Rồi thầy N cũng sẽ có kết cục "bi thảm" như thầy Khoa

27/06/2012 06:01
Độc giả Thanh Phong
(GDVN) - Sau những câu chuyện này, thầy N. hay thầy Khoa lại có thêm những kỷ niệm buồn của đời dạy học. Còn S., em sẽ bước vào cuộc đời như thế nào khi bị tổn thương giữa cái thiện và cái ác, giữa lý tưởng và thực tiễn, những điều em đã thấm nhuần trong nhà trường. Em còn quá trẻ, không hề có lỗi...
LTS: Đã hơn một tuần trôi qua kể từ khi Sở GD & ĐT tỉnh Bắc Giang có kết luận về những sai phạm xảy ra tại Hội đồng thi Trường THPT DL Đồi Ngô, Báo Giáo dục Việt Nam tiếp tục nhận được nhiều chia sẻ tâm huyết của độc giả lo lắng cho sự phát triển của nền giáo dục, lo lắng cho sự an nguy của những người dũng cảm chống tiêu cực. Chúng tôi xin đăng tải quan điểm của độc giả Thanh Phong, chia sẻ những nỗi niềm thông cảm trước những số phận con người như thầy Đỗ Việt Khoa, thầy N., thí sinh S.

"Con kiến đi kiện củ khoai"

Tôi thiết nghĩ, dù là trường hợp nào những người chống tiêu cực trong giáo dục cũng là "Con kiến đi kiện củ khoai" mà thôi. Chuyện nhà giáo Đỗ Việt Khoa chống tiêu cực trong thi cử năm 2006 đã làm cho nhiều người "tỉnh ngộ" về hiện trạng nền giáo dục nước nhà, đồng thời cũng làm cho tên tuổi của Đỗ Việt Khoa được nhiều người biết với danh hiệu "Người đương thời". Những năm sau đó, nhà giáo Khoa vẫn tiếp tục tố cáo một số sai phạm khác còn tồn tại và ảnh hưởng đến thế hệ trẻ. Thế nhưng, cuộc sống của người hùng chống tiêu cực ấy cũng chẳng sung sướng gì. Đổi lại, thầy Đỗ Việt Khoa phải đứng về phía nước mắt, phải chịu rất nhiều thiệt thòi.
Tháng 12-2007, Người đương thời Đỗ Việt Khoa tiếp tục tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật của lãnh đạo Trường THPT Vân Tảo. Ngay sau đó, thầy Khoa bị Hiệu trưởng Trường THPT Vân Tảo tổ chức trù dập và bôi nhọ một cách có hệ thống như: bị vu cáo là thần kinh, là phản động, là chống đối... Tháng 11 năm 2008, thầy giáo Đỗ Việt Khoa bị 2 xã hội đen cùng với 2 nhân viên bảo vệ của Trường THPT Vân Tảo đến tận nhà riêng đánh dằn mặt và cướp tài sản, cảnh cáo ông không được can thiệp vào các sai phạm của nhà trường.
Hình ảnh lấy từ clip tố cáo tiêu cực tại THPT DL Đồi Ngô, Bắc Giang
Hình ảnh lấy từ clip tố cáo tiêu cực tại THPT DL Đồi Ngô, Bắc Giang
Không thể chịu đựng được sự trù dập của lãnh đạo các cấp, tháng 5 năm 2010, thầy giáo Đỗ Việt Khoa làm đơn xin thôi việc tại Trường THPT Vân Tảo. Sau đó thầy chuyển công tác về Trường THPT Thường Tín, Hà Nội. 

Kỳ thi tốt nghiệp THPT DL tại Đồi Ngô vừa qua một mặt đã phơi bày hiện thực tiêu cực đến trắng trợn của nhà trường, mặt khác chỉ rõ ngành giáo dục không thay đổi được gì đáng kể sau những công lao của thầy Khoa. Đến bây giờ, đầu hai thứ tóc, chắc hẳn thầy Khoa nghiệm ra rằng cuộc đời nhiều nỗi buồn hơn niềm vui, đã có phút giây nào thanh thản, hạnh phúc. Đấu tranh luôn đi cùng mất mát, đau khổ.

Một người cũng được coi là “khác người” khi đã có những hành động dũng cảm như thầy Đỗ Việt Khoa. Đó là giáo viên N. (người tổ chức cho học sinh quay clip chống tiêu cực). Nhiều giáo viên tỉnh Bắc Giang đang rất bức xúc khi biết tin 6 giám thị, cán bộ trường THPT DL Đồi Ngô – Lục Nam – Bắc Giang bị đuổi việc chỉ vì “thương nên ném phao thi cho học sinh”.

