Sách tham khảo: phong phú nhưng chưa đi kèm với chất lượng?

27/11/2014 07:25
Thiên Thanh
(GDVN) - Trên thị trường có nhiều sách tham khảo khác nhau dành cho mọi đối tượng học sinh, tuy nhiên sự đa dạng này dường như lại không đi kèm với chất lượng?

Sách tham khảo – đa dạng, phong phú

Đánh vào tâm lí của số đông phụ huynh mong muốn con cái được trang bị, mở rộng thêm nhiều kiến thức, bên cạnh kiến thức trong sách giáo khoa, nhiều cuốn sách tham khảo của các nhà xuất bản khác nhau được ra đời. 

Sự phong phú, đa dạng của sách tham khảo được thể hiện ở việc mở rộng về số lượng sách ở tất cả các cấp, bậc học: từ lớp 1 đến lớp 12, từ khảo sát, kiểm tra trên lớp cho đến luyện đề thi học sinh giỏi, thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp, thi đại học…

Tiến hành khảo sát tại một hiệu sách có tiếng trên đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội), không khó để tìm thấy những cuốn sách tham khảo dành cho đủ mọi lớp phổ thông. Sách tham khảo mỗi lớp được kê thành từng dãy với hàng trăm đầu sách các loại. Riêng đối với bậc tiểu học, sách tham khảo tập trung phần lớn ở hai môn Tiếng Việt và Toán.

Sách tham khảo dành cho học sinh lớp 1 được bày bán rất nhiều, không dưới chục đầu sách mỗi môn Toán, Tiếng Việt. Ảnh: Thiên Thanh
Sách tham khảo dành cho học sinh lớp 1 được bày bán rất nhiều, không dưới chục đầu sách mỗi môn Toán, Tiếng Việt. Ảnh: Thiên Thanh

Nhìn qua các đầu sách tham khảo dành cho học sinh lớp 1, không dưới 10 đầu sách tham khảo môn Tiếng Việt như Giải vở bài tập Tiếng Việt 1, Em làm bài tập Tiếng Việt lớp 1, Bồi dưỡng Tiếng Việt 1, Bài tập thực hành Tiếng Việt 1, 35 đề ôn luyện Tiếng Việt 1, Vở luyện tập cơ bản và nâng cao Tiếng Việt 1….

Đối với môn Toán, số lượng cũng không kém: Bài tập trắc nghiệm Toán 1, Toán bồi dưỡng học sinh lớp 1, Ôn luyện và kiểm tra Toán 1, Vở luyện tập cơ bản và nâng cao Toán 1, Phát triển và nâng cao Toán 1, Các dạng bài toán trắc nghiệm 1, Toán nâng cao 1…

Sách tham khảo: phong phú nhưng chưa đi kèm với chất lượng? ảnh 2Người Việt Nam hiếu học nhưng sao đất nước vẫn nghèo?

Người Việt thông minh, năng động nhưng “sân chơi” trong nước kém, nên rất khó phát huy.

Sách tham khảo dành cho học sinh lớp 2 còn phong phú hơn với các bài văn mẫu, như Tuyển chọn 153 bài văn hay 2 (dành cho học sinh, phụ huynh, giáo viên), Ôn tập cuối tuần môn Tiếng Việt, Bài tập Tiếng Việt nâng cao lớp 2, Tiếng Việt nâng cao 2, Trắc nghiệm Tiếng Việt 2 (bài tập trắc nghiệm tự luận và các đề kiểm tra),…

Sách tham khảo Toán lớp 2 như Nâng cao Toán 2, Giải bài tập Toán 2, Ôn luyện Toán 2 theo chuẩn kiến thức kỹ năng, Bồi dưỡng Toán cho học sinh lớp 2 (tập 1,2), Bài tập thực hành Toán 2 (tập 1,2), Vở thực hành Toán 2 (theo chương trình giảm tải của Bộ Giáo dục và Đào tạo), Cùng em học Toán 2, Vở ô li bài tập Toán lớp 2, Các bài toán thông minh 2, Tuyển chọn các bài toán đố nâng cao 2, Tuyển tập các bài toán hay và khó 2…

Thậm chí có cả những cuốn sách tham khảo được ghi rõ “dùng cho học sinh học buổi thứ 2 - 2 buổi/ngày” như Ôn luyện và kiểm tra Tiếng Việt lớp 1 (dành cho buổi học thứ 2 – lớp học 2 buổi/ngày), Thực hành Tiếng Việt và Toán lớp 1 – học trò học buổi thứ 2,…

Đáp ứng nhu cầu ôn luyện của thí sinh thi tốt nghiệp, đại học theo phương án thi quốc gia THPT mà Bộ GD&ĐT mới ban hành, ngay lập tức trên thị trường cũng xuất hiện các cuốn sách với bìa tựa kèm theo như “kỳ thi quốc gia”, “luyện thi quốc gia”, “Đề thi theo cấu trúc mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo 2014-2015”…

Chất lượng thế nào?

Sách tham khảo được dùng giúp học sinh ôn tập, luyện tập, củng cố và nâng cao kiến thức được học trong sách giáo khoa. Một cuốn sách tham khảo chất lượng sẽ có giá trị tích cực đối với học sinh. Tuy nhiên, sự phong phú đa dạng về các loại sách tham khảo dường như lại không kèm theo đó hai chữ “chất lượng”.

Các cụm từ thường xuyên được sử dụng ở tên gọi cuốn sách như “ôn luyện”, “kiểm tra”, “thực hành”, “nâng cao”, “bồi dưỡng”, “tuyển chọn”… Hầu hết các cuốn sách tham khảo đều đưa ra các câu hỏi, các đề kiểm tra, đề bài… rồi đưa ra lời giải có sẵn mà không đưa ra cho học sinh gợi ý, hướng dẫn làm bài để học sinh tự giải.

Như vậy, nhiều học sinh thụ động trong việc tìm lời giải của bài toán hoặc đọc văn mẫu theo kiểu ghi nhớ, sao chép. Ngay cả các bài văn mẫu được trình bày mà không có định hướng, hướng dẫn cho học sinh cách viết, cách triển khai các luận điểm để học sinh có thể tự mình viết bài văn của mình cũng là một điểm trừ của các loại sách tham khảo môn Ngữ văn.

Do vậy, văn mẫu dường như trở thành chiếc phao cứu sinh trong các giờ kiểm tra, trong thi cử của học sinh; cũng có những cuốn sách để tên một kiểu nhưng nội dung lại là lời giải phần bài tập, hướng dẫn học bài ở nhà trong sách giáo khoa. Chính vì thế có hiện tượng học sinh mua sách tham khảo về chỉ để “đối phó” với bài tập về nhà, chép lời giải vào vở cho có.

Điều này dẫn đến mặt tiêu cực, học sinh vào văn mẫu, vào tài liệu mà không chịu suy nghĩ, sáng tạo, lâu dần sẽ mất hứng thú học tập, thậm chí thái độ chủ quan.

Thiết nghĩ, nếu biết lựa chọn và sử dụng sách tham khảo đúng cách, phù hợp thì giúp học sinh tiến bộ, nhưng ngược lại, việc lạm dụng quá nhiều vào sách tham khảo, thậm chí sử dụng không đúng cách sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Đối với phụ huynh, học sinh và ngay cả giáo viên cần có sự định hướng sử dụng sách tham khảo hiệu quả, sao cho nó đúng là công cụ phục vụ tích cực cho việc học tập.

Thiên Thanh