Ràng buộc về biên chế làm giáo dục luôn tình trạng giật gấu vá vai

11/06/2019 07:00
Đỗ Thơm
(GDVN) - Đại biểu đoàn Bình Dương dẫn chứng, mỗi năm học mới ở tỉnh này tăng hơn 30.000 cháu nhưng giáo viên không được tăng mà còn giảm.

Sáng 10/6, các đại biểu thảo luận tại hội trường về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Phạm Trọng Nhân. Ảnh: Quochoi.vn

Thiếu giáo viên nên buộc phải duy trì lớp sĩ số đông

Đại biểu Phạm Trọng Nhân – đoàn Bình Dương nhấn mạnh, những đặc điểm và thực trạng bộ máy nhà nước cấp chính quyền địa phương được các chuyên gia ví như đang mặc chiếc áo đồng phục.

Bởi cho dù chênh lệch về dân số, diện tích tự nhiên hay quy mô kinh tế nhưng bộ máy cũng như biên chế vận hành nền hành chính đó đều được đánh đồng mà không có sự khác biệt.

Theo đại biểu, công bằng mà nói, mô hình này đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc tạo sự thống nhất, đồng bộ, dễ thi hành chính sách, từ đó có những thuận lợi nhất định trong việc điều hành, quản lý.

Tuy nhiên, khi năng lực phát triển của các địa phương bắt đầu có sự bứt phá, mô hình trên đã bắt đầu lộ rõ nhiều hạn chế, bất cập. Đặt trong yêu cầu xây dựng nhà nước kiến tạo thì bộ máy nhà nước cấp chính quyền địa phương theo kiểu mặc đồng phục thực tế chưa giải quyết tiềm năng phát triển ở nhiều địa phương. Thậm chí có nơi còn xảy ra ở chiều ngược lại.

Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương lần này có thật sự tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt trong tổ chức bộ máy biên chế ở địa phương, hay chỉ đơn giản là sự cộng, trừ, thêm, bớt cơ học trong việc cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng.

Đại biểu phân tích: “Nếu như điểm 3a, khoản 1 Điều 1 chế định, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ về quy định số lượng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được xem là điểm tiến bộ trong tư duy quản lý nhà nước.

Liền sau đó, điểm 4a khoản 1 điều này giao Chính phủ quy định số lượng biên chế tối thiểu của các tổ chức, như trong dự thảo đã chưa thực sự triệt để và xuyên suốt tinh thần đổi mới, nếu không muốn nói bó buộc điều mà chính dự thảo luật đang có ý định cởi trói”.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân dẫn chứng: “Từ nhiều năm nay, số học sinh đầu cấp mỗi năm học mới ở Bình Dương tăng hơn 30.000 cháu đã đặt ra những nhiệm vụ nặng nề không chỉ về cơ sở vật chất trường lớp mà cả biên chế giáo viên.

Lẽ ra việc thành lập trường mới, tăng lớp, tăng học sinh thì có thể bổ sung biên chế phù hợp theo đúng tinh thần Nghị quyết số 39 của Ban Chấp hành Trung ương. Nhưng từ khi nghị quyết được ban hành, số giáo viên chưa bao giờ được tăng thêm mà còn tinh giảm theo lộ trình.

Năm học 2018-2019 cả tỉnh thiếu hơn 1.000 giáo viên, để giải quyết vấn đề trên buộc phải cố tình duy trì tình trạng 1 lớp trên 50 học sinh, giảm số lớp 2 buổi/ngày”.

Theo đại biểu: “Những ràng buộc về biên chế đã cho sự nghiệp trồng người thời gian qua luôn trong tình trạng đắp đổi, giật gấu vá vai.

Bất cập đã rõ nhưng cách nào để giải quyết thực trạng trên mà không vi phạm điều lệ của các cấp, trường tìm đâu lời giải cho bài toán này?

Nhiều vị đại biểu Quốc hội bên hành lang đã hỏi tôi vì sao Bình Dương gần đây liên tục xảy ra các vụ nghiêm trọng liên quan đến tình an ninh trật tự? Ở một góc nhìn nào đó, phải chăng có phần nguyên nhân từ những bất cập về biên chế con người”.

