Rèn ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh thông qua dạy học trải nghiệm

12/12/2019 06:00
LÃ TIẾN
(GDVN) - Bằng phương pháp dạy tích hợp kiến thức về môi trường thông qua dạy học trải nghiệm, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu đã rèn ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh.

Ngày 11/12, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Lê Chân, Hải Phòng) tổ chức chuyên đề chuyên môn cấp thành phố “Tích hợp kiến thức về môi trường trong môn khoa học thông qua dạy học trải nghiệm”.

Tới dự và góp ý với chuyên đề có lãnh đạo Phòng Giáo dục tiểu học - Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng; lãnh đạo quận Lê Chân, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận; lãnh đạo phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện và đông đảo hiệu trưởng, hiệu phó các trường tiểu học trên địa bàn Hải Phòng.

Các tiết mục văn nghệ đặc sắc do học sinh nhà trường biểu diễn (Ảnh: LT)
Các tiết mục văn nghệ đặc sắc do học sinh nhà trường biểu diễn (Ảnh: LT)

Mở đầu chuyên đề, các đại biểu được xem những tiết mục văn nghệ sôi động, đặc sắc do các em học sinh nhà trường biểu diễn.

Tiếp đó, các vị đại biểu được trực tiếp xem một tiết dạy bài “Chất dẻo” do cô giáo Đồng Thúy Phượng và các em học sinh lớp 5A1 của nhà trường thực hiện.

Trong tiết dạy này, các em học sinh được cô giáo Phượng truyền đạt các kiến thức, kỹ năng như: nguồn gốc của chất dẻo; nhận biết một số tính chất của chất dẻo.

Tiết dạy bài “Chất dẻo” do cô giáo Đồng Thúy Phượng và các em học sinh lớp 5A1 của nhà trường thực hiện tại chuyên đề (Ảnh: Lã Tiến)
Tiết dạy bài “Chất dẻo” do cô giáo Đồng Thúy Phượng và các em học sinh lớp 5A1 của nhà trường thực hiện tại chuyên đề (Ảnh: Lã Tiến)

Cô giáo Phượng cũng trang bị cho các em học sinh những kiến thức về công dụng, các bảo quản đồ dùng bằng chất dẻo.

Tiết dạy cuốn hút các vị đại biểu, các thầy cô giáo, bởi cô giáo Đồng Thúy Phượng đã sử dụng những kỹ năng sư phạm chuyên nghiệp, sử dụng thuần thục các phương pháp, hình thức dạy học trải nghiệm.  

Qua tiết dạy, các em học sinh đã hiểu về chất dẻo, biết sử dụng các đồ dùng bằng chất dẻo để bảo đảm sức khỏe và bảo vệ môi trường.

Từ đó, giúp các em học sinh có ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng đồ dùng nhựa một lần, biết phân loại rác trong cuộc sống hàng ngày.

Cô giáo Đồng Thúy Phượng giúp các em học sinh nhận biết một số tính chất của chất dẻo (Ảnh: Lã Tiến)
Cô giáo Đồng Thúy Phượng giúp các em học sinh nhận biết một số tính chất của chất dẻo (Ảnh: Lã Tiến)

Ngay sau tiết dạy sinh động, hấp dẫn, lôi cuốn là phần giao lưu dành cho các em học sinh nhà trường.

Thông qua 5 câu hỏi trong trò chơi “Ô cửa bí mật”, thông điệp “Hãy chung tay bảo vệ môi trường” đã được truyền tải tới các em học sinh nhà trường.

Tiếp đó, các đại biểu được thưởng thức tiểu phẩm “Dưới hạ giới” do các “Táo” nhí của Trường Tiểu học Võ Thị Sáu biểu diễn.

Khép lại chuyên đề, các em học sinh lớp 5A1 và đông đảo học sinh nhà trường đứng dạy biểu diễn điệu nhảy sôi động, cuốn hút với nhạc bài hát “Trái đất này là của chúng mình”.

Cũng tại chuyên đề, các vị đại biểu được tham quan các bàn trưng bày sản phẩm tái chế do học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu đã làm trong giờ ra chơi trải nghiệm sáng tạo.

Các em học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu được rèn ý thức bảo vệ môi trường thông qua chuyên đề (Ảnh: Lã Tiến)
Các em học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu được rèn ý thức bảo vệ môi trường thông qua chuyên đề (Ảnh: Lã Tiến)

Theo cô giáo Nguyễn Thị Kim Viên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, trong giai đoạn hiện nay, định hướng quan trọng trong đổi mới phương pháp dạy học là phát huy tính tích cực, tự học và sáng tạo, năng lực giải quyết vấn để ở người học.

Ở bậc tiểu học, môn Khoa học không chỉ giúp học sinh có những hiểu biết về tự nhiên, xã hội, con người mà quan trọng nhất là giúp các em có khả năng vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong việc dạy học môn Khoa học, các nhà trường còn thiên về lý thuyết, tập trung dạy học sinh cách hiểu, cách ghi nhớ các khái niệm, chưa phát huy được tính vận dụng kiến thức khoa học vào thực tiễn.

Một số nhà trường thường chỉ tập trung vào kiến thức đặc thù của bộ môn mà chưa chú trọng trong việc tích hợp các nội dung giáo dục khác.

Cô giáo Nguyễn Thị Kim Viên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu phát biểu tại chuyên đề (Ảnh: Lã Tiến)
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Viên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu phát biểu tại chuyên đề (Ảnh: Lã Tiến)

“Trước thực tế trên, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu đã đề xuất Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Lê Chân thực hiện chuyên đề chuyên môn cấp thành phố “Tích hợp giáo dục môi trường trong môn Khoa học thông qua dạy học trải nghiệm”.

