Quy chế đào tạo tiến sĩ 2017 “chạm đúng long mạch” không cải tiến, đừng cải lùi

21/07/2021 06:40
Nghiên cứu sinh Nguyễn Thành
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Với bối cảnh Việt Nam, tôi thấy yêu cầu của Thông tư 08/2017 là hoàn toàn vừa sức, là một bước đệm cần thiết trước khi chúng ta có những yêu cầu cao hơn.

LTS: Tiếp nối những trao đổi gần đây của giới học thuật về Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành, nghiên cứu sinh Nguyễn Thành từ Đài Loan, Trung Quốc gửi tới Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết liên quan đến chủ đề này này.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu bài viết tới độc giả, văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả, tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt lại.

Hội nhập quốc tế trong nghiên cứu khoa học và đào tạo tiến sĩ là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong gần 20 năm trở lại đây. Và Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT về đào tạo tiến sĩ (gọi tắt là Quy chế 2017) có thể nói là một trong những văn bản tiến bộ, cập nhật nhất.

Cụ thể, theo Quy chế 2017, nghiên cứu sinh muốn tốt nghiệp bên cạnh 01 bài báo công bố trong các tạp chí trong nước, cần phải có 01 bài báo được đăng trên các Tạp chí ISI/Scopus. Bài báo ISI/Scopus này có thể được thay thế bằng 02 bài đăng trên các hội thảo quốc tế. Yêu cầu tương tự cũng được áp dụng với giáo viên hướng dẫn.

Từ trải nghiệm cá nhân, tôi thấy quy chế này thực ra là vẫn còn yêu cầu quá thấp so với các trường đại học tại Đài Loan, là nơi tôi đã học Thạc sĩ và hiện đang học nghiên cứu sinh. Các trường đại học thuộc khối Khoa học xã hội như Kinh tế, Quản trị … tại Đài Loan thường yêu cầu học viên cao học đã phải có 01 bài báo quốc tế, còn nghiên cứu sinh thì thường có yêu cầu tối thiểu 01 bài ISI (tức là còn khó hơn Scopus). Một số trường top đầu thậm chí còn yêu cầu cao hơn, 2 bài ISI hoặc 01 bài ISI trong nhóm Q2 trở lên ở bậc tiến sĩ. Đối với các ngành Khoa học tự nhiên và Công nghệ thì yêu cầu trên còn cao hơn nhiều.

Mặc dù vậy, với bối cảnh Việt Nam, tôi thấy yêu cầu của Thông tư 08 là hoàn toàn vừa sức, là một bước đệm cần thiết trước khi chúng ta có những yêu cầu cao hơn (ví dụ có thể bỏ 02 hội thảo quốc tế thay thế được bài ISI/Scopus).

Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và thời đại

Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và thời đại

Tuy nhiên trong Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành thì lại hoàn toàn bỏ đi yếu tố bắt buộc về công bố quốc tế, kể cả bài hội thảo quốc tế. Điều này dẫn đến một thực tế là khi áp dụng Thông tư này, chúng ta có thể có nhiều tiến sĩ ra trường mà hoàn toàn không nói, viết, trao đổi được với các học giả quốc tế bằng tiếng Anh hoặc ngoại ngữ khác. Như vậy, nói Thông tư 18 là bước thụt lùi như nhiều chuyên gia đã lên tiếng quả là không sai.

Cũng có những ý kiến cho rằng, theo Thông tư 18, nghiên cứu sinh phải làm việc như cán bộ cơ hữu tại trường đại học thì kết quả đầu ra sẽ rất yên tâm. Tôi cho là đây là nhận xét rất “thơ ngây”. Tại Đài Loan, tất cả các giảng viên đều có phòng riêng, nghiên cứu sinh thì có phòng làm việc chung (mỗi người 1 bàn), chưa kể nếu ở các ngành có thực nghiệm thì sẽ có phòng lab để cho nghiên cứu sinh lên làm việc.

Nhưng ở Việt Nam thì giảng viên còn không có chỗ ngồi riêng, văn phòng khoa phần lớn chỉ là 1 bàn làm việc chung, vừa là bàn họp, vừa là chỗ ngồi uống nước. Giờ thêm nghiên cứu sinh làm việc cơ hữu thì chắc chắn không có chỗ ngồi. Giáo viên hướng dẫn và nghiên cứu sinh muốn gặp nhau thì chắc chỉ còn cách … ra quán nước.

Cũng có những ý kiến cho rằng, không cần yêu cầu đầu ra với nghiên cứu sinh, mà chỉ cần các thầy hướng dẫn và Hội đồng thật nghiêm túc thì chất lượng nghiên cứu sinh sẽ tự nhiên tốt. Điều này đúng, nhưng với điều kiện tất cả các thầy hướng dẫn và hội đồng phải ở trình độ quốc tế rất cao (ví dụ mỗi người là tác giả chính của 10 bài ISI/Scopus trở lên).

Nếu làm được như thế thì rõ ràng Thông tư của Bộ cũng chả cần yêu cầu nghiên cứu sinh phải có công bố quốc tế làm gì, vì nếu Bộ không yêu cầu thì thầy cũng sẽ yêu cầu. Tuy vậy, nếu làm cách này thì chắc số người đủ điều kiện hướng dẫn nghiên cứu sinh ở mỗi ngành chắc chỉ còn … đếm trên đầu ngón tay.

Với những phân tích trên, có thể thấy, Thông tư 08 năm 2017 về đào tạo tiến sĩ rất phù hợp, yêu cầu không quá cao với cả nghiên cứu sinh lẫn thầy hướng dẫn, nhưng vẫn đảm bảo tính hội nhập quốc tế. Các trường hay viện có đào tạo tiến sĩ có thể căn cứ vào đây mà từng bước đổi mới hoạt động đào tạo, chuẩn bị cơ sở vật chất phù hợp. Nói như lời của chương trình Shark Tank Việt Nam, có thể nói Thông tư 08 đã “chạm đúng long mạch” giúp Việt Nam có thể hội nhập quốc tế về nghiên cứu khoa học và đào tạo tiến sĩ. Rất tiếc, Thông tư 18 thay thế đã không tiếp nối được tinh thần đó.

Nghiên cứu sinh Nguyễn Thành