Đại biểu phân tích, địa bàn rộng, dân cư đông, phức tạp, với tỷ lệ hơn 52% là người lao động nhập cư nhưng biên chế được giao không khác gì các địa phương còn lại, trong khi vừa phải đảm bảo các mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng, vừa phải ổn định an ninh, trật tự, các hạ tầng thiết yếu, nhà ở, an sinh, phúc lợi xã hội.

Nếu theo dân số tại chỗ thì nguồn lực giao chỉ đủ trang trải một nửa cho nhu cầu, đây quả là một sức ép không hề nhỏ cho địa phương.

Kiên quyết tinh giản biên chế các cơ quan theo lộ trình đề ra
Kiên quyết tinh giản biên chế các cơ quan theo lộ trình đề ra

“Việc quy định số lượng biên chế tối thiểu là cần thiết và cấp bách để đảm bảo cho lộ trình tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy vốn đã tiêu tốn phần lớn ngân sách cho chi thường xuyên trong nhiều năm qua, nhưng không thể dựa vào lý do đó để bó buộc các địa phương có đặc thù như đã nêu.

Liệu các nội dung quy định trong dự thảo lần này đã đánh giá đúng và giải quyết trúng nhiệm vụ, yêu cầu cần thiết trong công tác quản lý nhà nước từng vùng, miền để có cơ chế phù hợp hay chưa?”, đại biểu đặt câu hỏi.

Hãy mạnh dạn từ bỏ kiểu trang cấp đồng phục nguồn nhân lực

Đại biểu Phạm Trọng Nhân cũng chỉ rõ, dự thảo đang chứa đựng một sự mâu thuẫn rất lớn giữa ý chí của Ban soạn thảo và các quy định về tinh giản biên chế.

Theo đó, quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ không có khả năng thực thi trong thực tế. Nghị quyết số 39 về tinh giản biên chế quy định trường hợp phải thành lập tổ chức mới hoặc được giao nhiệm vụ mới thì các cơ quan, tổ chức, đơn vị tự cân đối, điều chỉnh tổng số biên chế hiện có.

Như vậy, ở các địa phương có đặc thù trong khi con người thực hiện nhiệm vụ hiện tại còn thiếu trước, hụt sau và vẫn phải tiếp tục tinh giản, đồng thời không tăng biên chế khi thành lập tổ chức mới theo Nghị quyết số 39 thì lấy đâu ra nhân sự con người khi thành lập cơ cấu mềm theo quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Dự luật này giải quyết mâu thuẫn trên như thế nào nhằm đảm bảo quy định cơ cấu mềm thực sự khả thi, cần có câu trả lời.

“Tôi rất đồng tình với cơ quan thẩm tra khi đề nghị dự luật này cần phải tính toán và chế định mạnh mẽ thực chất việc phân cấp, phân quyền về biên chế đối với các địa phương có những đặc thù khác biệt mà Hiến pháp năm 1946 đã chỉ ra.

Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định quyền lực là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước, do đó việc phân cấp, phân quyền, biên chế tất yếu được đặt dưới sự kiểm soát, giám sát của các chế định Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng các cơ quan, đơn vị khác trong hệ thống chính trị.

Nhiệm vụ ngày càng nhiều, nhưng nguồn lực con người để thực hiện nhiệm vụ vừa thiếu lại bị hạn chế số lượng đang gây không ít trở lực cho mục tiêu nhà nước kiến tạo, hay gần hơn là mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội từng năm, từng nhiệm kỳ.

Thay vì cởi trói hoàn toàn để các địa phương tự chủ được ngân sách phát triển hơn nữa, nhằm tạo thêm động lực để kéo địa phương khác đi cùng thì nhiều quy định sửa đổi lần này vẫn còn bóng dáng tư duy hàng ngang.

Nhiều hạn chế tồn tại đã được nhận định, phân tích và tốn công sức nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hãy mạnh dạn từ bỏ kiểu trang cấp đồng phục nguồn nhân lực nhằm kiến tạo thêm động lực phát triển một cách chủ động, mạnh mẽ cho đất nước là việc cấp thiết cần làm ngay”, đại biểu nêu quan điểm.

Đỗ Thơm