Quy mô giáo dục ngoài công lập còn hạn chế ở nhiều cấp học

06/11/2013 08:23
Xuân Trung
(GDVN) - Theo quy luật phát triển và theo chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa giáo dục thì việc phát triển mô hình ngoài công lập (NCL) cần được khuyến khích và tạo mọi điều kiện để mở rộng hơn nữa. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê thì không chỉ có bậc ĐH mà quy mô giáo dục NCL còn hạn chế ở cấp học nhỏ như mầm non, phổ thông...

Tại Nghị quyết thứ 4 Ban chấp hành TƯ khóa 7 khẳng định ba loại hình của  giáo dục NCL: Bán công, dân lập và tư thục. Ngoài ra , tại Nghị quyết TƯ 2 khóa 8 cũng khẳng định tiếp: “...tiếp tục phát triển các trường dân lập ở tất cả các bậc học. Từng bước phát triển vững chắc các trường lớp tư thục ở giáo dục mầm non, PTTH, THCN, dạy nghề và ĐH...”.

Quy mô các bậc học NCL phát triển chậm so với mục tiêu. Ảnh minh họa.
Quy mô các bậc học NCL phát triển chậm so với mục tiêu. Ảnh minh họa.

Tuy vậy, tính tới thời điểm này quy mô phát triển và điều kiện để mở rộng mô hình NCL để thực hiện chủ trương xã hội hóa đang gặp nhiều khó khăn.

Phát triển chậm so với chủ trương

Tại Nghị quyết số 05/2005/NQ–CP của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao được ban hàng ngày 18/5/2005 có khẳng định: “Khuyến khích thành lập các cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề NCL; chuyển một số cơ sở công lập sang loại hình NCL. Hạn chế mở thêm các cơ sở công lập ở những vùng kinh tế phát triển. Không duy trì các cơ sở bán công, các lớp bán công trong trường công”.

Bên cạnh đó mục tiêu tới năm 2010, tỉ lệ học sinh nhà trẻ NCL chiếm 80%, mẫu giáo 70%, trung học phổ thông 40%, trung học chuyên nghiệp 30%, các cơ sở dạy nghề 60%, đại học, cao đẳng khoảng 40%.

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê năm 2010 – 2011 của Bộ GD&ĐT cho thấy bức tranh chung của các trường NCL ở các cấp học có sự chênh lệch khá lớn công lập và NCL.

Quy mô cho thấy tỉ lệ số học sinh, sinh viên NCL chỉ cao nhất ở bậc học mẫu giáo (48,2%), thấp nhất ở bậc THCS (0,6%), ĐH chỉ có 13,2%, thấp hơn CĐ (xấp xỉ 20%). Những tỉ lệ này là bất hợp lí vì theo quy luật và theo xu thế chung của quốc tế đầu tư công nên tập trung vào khu vực các bậc học thấp và tăng dần mức độ xã hội hóa ở các bậc học cao hơn.

Cũng theo thống kê, khu vực NCL đảm nhận giáo dục cho 1/2  số trẻ mẫu giáo, 1/3 số trẻ mầm non, 1/20 học sinh tiểu học, 1/200 học sinh THCS, 1/10 học sinh THPT, gần 1/3 học sinh TCCN, 1/5 sinh viên CĐ và 1/7 sinh viên ĐH. Với tỉ lệ như vậy rõ ràng ngân sách nhà nước không thể đảm nhận hết  toàn bộ hệ thống mà cần có sự góp thêm từ các nguồn lực khác – xã hội hóa.

Theo GS. TSKH. Đặng Ứng Vận – Hiệu trưởng Trường ĐH Hòa Bình, mặc dù hệ thống các trường NCL chưa phát triển đúng với tiềm năng nhưng cũng đã có những tiền đề nhất định. Điển hình nhất gần đây là Luật giáo dục 2005, trong đó Điều 48 khẳng định có ba loại hình trường của hệ thống giáo dục quốc dân: công, dân lập và tư thục. Nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với các trường NCL còn được thể hiện tại Điều 68 và Điều 104.

GS. TSKH. Đặng Ứng Vận: Tại sao không đặt các trường công, trường trọng điểm vào một thách thức tương tự, tức là các trường quốc gia, trường vùng, trường trọng điểm không được lấy quá 15% số thí sinh có điểm cao nhất, các trường công không được lấy quá 30% thí sinh có điểm cao nhất, và dành 15% từ điểm sàn trở lên cho các trường mới thành lập? Ảnh Xuân Trung
GS. TSKH. Đặng Ứng Vận: Tại sao không đặt các trường công, trường trọng điểm vào một thách thức tương tự, tức là các trường quốc gia, trường vùng, trường trọng điểm không được lấy quá 15% số thí sinh có điểm cao nhất, các trường công không được lấy quá 30% thí sinh có điểm cao nhất, và dành 15% từ điểm sàn trở lên cho các trường mới thành lập? Ảnh Xuân Trung

Bên cạnh đó đã có các trường NCL hoạt động tốt, có uy tín trong xã hội như: ĐH Thăng Long, ĐH Văn Lang, ĐH Kinh doanh và Công nghệ, ĐH FPT, THPT DL Lương Thế Vinh, Mari – Curie...