Giáo viên T.L cho rằng, việc tố cáo sai phạm của thầy giáo N. là quá nhẫn tâm: “Nếu như cứ áp vào quy chế thì chắc chắn là họ sai rồi, họ bị xử lí rồi, nhưng mình là người, là đồng nghiệp mà lại làm như thế thì quả là ác quá, vô tâm quá”. Giáo viên L.T.H, người đưa "phao" vào phòng thi nhận hình thức đuổi việc, vừa khóc lóc vừa oán trách thầy giáo N: “Mày ác quá N. ạ. Tình nghĩa bao năm của chị em mình mà mày chẳng coi ra gì cả. Chị đã bảo mày rồi là cái nào có mặt chị thì mày chừa chị ra. Mày còn sống ở đất Lục Nam này chứ mày chưa chết ngay được đâu N. à”. Những câu chuyện buồn của ngành giáo dục Những lời nguyền rủa độc ác đó đã gây nên sự phẫn uất từ phía độc giả. Báo Giáo dục Việt Nam đã nhận được hàng trăm phản hồi, bày tỏ sự thất vọng đối với các giáo viên nêu trên, và cùng với đó là sự đồng cảm, sẻ chia đối với thầy N. Đối diện với những lời xỉ vả mình, thầy giáo chống tiêu cực tại huyện Lục Nam vẫn mong muốn rằng có thể làm được điều gì đó để giảm tội cho những giáo viên này: “Tôi làm gì cũng được, ảnh hưởng đến tôi, tôi cũng không sợ miễn là xin giảm nhẹ tội cho 4 giáo viên đó. Tôi sẵn sàng giúp họ, uy tín, danh dự tôi cũng không cần, ai thích bàn tán cũng được tôi không quan tâm. Bởi họ chỉ là nạn nhân, là người làm theo sự chỉ đạo và đó là những người chị, đồng nghiệp thân thiết của tôi và bản thân tôi không nhằm vào họ”. Tấm lòng ấy của thầy N và lối suy nghĩ ấy được hàng nghìn độc giả đánh giá là rất nhân văn, vì suy cho cùng tiêu cực xảy ra ở nhiều nơi chứ không riêng gì ở trường Đồi Ngô, và những giáo viên kia làm theo sự chỉ đạo của cấp trên. Sức ảnh hưởng của những vụ tiêu cực trong thi cử là rất lớn. Bên cạnh đó, những thân phận người đã dám đứng lên chống tiêu cực cũng chỉ là những giáo viên bình thường, không có quyền lực gì trong tay, họ chịu nhiều thiệt thòi. Những kết quả cuối cùng không được như thầy Khoa, thầy N. mong muốn. Có những tiêu cực vẫn tồn tại và những cá nhân ấy vẫn hằng ngày cô độc trên con đường chính nghĩa của mình. Công cuộc chống tiêu cực của họ thất bại vì chưa có cơ chế bảo vệ người tố cáo một cách có hiệu quả. Thói gian dối trong xã hội đi sâu vào máu thịt của con người. Cho nên những người như thầy Đỗ Việt Khoa, thầy N. cùng gia đình sẽ còn bị trù dập, đe dọa, lăng mạ và thách thức...
Một khi lương nhà giáo vẫn không đủ để họ sống đàng hoàng, một khi mà cơ chế tuyển dụng và quản lí nhân sự còn nhiều điều trái khoáy phải bàn như lâu nay, một khi ngân sách chi cho Giáo dục - Đào tạo là thế mà giáo dục vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực như xã hội kì vọng... thì một Đỗ Việt Khoa chứ nhiều hơn đã chắc có thể thay đổi được gì nhiều. Thầy có "đánh" tiêu cực thì cũng chỉ đánh những biểu hiện cụ thể của nó mà thôi, còn bản chất của tiêu cực lại là chuyện hoàn toàn khác, ấy là vấn đề cơ chế.

Sau những câu chuyện này, những người như thầy N hay như thầy Khoa ngồi ôm lại những câu chuyện buồn của đời dạy học. Còn thí sinh S., em sẽ bước vào cuộc đời như thế nào khi bị tổn thương giữa cái thiện và cái ác, giữa lý tưởng và thực tiễn, những điều em đã thấm nhuần trong nhà trường. Em còn quá trẻ, không hề có lỗi...
Hi vọng hành động của thầy Khoa, thầy N dù có thể không "thành công" cũng "thành nhân", sẽ là "tiếng bom" cảnh tỉnh để chúng ta nhìn nhận thẳng vào thực tiễn ngành giáo dục mà có hướng giải quyết đúng đắn. ĐỪNG ĐỂ TIÊU CỰC THOÁT TỘI, NGƯỜI CHỐNG TIÊU CỰC NHẬN TỘI
NẾU TÔI LÀ BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC
XEM CÔNG NGHỆ QUAY CÓP QUA 5 MÔN THI TẠI BẮC GIANG
SỐC VỚI HÌNH ẢNH GIAN LẬN Ở TRƯỜNG ĐỒI NGÔ  TỪ CAMERA THỨ BA


ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng

Độc giả Thanh Phong