Quốc hội thẩm tra sơ bộ tình hình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa

13/10/2017 11:17
Thùy Linh
(GDVN) - Thường trực Ủy ban đề nghị Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo cân nhắc dành thời gian thích đáng cho việc thực nghiệm chương trình, sách giáo khoa mới.

Nghị quyết 88/2013/QH13 được Quốc hội ban hành ngày 28/11/2014 trong đó nêu rõ, chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới sẽ được bắt đầu triển khai áp dụng theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông từ năm học 2018-2019.

Thực hiện sự phân công của Quốc hội tại Nghị quyết 88 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (Nghị quyết 88), từ năm 2015, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã tổ chức nhiều hoạt động giám sát việc thực hiện Nghị quyết 88.

Vừa qua, trên cơ sở kết quả giám sát và Tờ trình số 408/TTr-CP ngày 06/10/2017 của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (gọi tắt là Thường trực Ủy ban – PV) đã tổ chức thẩm tra sơ bộ việc thực hiện Nghị quyết 88. 

Hình minh họa, nguồn: VTV.vn.
Hình minh họa, nguồn: VTV.vn.

Theo đó, Thường trực Ủy ban cơ bản tán thành với những nội dung trong Tờ trình số 408/TTr-CP của Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết 88 và cho rằng:

Các nội dung này đã thể hiện tương đối đầy đủ các công việc đã thực hiện, xác định được những việc cần làm trong thời gian tới và chỉ ra được một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chưa bảo đảm theo lộ trình đã đặt ra.

Thường trực Ủy ban đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ và của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 88. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nêu trên, Thường trực Ủy ban nhận thấy, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, việc xây dựng, thẩm định, thực nghiệm và ban hành chương trình mới còn chậm, chưa bảo đảm theo lộ trình và tiến độ đặt ra. Đó là: 

Riêng việc ban hành chương trình tổng thể đã chậm hơn 1 năm so với kế hoạch [1]

Chương trình các môn học vẫn chưa hoàn thiện để tạo cơ sở cho việc biên soạn, thẩm định, thực nghiệm sách giáo khoa cũng như bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên;

Các địa phương chưa có căn cứ để chuẩn bị biên soạn phần nội dung giáo dục của địa phương;

Cơ sở giáo dục cũng chưa có căn cứ để xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp theo tinh thần Nghị quyết.

Đặc biệt là sự chậm trễ trong việc chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, mặc dù các nội dung này đã được xác định rất rõ trong Nghị quyết của Quốc hội. 

Đến nay, đề án về bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục phổ thông chưa được phê duyệt [2]

Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục triển khai còn chậm;

Đội ngũ giáo viên phổ thông chưa được chuẩn bị kỹ, nhất là những yêu cầu liên quan đến dạy học tích hợp, dạy học trải nghiệm, đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới kiểm tra, đánh giá…  

Quốc hội thẩm tra sơ bộ tình hình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa ảnh 2

Tổng Chủ biên tiết lộ yêu cầu đối với cá nhân, tổ chức viết sách giáo khoa

Nội dung kinh phí cũng chưa được xác định đầy đủ, chủ yếu mới tính toán được phần kinh phí phục vụ các hoạt động ở cấp trung ương, chưa rõ phần kinh phí của địa phương;

Nhiều tỉnh sẽ khó khăn trong việc bố trí ngân sách để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ngoài ra, việc đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 88 trong báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội định kỳ hằng năm cũng chưa được thực hiện theo đúng tinh thần của Nghị quyết.

Những việc cần triển khai thực hiện trong thời gian tới

Thường trực Ủy ban đề nghị Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tập trung chỉ đạo, hoàn thiện chương trình, sách giáo khoa, tích cực chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất và đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục phổ thông, bảo đảm tính khả thi và chất lượng thực hiện chương trình.

Nghị quyết 88 đặt ra những yêu cầu rất khắt khe đối với việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

Từ nay cho đến lúc áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới, khối lượng công việc cần triển khai là rất lớn, từ việc xây dựng chương trình môn học, biên soạn, thẩm định, thí điểm, lựa chọn sách giáo khoa, xây dựng và thẩm định nội dung giáo dục địa phương đến việc tập huấn, đào tạo đội ngũ giáo viên, chuẩn bị trang thiết bị trường, lớp học, môi trường làm việc và học tập... 

