Rối bòng bong với chuyện thi tuyển học sinh vào lớp 6

19/04/2015 06:09
Nguyễn Duy Xuân
(GDVN) - Công văn “hỏa tốc” của Hà Nội dừng thi tuyển sinh như một gáo nước lạnh dội vào các trường đang hồ hởi xây dựng phương án tuyển sinh đã được phê duyệt.

Chỉ trong một thời gian ngắn, các bậc phụ huynh đang có con học lớp 5 cùng các thầy cô chóng mặt vì chuyện học, chuyện thi. Tất cả xoay quanh chuyện cấm thi tuyển vào lớp 6, đặc biệt là tại Thủ đô Hà Nội.

Đầu tiên là Chỉ thị ban hành ngày 3/11/2014 của Bộ GD&ĐT nhằm chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học, trong đó có yêu cầu “Không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6”.

Chỉ thị đó lập tức vấp phải phản ứng của các trường có số lượng học sinh đăng kí tuyển sinh vào lớp 6 vượt quá chỉ tiêu hàng năm. 

Chỉ thị đó lập tức vấp phải phản ứng của các trường có số lượng học sinh đăng kí tuyển sinh vào lớp 6 vượt quá chỉ tiêu hằng năm (Ảnh minh họa, nguồn Đại Đoàn Kết)
Chỉ thị đó lập tức vấp phải phản ứng của các trường có số lượng học sinh đăng kí tuyển sinh vào lớp 6 vượt quá chỉ tiêu hằng năm (Ảnh minh họa, nguồn Đại Đoàn Kết)

Trước thực tế ấy, ngày 17/3/2015, Bộ lại ban hành Công văn số 1258/ BGDĐT-GDTrH, theo đó những trường có số lượng học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, có thể xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp, trình cấp có thẩm quyền ở địa phương xem xét, quyết định.

Công văn 1258 là một sự giải thoát cho các trường có số lượng đăng kí xét tuyển vượt chỉ tiêu như đã nói trên. Các trường này ngay lập tức bắt tay vào việc xây dựng phương án tuyển sinh mới.

Tại Hà Nội ngày 15/4, Sở GD&ĐT họp xem xét phương án tuyển sinh của các trường THCS trên địa bàn thành phố, thống nhất theo hướng xét tuyển hồ sơ kết hợp đánh giá năng lực hoặc đo chỉ số IQ, EQ.

Rối bòng bong với chuyện thi tuyển học sinh vào lớp 6 ảnh 2Tiến sĩ Ngô Gia Võ: "Lớp 5 ơi! Tôi lo sợ"

(GDVN) - Học sinh lớp 5 đã học theo kiểu cũ 4 năm rồi, độp một cái không chấm điểm, không giao bài tập về nhà,... liệu các em có đạt chuẩn bước vào lớp 6 không?

Sau đó, Sở thông báo đồng ý cho phép 3 trường THCS tổ chức tuyển sinh vào lớp 6 theo hình thức xét tuyển kết hợp với đánh giá năng lực học sinh là Trường Nguyễn Tất Thành (thuộc Trường ĐH Sư phạm), Trường PTDL Lương Thế Vinh và Trường PTDL Marie Curie. 

Đây là phương án tối ưu, phù hợp với thực tế, bởi theo GS Văn Như Cương, số lượng các trường phải tuyển sinh theo hình thức xét tuyển kết hợp với kiểm tra sát hạch như thế không nhiều, ở Hà Nội chỉ có 6 trên tổng số hơn 620 trường, chiếm tỉ lệ chưa đến 1%. 

Thế nhưng, tối 17/4 nghĩa là chỉ khoảng 24 tiếng đồng hồ sau khi thống nhất phương án tuyển sinh lớp 6, Sở  GD&ĐT Hà Nội lại có công văn “hỏa tốc” do phó giám đốc Phạm Văn Đại ký.

