Sao có thầy cô lại lấy học lực để đánh giá hạnh kiểm?

19/05/2021 06:38
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Học lực yếu nên không được đánh giá hạnh kiểm tốt là quan niệm của không ít giáo viên hiện nay. Chính cách hiểu, cách đánh giá như thế đã gây ra nhiều bức xúc.

Sau khi xem kết quả cuối năm của con mình trên Vnedu, một phụ huynh hết sức bức xúc gọi điện chia sẻ với người viết: “Thầy ơi, tôi rất bất bình với xếp loại hạnh kiểm của cô giáo D. chủ nhiệm lớp cháu K. (con gái của nhân vật – người viết), cháu tổng kết cả năm được 5.6, nhưng học lực yếu.

Con tôi học yếu, tôi biết, nhưng cô giáo đánh giá hạnh kiểm cháu loại khá, tôi không nhất trí. Không phải tôi bênh con, nhưng bất cứ ai biết K. kể cả cô giáo D. cũng thừa nhận cháu là người tốt, vừa rồi nhặt được của rơi tìm người trả lại đó.

Tôi hỏi cô giáo D., tại sao cô đánh giá cháu K. hạnh kiểm khá mà không phải là tốt, cô trả lời, do cháu K. học lực yếu, nên hạnh kiểm không thể tốt được”.

Cách đánh giá hạnh kiểm học sinh hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. (Ảnh minh họa: VTV)

Cách đánh giá hạnh kiểm học sinh hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. (Ảnh minh họa: VTV)

Học lực yếu đánh giá hạnh kiểm tốt được không?

Học lực yếu nên không được đánh giá hạnh kiểm tốt là quan niệm của không ít giáo viên hiện nay. Chính cách hiểu, cách làm, cách đánh giá như thế đã gây bức xúc cho phụ huynh học sinh.

Một học sinh sống có trách nhiệm, biết chia sẻ, biết yêu thương bạn bè, nhặt được của rơi trả lại cho người đánh mất như K. trong câu chuyện trên, giáo viên chủ nhiệm đánh giá hạnh kiểm khá vì học lực yếu, bản thân người viết cũng thấy... bức xúc.

Khoản 1 Điều 4 Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT quy định quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông vẫn giữ nguyên giá trị sau khi Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực, ghi rõ:

“Tiêu chuẩn xếp loại hạnh kiểm:

1. Loại tốt:

a) Thực hiện nghiêm túc nội quy nhà trường; chấp hành tốt luật pháp, quy định về trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông; tích cực tham gia đấu tranh với các hành động tiêu cực, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội;

b) Luôn kính trọng thầy giáo, cô giáo, người lớn tuổi; thương yêu và giúp đỡ các em nhỏ tuổi; có ý thức xây dựng tập thể, đoàn kết, được các bạn tin yêu;

c) Tích cực rèn luyện phẩm chất đạo đức, có lối sống lành mạnh, giản dị, khiêm tốn; chăm lo giúp đỡ gia đình;

d) Hoàn thành đầy đủ nhiệm vụ học tập, có ý thức vươn lên, trung thực trong cuộc sống, trong học tập;

đ) Tích cực rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường;

e) Tham gia đầy đủ các hoạt động giáo dục, các hoạt động do nhà trường tổ chức; tích cực tham gia các hoạt động của Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;

g) Có thái độ và hành vi đúng đắn trong việc rèn luyện đạo đức, lối sống theo nội dung môn Giáo dục công dân."

Trong 7 tiêu chí đánh giá hạnh kiểm học sinh chỉ có 1 tiêu chí liên quan đến học lực. Hay nói cách khác, học lực chỉ chiếm 1/7 số điểm khi đánh giá hạnh kiểm của 1 học sinh.

Mối quan hệ giữa hạnh kiểm và học lực được quy định tại Điểm D Khoản 1 Điều 4 Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT: Hoàn thành đầy đủ nhiệm vụ học tập, có ý thức vươn lên, trung thực trong cuộc sống, trong học tập.

Hoàn thành đầy đủ nhiệm vụ học tập, có ý thức vươn lên, trung thực trong học tập.

Tuyệt đối không quy định kết quả của học học tập (học lực) phải đạt (giỏi, khá, trung bình, yếu, kém), học lực không quyết định hạnh kiểm của học sinh.

Như vậy, học sinh có học lực yếu, nhưng đạt các điểm trong Khoản 1 Điều 4 Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT tốt, hoàn toàn đủ điều kiện xếp hạnh kiểm loại Tốt.

Thực tế trong trường học, có học sinh năng lực học văn hóa yếu nhưng là học sinh tử tế, lễ phép, tôn trọng thầy cô; sống có trách nhiệm với bản thân và gia đình; sẻ chia và yêu thương bạn bè.

Vì thế không thể căn cứ vào học lực để đánh giá hạnh kiểm, đạo đức của học trò nói riêng và người khác nói chung là hoàn toàn chính xác.

Tài liệu tham khảo:

https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-58-2011-tt-bgddt-bo-giao-duc-va-dao-tao-67017-d1.html

https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-26-2020-tt-bgddt-sua-doi-quy-che-danh-gia-xep-loai-hoc-sinh-trung-hoc-190228-d1.html

Sơn Quang Huyến