Sai sót trong sách Tiếng Việt 1 Cánh Diều không thể sửa kiểu chắp vá, đối phó

23/11/2020 05:34
Nguyễn Trọng Bình
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bản thân tôi chưa từng thấy có một quyển sách giáo khoa nào dùng để dạy cho những đứa trẻ mà phải đính kèm vào đó xấp tài liệu đính chính lên tới 13 trang.

Thời gian hạn hẹp, chỉnh sửa chấp vá

Được biết, ngày 15/11 vừa qua, các tác giả và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố toàn bộ nội dung sẽ chỉnh sửa và xin ý kiến đóng góp từ cộng đồng về những sai sót trong sách Tiếng Việt 1 Cánh Diều mà dư luận đã phản ánh.

Theo đó, “Tài liệu điều chỉnh và bổ sung ngữ liệu sách giáo khoa Tiếng Việt 1 (Bộ sách Cánh Diều)” dự kiến sẽ điều chỉnh gồm 13 trang được chia làm 2 phần (chưa kể “Lời nói đầu”), cụ thể như sau:

Phần I: “Ngữ liệu bài đọc bổ sung”. Phần này, nhóm tác giả biên soạn cung cấp các câu chuyện mới để giáo viên có thể sử dụng thay thế các bài đọc chưa phù hợp mà dư luận đã phản ánh trước đó.

Phần II: “Điều chỉnh từ ngữ”. Nhóm tác giả biên soạn cung cấp danh mục, từ ngữ, câu… để thay thế các từ ngữ, câu chưa phù hợp trong các bài học trước đó.

Đọc toàn bộ tài liệu trên, cũng như kế hoạch đưa tài liệu này đến các trường sau khi hoàn thiện, thật lòng mà nói, tôi vô cùng thất vọng nhất là về thái độ và tư duy làm việc của nhóm tác giả biên soạn và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

Một là, ngay phần “Lời nói đầu”, tuy nhóm tác giả biên soạn nói rằng rất cầu thị trong việc tiếp thu ý kiến từ bạn đọc để chỉnh sửa nhưng trước đó vẫn rất tự phụ khi cho rằng: “kết quả triển khai bước đầu ở các cơ sở dạy sách Tiếng Việt 1 (bộ sách Cánh Diều) cho thấy học sinh hào hứng đọc viết tốt; giáo viên chủ động thực hiện kế hoạch dạy học một cách thuận lợi.” [1]

Thật sự, tôi không biết dựa vào đâu để các tác giả viết sách có được đánh giá này? Nói như thế thì có khác gì xem thường dư luận thời gian qua tốn biết bao nhiêu bút mực để chỉ ra những hạt sạn to đùng trong bộ sách này? Thậm chí còn là đề tài nóng trên diễn đàn Quốc hội mới vừa diễn ra?

Hai là, theo kế hoạch, sau khi công bố tài liệu chỉnh sửa các tác giả và nhà xuất bản sẽ nhận các góp ý kiến trong vòng 5 ngày (từ 15 đến 20/11) sau đó Hội đồng thẩm định sẽ thẩm định tài liệu vào ngày 21/11.

Sau khi có kết quả thẩm định, các tác giả và Nhà xuất bản sẽ hoàn thiện lần cuối và in ấn tài liệu để gửi về các cơ sở giáo dục đã lựa chọn bộ sách này, hạn cuối ngày 30/11.

Cách phân bổ và sắp xếp thời gian như thế này theo tôi là hạn hẹp và cập rập. Chỉ 15 ngày để xử lý một khối lượng cũng như tính chất công việc rất nhiều và rất quan trọng?

Thử hỏi tính chuyên nghiệp và khoa học đã được nhóm tác giả và Bộ Giáo dục và Đào tạo có nghĩ đến không?

Cần phải thu hồi sách Tiếng Việt lớp 1 (Cánh Diều) rồi mới chỉnh sửa. (Ảnh mang tính chất minh họa, nguồn: sachcanhdieu.com)

Cần phải thu hồi sách Tiếng Việt lớp 1 (Cánh Diều) rồi mới chỉnh sửa.

(Ảnh mang tính chất minh họa, nguồn: sachcanhdieu.com)

Ba là, trong phần I của tài liệu chỉnh sửa, nhóm tác giả Cánh Diều gọi là “Ngữ liệu bài đọc bổ sung” điều này cho thấy các tác giả chỉ muốn cung cấp thêm các bài đọc để các thầy cô có thêm sự lựa chọn ngữ liệu để dạy học.

Nếu như thế, phải chăng nhóm tác giả biên soạn sách Cánh Diều đang ngầm không thừa nhận những sai lầm, sai sót trong các bài học mà dư luận đã chỉ ra mà chỉ thuần túy cho rằng đó là sự khác nhau về quan điểm nên vẫn duy trì các bài đọc kia?