Công văn nêu rõ tất cả các trường THCS trên địa bàn thành phố tuyển sinh vào lớp 6 theo phương thức xét tuyển, bãi bỏ thông báo cho phép 3 trường THCS (Nguyễn Tất Thành, Lương Thế Vinh, Marie Curie) tổ chức tuyển sinh vào lớp 6 theo hình thức xét tuyển kết hợp với đánh giá năng lực học sinh.

Công văn “hỏa tốc” như một gáo nước lạnh dội vào các trường đang hồ hởi xây dựng phương án tuyển sinh đã được phê duyệt cho trường mình.

Công văn “hỏa tốc” như một gáo nước lạnh dội vào các trường đang hồ hởi xây dựng phương án tuyển sinh đã được phê duyệt cho trường mình. (Ảnh minh họa)
Công văn “hỏa tốc” như một gáo nước lạnh dội vào các trường đang hồ hởi xây dựng phương án tuyển sinh đã được phê duyệt cho trường mình.  (Ảnh minh họa)

Bao nhiêu công sức tâm huyết để xây dựng được phương án tuyển sinh tối ưu đành phải vứt vào sọt rác. Bài toán đầu vào lại tiếp tục làm đau đầu lãnh đạo các trường có số lượng dự tuyển vượt trội so với chỉ tiêu.

Bình luận về việc này, thầy Văn Như Cương gọi đây là cuộc “khủng hoảng không đáng có” được châm ngòi từ chỉ thị cấm thi của Bộ GD&ĐT. Một chỉ thị được ban hành hết sức vội vàng, theo kiểu nước “đến chân mới nhảy”.

Có lẽ vì thế mà nó gây hiệu ứng, khiến cho ngành giáo dục địa phương cũng hành xử vội vã, có phần hấp tấp, bỏ qua việc tham khảo ý kiến của các chuyên gia và dư luận dẫn đến xử lí  theo kiểu sớm nắng chiều mưa. 

Hệ quả là mọi việc cứ rối cả lên, khiến cho “Sở buồn, các phòng ban buồn, các ông Hiệu trưởng thì quá lo lắng, còn dân thì chẳng biết đâu mà…lần" – thầy Cương bộc bạch tâm trạng chung của người Hà Nội lúc này.

Về cái công văn hỏa tốc của sở GD&ĐT Hà Nội, ông cho rằng nó “thực sự rất khó hiểu, nó bất chấp mọi sự giải trình của cấp dưới, nó không nghe ý kiến của cộng đồng xã hội, nó còn bảo hoàng hơn cả nhà …Vua”.

Nhưng trong cuộc “thần tốc” trước “trận đánh lớn” này của ngành giáo dục, đối tượng phải chịu nhiều áp lực và thiệt thòi nhất có lẽ là học sinh và phụ huynh. 

Đối tượng phải chịu nhiều áp lực và thiệt thòi nhất có lẽ là học sinh. (Ảnh minh họa)
Đối tượng phải chịu nhiều áp lực và thiệt thòi nhất có lẽ là học sinh. (Ảnh minh họa)

Khi chủ trương không tuyển sinh lớp 6 của Bộ ban ra, phản ứng của dư luận nhìn chung là đồng tình bởi bỏ thi tuyển vào lớp 6 thì sẽ giảm áp lực đáng kể cho xã hội. 

Nhưng rồi chủ trương cứ thay đổi xoành xoạch khiến hàng triệu người chưa kịp mừng đã phải ăn không ngon, ngủ không yên.

Giải pháp tốt nhất lúc này, theo một số người đã đề xuất là phụ huynh hãy tự cứu mình và con em mình. Hãy rũ bỏ mọi áp lực không đáng có để cho con em mình được học tập, vui chơi và phát triển trí lực, thể lực cũng như kĩ năng sống một cách tự nhiên. 

Còn các vị có trách nhiệm ở tầm vĩ mô của ngành giáo dục, dân chỉ mong trước khi ban hành một quyết định can hệ đến sự “sống còn” của cộng đồng thì xin các hãy cân nhắc kĩ lưỡng để cho dân đỡ “khổ” vì phải đôn đáo chạy theo.

Nguyễn Duy Xuân