Tất cả những việc này cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng để bảo đảm chất lượng triển khai chương trình;

Tránh lặp lại những hạn chế, bất cập do việc triển khai thiếu đồng bộ như đã xảy ra khi thực hiện Nghị quyết 40/2000/QH10 của Quốc hội. 

Thường trực Ủy ban cũng đề nghị Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo cân nhắc dành thời gian thích đáng cho việc thực nghiệm chương trình, sách giáo khoa mới. 

Quốc hội thẩm tra sơ bộ tình hình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa ảnh 3

Giáo dục là sự nghiệp trăm năm, lùi lại 1 năm cũng không gây ảnh hưởng gì lớn

Đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này bao gồm nhiều nội dung, phương thức tổ chức giáo dục mới;

Do vậy, cần thực nghiệm nghiêm túc, cẩn trọng trước khi áp dụng đại trà. 

Quyết định 404 của Thủ tướng Chính phủ đã có sự phân công trách nhiệm giữa trung ương, địa phương trong xây dựng và triển khai chương trình mới;

Tuy nhiên, do thiếu hướng dẫn, các địa phương và cơ sở giáo dục rất lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các phần việc của mình. 

Bên cạnh đó, việc xác định các nội dung ưu tiên đầu tư, hỗ trợ cho các địa phương miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn cũng cần được làm rõ để bảo đảm chất lượng triển khai chương trình mới trên cả nước.

Thường trực Ủy ban đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo định kỳ cung cấp thông tin đến Quốc hội, Ủy ban và cử tri cả nước về tình hình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông;

Hằng năm nghiêm túc đánh giá kết quả triển khai Nghị quyết 88 trong báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trình Quốc hội theo quy định tại Điều 3 của Nghị quyết.

Về việc lùi thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới

Theo Tờ trình, Chính phủ đề nghị áp dụng chương trình và sách giáo khoa mới theo phương thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học trên phạm vi toàn quốc đối với cấp tiểu học từ năm học 2019-2020, đối với cấp trung học cơ sở từ năm học 2020-2021 và đối với cấp trung học phổ thông từ năm học 2021-2022. 

Như vậy, so với lộ trình được quy định trong Nghị quyết của Quốc hội, việc áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới sẽ chậm lại 01 năm ở các lớp tiểu học, 02 năm ở các lớp trung học cơ sở và 03 năm ở các lớp trung học phổ thông.

Quốc hội thẩm tra sơ bộ tình hình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa ảnh 4

"Việc rất lớn, ảnh hưởng toàn dân, phải thận trọng, đã làm là phải thành công"

Thường trực Ủy ban cho rằng, do việc triển khai xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới và các điều kiện bảo đảm đã bị chậm nên kiến nghị về lùi thời điểm áp dụng chương trình mới là cần thiết để có đủ thời gian chuẩn bị, tạo sự đồng thuận trong xã hội khi triển khai đại trà.

Tuy nhiên, đây là nội dung quan trọng, Thường trực Ủy ban đề nghị Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đánh giá nghiêm túc những công việc đã thực hiện, xác định đầy đủ nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ so với kế hoạch ban đầu;

Tính toán kỹ lưỡng khối lượng công việc còn lại và thời gian cần thiết để thực hiện, có sự lưu tâm thỏa đáng đến khả năng đáp ứng (cả cấp trung ương và địa phương) cũng như những khó khăn, thách thức có thể ảnh hưởng đến kế hoạch thực hiện. 

Từ đó nghiên cứu, đề xuất một số phương án lùi thời gian bắt đầu áp dụng và phương thức triển khai chương trình, sách giáo khoa mới; cung cấp đầy đủ thông tin về ưu điểm và hạn chế của các phương án để Quốc hội có căn cứ xem xét, quyết định.

Chú thích: 

[1] Theo Quyết định 404, chậm nhất đến tháng 6/2016 phải ban hành chương trình mới (gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học).

Tuy nhiên, đến ngày 27/7/2017, chương trình tổng thể mới được Ban Chỉ đạo Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua.

[2] Theo Quyết định 404, các đề án này phải được phê duyệt trước tháng 6/2016

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ thông tin tới độc giả Tờ trình số 408/TTr-CP ngày 06/10/2017 của Chính phủ ở bài viết sau. 

Thùy Linh