Rối loạn danh xưng trong trường học

04/09/2016 06:00
PGS.TS Nguyễn Lê Ninh
(GDVN) - Khi Nhà nước áp dụng chuẩn quốc tế đối với các danh xưng một cách chính danh về bằng cấp, học hàm, học vị sẽ góp phần củng cố tận gốc chất lượng giáo dục.

LTS: Khi muốn chỉ ra sự khác biệt giữa danh xưng Trung cấp kỹ thuật và Cao đẳng kỹ thuật ở chỗ nào? Cao đẳng kỹ thuật khác kỹ sư thế nào? Và thế nào là thạc sĩ, phó tiến sĩ, tiến sĩ khoa học… vẫn đang làm nhiều người băn khoăn, khó định hình. 

Hôm nay, trong bài viết này, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh chỉ ra sự “mù mờ” về danh xưng trong ngành giáo dục ở Việt Nam hiện nay. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Ông bà ta xưa có câu “Danh có chính thì ngôn mới thuận”, tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần phải bàn đến việc chính danh hóa các loại danh xưng trong ngành giáo dục và đào tạo để góp phần “chuẩn hóa” về định nghĩa các danh xưng này. 

Rối loạn danh xưng trong trường học ảnh 1

TS.Nguyễn Văn Khải: “Tôi biết có nhiều Tiến sĩ dởm”

(GDVN) - TS.Nguyễn Văn Khải nói thẳng, đối với ông học vị Tiến sĩ không có ý nghĩa gì nếu không có đóng góp cụ thể cho đời sống xã hội.

Bởi khi danh xưng được chuẩn hóa thì sẽ dễ bề xử lý hàng loạt những điều đang gây tranh cãi, phê phán, hoài nghi thậm chí còn có cả những người mỉa mai vấn đề lượng hóa nội dung chương trình, chất lượng đào tạo, chất lượng bằng cấp…

Hơn nữa, theo tôi, khi bản chất của danh xưng được làm sáng tỏ thì việc tập trung đầu tư nhân, tài, vật, lực để xử lý vấn đề thì chỉ còn là việc vạch tiến độ cho thời gian thực hiện mà thôi. 

Ví dụ, nếu chúng ta định nghĩa được rõ ràng người có bằng tốt nghiệp Trung cấp kỹ thuật là người phải có khả năng gì khi hành nghề trong một ngành chuyên môn nào đó mà họ đã theo học thì việc xác lập chương trình đào tạo cho ngành chuyên môn đó sẽ phải được quy định cụ thể về lý thuyết và kỹ năng phải có của học sinh sau khi tốt nghiệp.

Việc quy định này phải làm trước khi mở trường đào tạo và được cơ quan quản lý cấp trên cho phép áp dụng. 

Đối với trường Cao đẳng, Đại học cũng cần thực hiện theo lộ trình này. 

Rối loạn danh xưng trong trường học ảnh 2
PGS.TS Nguyễn Lê Ninh (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Còn đối với danh xưng cử nhân và kỹ sư thì cần nhìn vào sản phẩm hành nghề của họ để định danh. 

Phải thấy rằng, việc hành nghề của kỹ sư thuộc phạm trù kỹ thuật.

Sản phẩm của kỹ sư là sản phẩm của trí tuệ có thể diễn giải bằng các loại văn bản kỹ thuật hoặc dưới dạng thành phẩm hàng hóa, vật chất có thuộc tính nhân tạo mà con người có thể trực tiếp sản xuất ra, có thể trực tiếp sử dụng, có thể trực tiếp cầm, nắm, cân, đo, đong đếm được. 

Còn sản phẩm của cử nhân chủ yếu là các sản phẩm dưới dạng tư duy được viết ra trên giấy để người ta có thể đọc, lý giải, nhận thức hoặc ý thức được những tư duy này qua suy ngẫm và kiểm chứng. Những tư duy này phần lớn thuộc phạm trù khoa học xã hội.

Cũng như vậy, nếu chúng ta thống nhất được định nghĩa được người đạt học vị Tiến sĩ là người qua việc tự thân tiến hành nghiên cứu khoa học trong một lĩnh vực thuộc khoa học kỹ thuật.

Hoặc khoa học xã hội nào đó mà phát hiện ra một kiến thức tuyệt đối mới mà trước đó, chưa từng có ai trên thế giới này phát hiện. Phát hiện mới đó phải có tác dụng góp phần thúc đẩy xã hội phát triển. 

Rối loạn danh xưng trong trường học ảnh 3

Sự thật bất ngờ bên trong Học viện "mỗi ngày 1 tiến sĩ"

(GDVN) - Chỉ riêng hai năm 2015-2016, trường có chỉ tiêu cho ra lò 700 tiến sĩ; thông tin bung ra, lãnh đạo nhà trường tìm mọi cách trốn tránh, loanh quanh.

Chúng ta cũng cần phân định rõ ngưỡng đạt học vị Tiến sĩ và việc phát huy khả năng sau khi đạt học vị của người có học vị Tiến sĩ.

Bởi lẽ, việc phát huy khả năng của người có học vị Tiến sĩ là việc sẽ xảy ra sau khi họ đã vượt ngưỡng quy định để được công nhận là tiến sĩ. 

Còn việc họ có tiếp tục phát huy được khả năng sau khi nhận bằng Tiến sĩ hay không lại là vấn đề khác.

