thầy sẽ tốt hơn, trong bối cảnh đất nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế.

Bản thân, mỗi giáo viên, thời là học sinh phổ thông, sinh viên đã từng được học ngoại ngữ cơ bản rất nhiều năm. Đâu phải, từ khi đi dạy, dẫu dạy môn học khác, là phủi hết kiến thức ngoại ngữ.

Thiết thực nhất là thi thăng hạng giáo viên do địa phương tổ chức, kiến thức mình học được trước đây, giờ chỉ cần củng cố lại vài tháng thì đâu đến nỗi không vượt qua được một nửa số câu cơ bản trong đề thi thăng hạng.

Xét thăng hạng có lợi cho giáo viên, thi thăng hạng lại có lợi cho nhà quản lý?
Xét thăng hạng có lợi cho giáo viên, thi thăng hạng lại có lợi cho nhà quản lý?

Nhiều thầy cô giáo luôn tìm mọi cách xem nhẹ, thậm chí phủ nhận vai trò của kiến thức ngoại ngữ và tin học đối với nhiệm vụ, công việc của nhà giáo trong khi đó Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ban hành Quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông yêu cầu cụ thể tại Điều 8. Tiêu chuẩn 5 về việc sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc, ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục như sau:

Sử dụng được ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc, ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng các thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục.

1. Tiêu chí 14. Sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc

a) Mức đạt: Có thể sử dụng được các từ ngữ giao tiếp đơn giản bằng ngoại ngữ (ưu tiên tiếng Anh) hoặc ngoại ngữ thứ hai (đối với giáo viên dạy ngoại ngữ) hoặc tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc;

b) Mức khá: Có thể trao đổi thông tin về những chủ đề đơn giản, quen thuộc hằng ngày hoặc chủ đề đơn giản, quen thuộc liên quan đến hoạt động dạy học, giáo dục (ưu tiên tiếng Anh) hoặc biết ngoại ngữ thứ hai (đối với giáo viên dạy ngoại ngữ) hoặc tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc;

c) Mức tốt: Có thể viết và trình bày đoạn văn đơn giản về các chủ đề quen thuộc trong hoạt động dạy học, giáo dục (ưu tiên tiếng Anh) hoặc ngoại ngữ thứ hai (đối với giáo viên dạy ngoại ngữ) hoặc tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc.

2. Tiêu chí 15. Ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục

a) Mức đạt: Sử dụng được các phần mềm ứng dụng cơ bản, thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục và quản lý học sinh theo quy định; hoàn thành các khóa đào tạo, bồi dưỡng, khai thác và ứng dụng công nghệ thông tin và các thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục theo quy định;

b) Mức khá: Ứng dụng công nghệ thông tin và học liệu số trong hoạt động dạy học, giáo dục; cập nhật và sử dụng hiệu quả các phần mềm; khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong hoạt động dạy học, giáo dục;

c) Mức tốt: Hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin; khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong hoạt động dạy học, giáo dục tộc;

Tiếp đến tại các Thông tư liên tịch 20, 21, 22, 23 của Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành năm 2015, trong các tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cũng không thiếu tiêu chuẩn, điều kiện về ngoại ngữ và tin học đối với giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

THIÊN ẤN