Quy hoạch đất xây trường học phải được công khai, nhân dân mới giám sát được

17/02/2020 08:18
Tùng Dương
(GDVN) - Không phải chỉ nhà nước ôm hết, lo hết và bí mật hết, như vậy là không được. Tất cả phải được công khai giám sát thì mới có thể quy trách nhiệm rõ ràng được.

Ngày 11/2, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Quy hoạch mạng lưới trường lớp tại Hà Nội, thực trạng và giải pháp”. Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Nguyên Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội, và hiện là Thành viên Tổ tư vấn Ủy ban đổi mới Giáo dục - Đào tạo, đã đến dự và chia sẻ quan điểm: 

“Chúng ta đưa ra mục tiêu là học sinh của Hà Nội phải có chỗ học, dần dần sĩ số cũng như tiêu chuẩn chất lượng sẽ đi theo. Chúng ta không thể đòi hỏi ngay tất cả những mặt đó cùng lên một lúc được.

Mục tiêu là học sinh được học chuẩn theo quy định của nhà nước, chứ không phải theo chuẩn là cố "nhồi nhét như gà", tới 60 em một lớp.

Nhưng để làm được câu chuyện đó thì mục tiêu thứ 2 chúng ta phải giải quyết ngay là công khai việc (dự báo) phát triển dân số và phát triển giáo dục, phải làm sao để ra được quy chế và phải công khai việc này.

Quy hoạch đất xây trường học phải được công khai, nhân dân mới giám sát được ảnh 1Tôi không tưởng tượng được tiểu học sĩ số 60, 70 em thì dạy thế nào?

Vừa rồi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có nói là tìm đâu cũng không thấy thông tin cũng như tài liệu (danh mục/bản đồ đất) quy hoạch trường học ở Hà Nội. Như vậy thì làm sao chúng ta giám sát được, dân biết dân bàn dân kiểm tra mà như vậy thì làm sao mà bàn được.

Có lẽ Thủ tướng phải phát lệnh thì mới được, chứ cứ để các ban ngành ngồi bàn với nhau thì còn lâu mới ra. Nếu không có người quyết định làm việc này một cách tới nơi tới chốn.

Tôi thấy việc công khai giữa (quy mô phát triển) dân số và phát triển giáo dục phải đi liền với nhau, nhưng phải đạt mục tiêu là có người chịu trách nhiệm về việc này ở Chính phủ, ở từng địa phương là ai?

Một đồng chí chủ tịch tỉnh, chủ tịch huyện…nhưng tất cả các quy hoạch phát triển về giáo dục của địa phương nơi đồng chí đó quản lý, nếu không hoàn thành thì đồng chí đó phải chịu trách nhiệm. Có như vậy thì đồng chí đó mới lo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có chỉ số đánh giá và tham gia phát triển giáo dục của các địa phương…chứ nghị quyết văn bản nào cũng có nhưng cuối cùng trách nhiệm đến đâu ?

Ví dụ hiện nay chúng ta có chỉ số cạnh tranh đánh giá các địa phương, làm thuận lợi cho các cơ quan xí nghiệp, doanh nghiệp phát triển, vậy mà thế vẫn còn trầy trật. Nên tôi muốn giáo dục cũng phải có chỉ số này.

Ngành giáo dục có thể tham gia để đảm bảo đưa ra chỉ số đó cho từng địa phương về việc này, phải cập nhật thường xuyên từng địa phương, từng phường, từng xã…

Vấn đề nữa là làm sao có quy chế công khai phát triển dân số, nó phải gắn giữa nhà nước và người dân cùng chịu trách nhiệm.

Chứ không phải chỉ có việc của nhà nước ôm hết, lo hết và bí mật hết, như vậy là không được. Tất cả phải được công khai, được giám sát thì mới có thể quy trách nhiệm rõ ràng được.

Còn về Báo điện tử Giáo dục Việt Nam thì tôi đề nghị phải làm rõ những khó khăn, hạn chế cũng như tác hại của việc quy hoạch hiện nay không đáp ứng được nhu cầu phát triển của người dân, của toàn xã hội.

Tất cả những khu đô thị mới, khu công nghiệp mới xây dựng đều phải có trường học công lập cũng như bệnh viện cho người dân. Dứt khoát phải đảm bảo yêu cầu đó.

Phải quy định chủ đầu tư xây trường thì mới cho bán căn hộ, trách nhiệm của nhà nước và của người dân rất rõ ràng, công khai”.

 

Đến dự buổi tọa đàm có các đại biểu:

Giáo sư Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội khóa 14.

Giáo sư Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện là Thành viên Tổ tư vấn Ủy ban đổi mới Giáo dục - Đào tạo.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Nguyên Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội, và hiện là Thành viên Tổ tư vấn Ủy ban đổi mới Giáo dục - Đào tạo.

Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội).

Phó giáo sư Đặng Thị Thanh Huyền - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Quản lý Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục.

Bà Trần Kim Phương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Everest.

Tùng Dương