Chuyên đề đã nhận được sự ủng hộ, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của sở, phòng giáo dục quận từ khâu lập kế hoạch đến khâu tổ chức thực hiện”, cô giáo Viên nói.

Cô giáo Viên cho biết thêm, chuyên đề “Tích hợp giáo dục môi trường trong môn Khoa học thông qua dạy học trải nghiệm” của Trường Tiểu học Võ Thị Sáu hướng tới 2 nội dung.

Nội dung thứ nhất là giáo dục môi trường với chủ đề “Giảm thiểu rác thải nhựa”.

Việc giảm thiểu rác thải nhựa là nhiệm vụ trọng tâm của năm học, được Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Lê Chân chỉ đạo các nhà trường đồng loạt triển khai, trong đó Trường Tiểu học Võ Thị Sáu đã đăng ký triển khai mô hình điểm.

Chuyên đề được tổ chức thành công, nhận được sự đánh giá cao của các cơ quan chuyên môn (Ảnh: Lã Tiến)
Chuyên đề được tổ chức thành công, nhận được sự đánh giá cao của các cơ quan chuyên môn (Ảnh: Lã Tiến)

“Để thực hiện nội dung giáo dục môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa, Ban giám hiệu nhà trường chỉ đạo các tổ, khối nghiên cứu chương trình, sách giáo khoa và phân loại các bài học.

Qua đó, xác định loại bài đã có nội dung hoặc có khả năng đưa nội dung giáo dục môi trường vào, xác định mức độ tích hợp đến đâu;

Từ đó xây dựng chương trình cụ thể về nội dung tích hợp kiến thức môi trường trong các môn học từ khối 1 đến khối 5”, cô giáo Viên chia sẻ.

Cụ thể như ở lớp 5, tiết dạy bài “Chất dẻo” minh họa chuyên đề thuộc dạng bài tích hợp 1 phần về nội dung giáo dục môi trường.

Bên cạnh đó, nhà trường còn lồng ghép kiến thức bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động đoàn đội như: tuyên truyền, phát thanh măng non, các giờ ra chơi trải nghiệm sáng tạo…

Các vị đại biểu tham quan bàn trưng bày những sản phẩm tái chế do học sinh nhà trường tự tay làm (Ảnh: Lã Tiến)
Các vị đại biểu tham quan bàn trưng bày những sản phẩm tái chế do học sinh nhà trường tự tay làm (Ảnh: Lã Tiến)

Nội dung thứ hai được thể hiện trong chuyên đề của Trường Tiểu học Võ Thị Sáu đó là việc sử dụng linh hoạt, sáng tạo các phương pháp, hình thức dạy học trải nghiệm.

Các phương pháp được sử dụng trong tiết dạy minh họa bài “Chất dẻo” gồm: phương pháp Bàn tay nặn bột; phương pháp trực quan, phương pháp thí nghiệm; phương pháp dạy học theo dự án.

Ngoài ra, cô giáo Đồng Thúy Phượng thực hiện chuyên đề cũng hướng đến sự phối hợp linh hoạt các hình thức tổ chức dạy học, đánh giá theo hướng đổi mới, phù hợp với mục tiêu phát huy năng lực học sinh, nhằm nâng cao chất lượng dạy học.

Chuyên đề chuyên môn cấp thành phố “Tích hợp kiến thức về môi trường trong môn khoa học thông qua dạy học trải nghiệm” của Trường Tiểu học Võ Thị Sáu khép lại đã nhận được những tràng pháo tay vang dội của các vị đại biểu và lãnh đạo, giáo viên các trường tiểu học trên địa bàn Hải Phòng.

Đa số các ý kiến cho rằng, chuyên đề của nhà trường được thực hiện bài bản, công phu, sáng tạo, giúp các em học sinh có dịp được trải nghiệm sáng tạo, tự tin chiếm lĩnh kiến thức trong cuộc sống.

Trường Tiểu học Võ Thị Sáu thực hiện thành công chuyên đề điểm cấp thành phố, qua đó rèn cho học sinh ý thức bảo vệ môi trường (Ảnh: Lã Tiến)
Trường Tiểu học Võ Thị Sáu thực hiện thành công chuyên đề điểm cấp thành phố, qua đó rèn cho học sinh ý thức bảo vệ môi trường (Ảnh: Lã Tiến) 

Chuyên đề của Trường Tiểu học Võ Thị Sáu cũng đã giải quyết được những vấn đề mà các nhà trường trên địa bàn thành phố đang mong muốn trong việc dạy học tích hợp.

Thông qua chuyên đề, các phòng giáo dục, trường tiểu học đã nắm được và hiểu được thế nào là dạy học tích hợp.

Phát biểu tại chuyên đề, bà Trần Thu Hằng, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng) đã chúc mừng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu tổ chức thành công chuyên đề.

“Chuyên đề thành công từ việc chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đến nội dung.

Với chủ đề giảm thiểu rác thải nhựa, chuyên đề của nhà trường rất thiết thực, xoay quanh vấn đề mang tính thời sự đang được dư luận quan tâm”, bà Hằng nhấn mạnh.

Theo bà Hằng, chuyên đề được thực hiện đã tích hợp kiến thức khoa học trong môn Khoa học thông qua dạy học trải nghiệm với nhiều nội dung như: âm nhạc, mỹ thuật, STEM,…

Qua đó, học sinh dễ chiếm lĩnh kiến thức, ghi nhớ lâu bài học và tự tin, sáng tạo thể hiện khả năng của bản thân.

LÃ TIẾN