Sách giáo khoa nặng, đã có sách tham khảo, bổ trợ và dạy thêm - học thêm

10/10/2020 06:54
NGUYỄN CAO
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thực ra, chương trình, sách giáo khoa mới hay cả chương trình hiện hành nặng không phải là chuyện khó hiểu đối với giáo viên và phụ huynh từ hàng chục năm qua.

Năm học 2020-2021 là năm học đầu tiên ngành giáo dục áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới ở lớp 1 nhưng ngay từ khi thực hiện đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Điều này đã được nhiều giáo viên, phụ huynh lên tiếng trong suốt mấy tuần vừa qua.

Chính vì thế mà Bộ đã phải ra công văn hướng dẫn các Sở trong việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa lớp 1, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có hướng dẫn việc thay đổi mục tiêu ở lớp học này.

Nhưng, đây chỉ là bắt đầu cho một vòng đời của chương trình, sách giáo khoa mới. Sang năm sẽ là lớp 2, lớp 6 và các năm tiếp theo sẽ lần lượt áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới cho đến lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Vì vậy, những bất cập, hạn chế chắc chắn sẽ còn được phản ánh nhiều trong những năm tới đây bởi năm nay chỉ mới là lớp 1, các môn học cơ bản vẫn khá giống với chương trình năm 2000.

Nhiều giáo viên, phụ huynh đã lên tiếng về chương trình, sách giáo khoa lớp 1 có phần nặng (Ảnh minh họa: Thùy Linh)

Nhiều giáo viên, phụ huynh đã lên tiếng về chương trình, sách giáo khoa lớp 1 có phần nặng

(Ảnh minh họa: Thùy Linh)

Những góp ý của các chuyên gia, đội ngũ giáo viên đã bị để ngoài tai

Theo dõi những bước đi của chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ những ngày đầu nên chúng tôi thấy có rất nhiều những băn khoăn vì biết sẽ có những bất cập xảy ra khi thực hiện.

Vì thế, ngay từ khi Bộ công bố dự thảo, rồi công bố chương trình tổng thể, chương trình môn học thì chỉ riêng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam này đã có hàng trăm bài viết góp ý, phản biện nội dung chương trình tổng thể, chương trình môn học…

Nhưng tiếc rằng đến khi công bố chính thức thì không có nhiều thay đổi so với dự thảo ban đầu.

Chúng tôi chỉ nhận thấy sự thay đổi nhiều nhất giữa dự thảo và bản công bố chính thức môn Ngữ văn là các tác giả chương trình môn học bỏ bớt đi những yêu cầu khó ở cấp Trung học phổ thông và thêm vào một số tác phẩm văn học tự chọn bắt buộc mà thôi.

Còn lại, cơ bản các môn giống như bản dự thảo ban đầu.

Lớp 1 năm nay chỉ có "hoạt động trải nghiệm" là mới mà giáo viên còn than vãn, còn thấy khó thì sang năm các môn học hoàn toàn mới sẽ không hề dễ dàng chút nào cho đội ngũ giáo viên đứng lớp.

Không phải giáo viên Lí nào cũng có thể “ôm” được cả môn Sinh,môn Hóa và ngược lại, nhất là những giáo viên đã ra trường nhiều năm, đã quen dạy 1 phân môn như lâu nay.

Nhưng bây giờ, có lẽ “gạo đã nấu thành cơm” rồi, Bộ đang bước vào thẩm định và phê duyệt sách giáo khoa lớp 6 thì gần như chẳng hy vọng vào sự thay đổi bởi nếu thay đổi thì ngay từ khi chương trình tổng lấy ý kiến Bộ đã thay đổi rồi…

Chương trình, sách giáo khoa mới khó và nặng kiến thức cũng…dễ hiểu thôi

So với chương trình năm 2000 thì mục tiêu chương trình năm 2018 ở các môn học cao hơn. Chẳng hạn như môn Tiếng Việt thì mục tiêu học sinh biết đọc cũng sớm hơn.

Trong khi, chương trình, sách giáo khoa mới không tiến hành dạy thực nghiệm như chương trình năm 2000 mà chỉ thực nghiệm một số tiết nhất định đối với những kiến thức khó và mới và việc thực nghiệm song hành với việc viết sách giáo khoa.

Việc không tiến hành thực nghiệm trên diện rộng nên rất khó có thể rút được kinh nghiệm cũng như thu nhận những góp ý, phản biện rộng rãi của giáo viên, phụ huynh khi giảng dạy chương trình mới.

Điều đáng nói là khi chương trình môn học còn chưa chính thức thông qua thì các nhà xuất bản đã bắt tay vào việc biên soạn sách giáo khoa. Việc nhiều tác giả "đóng nhiều vai" ở chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 cũng là một…hạn chế.

Thực ra, chương trình, sách giáo khoa mới hay cả chương trình hiện hành nặng không phải là chuyện khó hiểu đối với giáo viên và phụ huynh từ hàng chục năm qua.

Phải khó thì mới có nhiều sách bổ trợ, sách tham khảo được ra đời chứ nếu kiến thức phổ thông không khó mà phù hợp với các đối tượng học sinh, phù hợp với kiểm tra, thi cử thì sách tham khảo, sách bổ trợ viết ra bán cho ai mua?

Chúng tôi vào website của Nhà sách Minh Khai thấy có một tác giả là đồng chủ biên sách giáo khoa một môn học ở cấp Trung học phổ thông (chương trình năm 2000) đã có tới 25 đầu sách tham khảo cho môn học này.

Và, vị này lại là chủ biên một môn học của chương trình giáo dục phổ thông năm 2018! Rồi đây, sách bổ trợ, sách tham khảo chắc lại được xuất bản khá nhiều…

Vì vậy, chương trình, sác giáo khoa nặng cũng dễ hiểu thôi. Chương trình, sách giáo khoa khó thì bắt buộc giáo viên, học sinh và phụ huynh phải mua sách tham khảo để dạy, để học…

Hai chục năm qua thì chương trình năm 2000 đã thế, chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 rồi cũng sẽ vậy thôi. Mục tiêu, chiến lược kinh doanh sách giáo khoa của các nhà xuất bản, các tác giả không có nhiều thay đổi.

Kiến thức nặng, khó thì sẽ cho ra đời sách hướng dẫn, sách gợi ý, sách luyện thi...

Dù chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 có thêm 1 bộ sách không phải của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nhưng cứ nhìn vào những “người quen” đã có thâm niên biên soạn sách, xuất bản thì dù cho suy nghĩ tích cực cũng không tránh khỏi những băn khoăn cho vòng đời của chương trình, sách giáo khoa mới!

* Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả

NGUYỄN CAO