Quy định mới làm tăng áp lực sổ sách với giáo viên như thế nào?

11/11/2020 08:47
NGUYỄN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc đánh giá, xếp loại học tập của học sinh từ nay được kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét với điểm số giống như cấp Tiểu học nên giáo viên sẽ vất vả nhiều hơn.

Bắt đầu từ năm học 2020-2021 này thì giáo viên sẽ thực hiện việc đánh giá, xếp loại học sinh theo hướng dẫn của Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều về Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT.

Điều đáng chú ý là việc đánh giá, xếp loại học tập của học sinh từ nay được kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét với điểm số giống như cấp Tiểu học nên giáo viên sẽ phải vất vả nhiều hơn trước đây.

Bởi 2 cấp học này, giáo viên phải dạy nhiều lớp đối với những môn có 1 tiết/ tuần thì có thể giáo viên sẽ có khoảng 8-9 trăm học sinh nên chắc chắn vào giai đoạn cuối học kỳ, cuối năm học sẽ vô cùng áp lực khi phải ngồi để viết nhận xét sự tiến bộ của học trò.

Áp lực hồ sơ sổ sách của giáo viên vẫn đang rất lớn. (Ảnh minh họa: Thuvienphapluat.vn)

Áp lực hồ sơ sổ sách của giáo viên vẫn đang rất lớn. (Ảnh minh họa: Thuvienphapluat.vn)

Sự khác nhau giữa Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT và Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT về việc đánh giá, xếp loại học trò

Từ năm 2011 đến trước năm học 2020-2021 này giáo viên cấp trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông chỉ có môn Giáo dục công dân là kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét và cho điểm.

Tại Điểm b, Khoản 1, Điều 6 của Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT đã quy định:

b) Kết hợp giữa đánh giá bằng cho điểm và nhận xét kết quả học tập đối với môn Giáo dục công dân:

- Đánh giá bằng cho điểm kết quả thực hiện các yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng và thái độ đối với từng chủ đề thuộc môn Giáo dục công dân quy định trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở, cấp trung học phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;

- Đánh giá bằng nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi trong việc rèn luyện đạo đức, lối sống của học sinh theo nội dung môn Giáo dục công dân quy định trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở, cấp trung học phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành trong mỗi học kỳ, cả năm học.

-Kết quả nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi trong việc rèn luyện đạo đức, lối sống của học sinh không ghi vào sổ gọi tên và ghi điểm, mà được giáo viên môn Giáo dục công dân theo dõi, đánh giá, ghi trong học bạ và phối hợp với giáo viên chủ nhiệm sau mỗi học kỳ tham khảo khi xếp loại hạnh kiểm”.

Như vậy, chỉ trừ môn các môn Thể dục, Âm nhạc, Mĩ thuật xếp loại học trò bằng hình thức đánh giá: Đạt yêu cầu (Đ), Chưa đạt yêu cầu (CĐ) và môn Giáo dục công dân kết hợp giữa nhận xét và cho điểm thì các môn học còn lại chỉ áp dụng hình thức cho điểm số.

Nhưng đầu năm học này thì Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT ra đời nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều về Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT có một số thay đổi.

Điều đáng chú ý là tại Khoản 1, Điều 1 của Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Điểm b, Khoản 1, Điều 1 như sau:

b) Kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số đối với các môn học còn lại:

- Đánh giá bằng nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi và kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập của học sinh trong quá trình học tập môn học, hoạt động giáo dục quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

- Đánh giá bằng điểm số kết quả thực hiện các yêu cầu về chuẩn kiến thức, kĩ năng đối với môn học quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

- Kết quả đánh giá theo thang điểm 10, nếu sử dụng thang điểm khác thì phải quy đổi về thang điểm 10".

Như vậy là chỉ trừ các môn Thể dục, Âm nhạc, Mĩ thuật ra thì từ năm học này sẽ kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số đối với tất cả các môn học còn lại.

Giáo viên được yêu cầu phải có 2 loại sổ để đánh giá học trò

Thời điểm này, các trường học trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông đã triển khai cho giáo viên thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT.

Và, giáo viên 2 cấp học này sẽ phải có 2 loại sổ là “sổ điểm” và “sổ theo dõi đánh giá học sinh” để ghi chép, nhận xét sự tiến bộ của học trò trong quá trình học.

Nhưng, sổ theo dõi đánh giá học sinh sẽ ghi chép ra sao?

Giáo viên được Ban giám hiệu triển khai nhưng rất chung chung và mơ hồ bởi Ban giám hiệu có lẽ cũng không hình dung được sẽ ghi như thế nào vào sổ theo dõi đánh giá học sinh.

Vì thế, Ban giám hiệu chỉ yêu cầu là thầy cô ghi sự tiến bộ về thái độ, hành vi và kết quả thực hiện nhiệm vụ của học trò. Thế nhưng, những em không tiến bộ thì giáo viên ghi cái gì? Chẳng lẽ lại ghi là học sinh học hành sa sút chăng?

Trong khi, tất cả các bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ thì Ban giám hiệu đều yêu cầu phải nhận xét vào bài làm của học sinh. Như vậy, thầy cô đã nhận xét rõ ràng vào điểm bài kiểm tra rồi.

"Hành vi, thái độ" thì đã có phần xếp loại hạnh kiểm cho học trò qua mỗi học kỳ và giáo viên chủ nhiệm đều lấy ý kiến của giáo viên bộ môn cho việc xếp loại hạnh kiểm học sinh.

Thêm phần đánh giá bằng nhận xét, nói thì có phần đơn giản nhưng để ghi hàng trăm, thậm chí đến 8-9 trăm học sinh (đối với những môn 1 tiết) không phải là chuyện dễ dàng đối với giáo viên.

Vì giáo viên hiện nay có vô vàn những công việc ngoài chuyên môn khác nữa…

Hơn nữa, phần mềm điểm điện tử, điểm sổ lớn, học bạ hiện nay chỉ thiết kế cột cho điểm đối với giáo viên bộ môn và phần nhận xét chỉ dành riêng cho giáo viên chủ nhiệm.

Điều này cũng đồng nghĩa giáo viên bộ môn chỉ có thể ghi được điểm số và ký tên mà thôi.

Vậy, giáo viên đánh giá bằng nhận xét để làm gì thì cấp trên…không nói cụ thể nhưng yêu cầu phải có sổ theo dõi để viết nhận xét cho từng lớp, từng học sinh?

Cứ ngỡ Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT ra đời sẽ giảm bớt được một số bài kiểm tra định kỳ để đỡ áp lực cho giáo viên nhưng lại thêm sổ đánh giá bằng nhận xét nữa thành ra lại áp lực sẽ còn lớn hơn Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT trước đây!

NGUYỄN NGUYÊN