Sai lầm mang tính nguyên lý, nền tảng

Phải khẳng định rằng, những sai sót trong sách Tiếng Việt 1 Cánh Diều bắt nguồn từ những sai lầm mang tính nguyên lý, nền tảng trong giáo dục trẻ em. Đây là nguyên nhân sâu xa và quan trọng nhất. Thế nên, mọi sự chỉnh sửa nếu không bắt đầu từ đây thì chỉ mang tính chắp vá, đối phó mà thôi.

Có hai vấn đề quan trọng mang tính nguyên lý mà nhóm biên soạn sách Cánh Diều phạm phải là:

Thứ nhất, các tác giả viết sách Tiếng Việt 1 Cánh Diều nói như đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Minh Hiền là chỉ nhằm hướng tới “ý chí và tham vọng của người lớn” [2] về những mục tiêu cần đạt được hơn là dựa trên sự hiểu biết mang tính nền tảng căn cơ về tâm lý trẻ em.

Vì sai lầm này mà các tác giả viết sách Tiếng Việt 1 Cánh Diều đã cố “gò” các bài học ghép vần bằng những từ ngữ phản cảm; hay phân chia các câu chuyện thành những bài đọc rời rạc theo kiểu “gọt chân cho vừa giày”.

Thứ hai, ngôn ngữ (lời nói, chữ viết…) không chỉ là phương tiện mà còn phản ánh tư duy và nhận thức của mỗi cá nhân. Nói khác đi, ngôn ngữ của con người luôn bao hàm trong đó những suy nghĩ, tư tưởng nhất định nào đó.

Việc dạy cho học sinh lớp 1 đọc và viết thuần thục đương nhiên là mục tiêu bắt buộc và quan trọng.

Tuy vậy, quan trọng hơn là thông qua việc đọc và viết ấy phải làm sao từng bước hình thành nên những suy nghĩ, những ước mơ đẹp, khả năng sáng tạo với một trí tưởng tượng bay bổng về con người và thế giới xung quanh cho những đứa trẻ.

Vì không hiểu và không coi trọng nguyên tắc giáo dục này nên các tác giả biên soạn sách Tiếng Việt 1 Cánh Diều đã lựa chọn ngữ liệu là những bài đọc nếu không phải là những câu chuyện lừa lọc, trí trá (những chuyện ngụ ngôn của các văn hào nổi tiếng trên thế giới bị các tác giả sách giáo khoa Cánh Diều chế tác, phóng tác, chỉnh sửa, cắt gọt lại rất tùy tiện) thì tự sáng tác ra những câu chuyện nhảm nhí, rỗng tuếch, thiếu tính thẫm mỹ…

Bên cạnh đó, là đưa vào hàng loạt những từ địa phương xa lạ, hay những từ ngữ mang sắc thái tiêu cực, thiếu trong sáng… (như nhiều chuyên gia đã phân tích và chỉ ra).

Tóm lại, với những sai sót, sai lầm mang tính nguyên lý nên sách Tiếng Việt 1 Cánh Diều nhất định phải được chỉnh sửa từ gốc.

Muốn vậy, trước hết phải thu hồi bộ sách này chứ không phải làm theo kiểu chắp vá như cách làm và kế hoạch mà các tác giả viết sách và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh vừa công bố.

Còn về giải pháp nào sau khi thu hồi thì trong một bài viết cách đây khoảng một tháng, chúng tôi đã phân tích và chỉ ra. [3]

Thay lời kết

Nhìn lại lịch sử giáo dục nước nhà, bản thân tôi chưa từng thấy có một quyển sách giáo khoa nào dùng để dạy cho những đứa trẻ mà phải đính kèm vào đó xấp tài liệu đính chính lên tới 13 trang.

Thế nên, đã đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo cần dũng cảm hơn để có quyết định hợp lý trong việc xử lý vấn đề này.

Trẻ em là tương lai của nước nhà. Hơn nữa, mọi sự đổi mới hay thực nghiệm giáo dục cần một quá trình lâu dài và thận trọng. Không thể nóng vội để rồi dẫn đến những quyết định sai lầm.

Nếu thật sự vì sự phát triển lành mạnh của trẻ em, vì trách nhiệm với công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, thiết nghĩ, nhất định cần phải thu hồi sách Tiếng Việt 1 Cánh Diều để chỉnh sửa và thẩm định lại một cách khoa học và căn cơ hơn.

Tài liệu tham khảo:

[1]: https://sachcanhdieu.com/product/tai-lieu-dieu-chinh-va-bo-sung-ngu-lieu-sach-giao-khoa-tieng-viet-1/#page/2

[2]: https://tuoitre.vn/sach-giao-khoa-nong-dien-dan-quoc-hoi-20201105072309459.htm

[3]: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/vi-sao-phai-thu-hoi-sach-tieng-viet-lop-1-canh-dieu-post212990.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Trọng Bình