“Nền kinh tế chuyển đổi nhanh sang cơ chế thị trường đòi hỏi giáo dục cũng phải có sự thay đổi thích ứng. Nhận thức của xã hội về vai trò, ưu thế của kinh tế tư nhân, về các doanh nghiệp tư nhân, về đầu tư  tư nhân và phải có sự chấp nhận bước đầu về lợi nhuận trong hoạt động giáo dục” GS. TSKH. Đặng Ứng Vận nêu quan điểm.

Thách thức cho các trường NCL

GS. TSKH. Đặng Ứng Vận nhìn nhận, điều quan trọng nhất đối với các trường NCL hiện nay là nhận thức của xã hội và các cấp quản lí chưa rõ ràng hoặc chưa đầy đủ về vị trí, vai trò và tính chất của các trường NCL, đó là khó khăn lớn.

Một vấn đề khác đã nói rất nhiều nhưng đến nay xã hội vẫn yêu cầu cao nhưng các trường NCL không thể đủ nguồn lực để thực hiện. Ví dụ: Trong Quyết định số 07/2009 ngày 15/1/2009 của Chính phủ về việc ban hành điều hiện và thủ tục thành lập, đình chỉ hoạt động, sáp nhập, chia, tách, giải thể trường đại học có quy định:

Các trường phải đáp ứng điều kiện diện tích đất xây dựng không ít hơn 5ha, thực hiện mức bình quân tối thiểu 25 m2/1 sinh viên tại thời điểm có quy mô đào tạo cao nhất. Diện tích nhà đưa vào sử dụng đạt bình quân tối thiểu 9 m2/1 sinh viên, trong đó diện tích học tập đạt 6 m2/1 sinh viên, diện tích làm việc cho giảng viên 8 m2/giảng viên.

Theo GS. TSKH. Đặng Ứng Vận, thì thực tế thực tiễn để đạt được các chỉ tiêu đó với một trường có 10.000 sinh viên thì cần ít nhất 780 tỉ đồng xây dựng cơ sở vật chất, chưa tính chiều sâu trang thiết bị giảng dạy và nghiên cứu.

Với lãi suất cho vay ưu đãi là 15%/năm thì mức phí phải cho là 120 tỉ/năm và 10 tỉ/tháng, do đó sinh viên phải gánh thêm 1 triệu/tháng. Đây chính là nguyên do chủ yếu khiến học phí của các trường NCL cao lên, trong khi đó mục tiêu của xã hội hóa không phải hướng vào con nhà giàu mà hướng tới những gia đình nghèo không có điều kiện cho con đi học, cũng như hướng tới nhu cầu học tập của số đông...

Ở đây xuất hiện mâu thuẫn, đó là việc đảm bảo chất lượng thì đòi hỏi đầu tư lớn trong khi mức học phí không thể tăng cao, và tăng học phí cũng có nghĩa giảm số sinh viên đầu vào. Các trường NCL đang ở trong tình cảnh này.

GS. TSKH. Đặng Ứng Vận cũng chia sẻ, vướng mắc trong quản lí cũng là một nguyên do thách thức đối với trường NCL. Trong điều kiện khó khăn như hiện nay việc các trường tự chịu chung một định chế với các trường công và thua kém về tính tự chủ so với các trường nước ngoài đã đặt các trường tư vào thế yếu, thế bất lợi trong cuộc cạnh tranh không cân sức.

“Nhà nước kiểm soát đầu vào thông qua điểm sàn dẫn đến một thực tế trường công, các trường trọng điểm vẫn có quyền lấy tới điểm sàn đồng nghĩa với việc chiếm hết thị phần trường tư, đặc biệt là các trường mới thành lập. Tại sao không đặt các trường công, trường trọng điểm vào một thách thức tương tự, tức là các trường quốc gia, trường vùng, trường trọng điểm không được lấy quá 15% số thí sinh có điểm cao nhất, các trường công không được lấy quá 30% thí sinh có điểm cao nhất, và dành 15% từ điểm sàn trở lên cho các trường mới thành lập?”./.
Xuân Trung