Vấn đề này còn tùy thuộc vào nhiều thứ, trong đó có nhân tố quan trọng nhất là môi trường làm việc, chính sách sử dụng nhân tài và các nhân tố xã hội khác không kém phần quan trọng có thể hạn chế sự tiếp tục tỏa sáng của người mang danh xưng Tiến sĩ.

Quy định “tréo ngoe”

Theo quy chế hiện nay của Bộ GD&ĐT, ai muốn làm nghiên cứu sinh để đạt học vị Tiến sĩ thì bắt buộc phải có bằng Thạc sĩ. Tôi cho rằng, đây là quy định không hợp lý.

Bởi, Tiến sĩ là người tìm ra kiến thức mới trong ngành thông qua công trình nghiên cứu lý thuyết và được chính người nghiên cứu kiểm chứng bằng thực nghiệm rồi từ đó nâng kiến thức mới phát hiện thành lý thuyết, thành quy luật khoa học. 

Danh xưng trong ngành Giáo dục ở Việt Nam còn rất mù mờ (Ảnh chưa rõ tên tác giả)
Danh xưng trong ngành Giáo dục ở Việt Nam còn rất mù mờ (Ảnh chưa rõ tên tác giả)

Tuy nhiên, phạm vi đề tài mà Tiến sĩ nghiên cứu chỉ giới hạn trong một khía cạnh hẹp của chuyên ngành, của một phạm trù học thuật nào đó nên cách gọi “đi học Tiến sĩ” là không chuẩn. 

Vì Tiến sĩ không thể “học ra bằng cấp” mà phải tiến hành nghiên cứu, tìm tòi ra kiến thức mới.

Kiến thức mới được phát hiện này phải được kiểm chứng qua thực tiễn áp dụng và phải được giới khoa học kỹ thuật quốc tế thừa nhận thông qua việc kiểm chứng của các thư viện khoa học có tầm cỡ trên thế giới và phải báo cáo trước các hội thảo quốc tế về lãnh vực chuyên môn liên quan.

Còn Thạc sĩ là người đi học thực sự để cập nhật những kiến thức hiện đại trong ngành sau khi có bằng đại học.

Rối loạn danh xưng trong trường học ảnh 5

Việt Nam đã có một đội ngũ trí thức đúng nghĩa?

(GDVN) - Nếu trí thức phải là người có học hàm, học vị (như cách hiểu của không ít người) thì Việt Nam hôm nay có đội ngũ trí thức như thế nào?

Những kiến thức người học để có học vị Thạc sĩ là những kiến thức mang tính liên tục phát triển trong ngành chuyên môn của người học.

Những kiến thức này thường mới được công bố trên các tạp chí chuyên ngành, các hội thảo nhưng chưa tới mức phổ cập để được đưa vào trong chương trình đào tạo ở các trường đại học.

Thạc sĩ là người có học thức rộng do đi học mà có. Họ đi học chứ không đi làm nghiên cứu. Họ học để mở rộng kiến thức, để nâng cấp năng lực hành nghề.

Như vậy, về độ rộng của kiến thức thì Thạc sĩ có khi còn có điều kiện cập nhật rộng hơn người chỉ nghiên cứu phát hiện kiến thức mới để đạt học vị Tiến sĩ. 

Mặc dù, cả hai đối tượng cùng tìm cách nâng cao trình độ nhưng mục đích nâng chuyên môn khác nhau, vùng kiến thức khác nhau thì việc lấy đối tượng này làm điều kiện tiên quyết để đào tạo cho đối tượng kia có hợp lý hay không?

Ngoài vấn đề bất hợp lý trên, một vấn đề nữa mà tôi mạn phép bàn tới là từ “PHÓ”. 

Thông thường cấp phó là cấp “giúp việc” cho cấp trưởng nhưng nếu trong cùng Bộ môn chuyên môn trong một Khoa chưa có giáo sư mà mới chỉ có người được Nhà nước phong học hàm “phó giáo sư” thì liệu ông “phó” giáo sư này giúp việc cho ai đây? 

Sao Nhà nước không quy định giáo sư có 2 bậc là Giáo sư bậc 1 và Giáo sư bậc 2 – Giáo sư bậc 2 phải có năng lực trí tuệ cao hơn Giáo sư bậc 1?

Tương tự, đối với danh xưng giảng viên cũng vậy. Chúng ta nên gọi là giảng viên bậc 1 và giảng viên bậc 2. Đương nhiên giảng viên bậc 2 phải có năng lực giảng dạy cao hơn giảng viên bậc 1.

Đối với sinh viên trong ngành mới tốt nghiệp, được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy thì trong thời gian tập sự, chỉ xếp chức danh là trợ giảng. 

Hết thời gian tập sự thì sẽ được Hiệu trưởng căn cứ vào biên bản cuộc họp của tập thể Bộ môn để đánh giá về năng lực và thái độ chấp hành nhiệm vụ của đương sự mà ra quyết định công nhận chức danh giảng viên bậc 1.
                                                                          
Khi Nhà nước áp dụng chuẩn quốc tế đối với các danh xưng một cách chính danh về bằng cấp, học hàm, học vị thì đó chính là một trong những tiền đề góp phần củng cố tận gốc vấn đề chất lượng giáo dục ở nước ta hiện nay.

PGS.TS Nguyễn Lê Ninh