Quốc hội giao Chính phủ lấy ý kiến nhân dân về Luật Giáo dục sửa đổi

22/11/2018 08:58
Đỗ Thơm
(GDVN) - Theo đó, lấy ý kiến nhân dân về Luật Giáo dục (sửa đổi) như thế nào Chính phủ sẽ tùy điều kiện cụ thể để tổ chức hình thức phù hợp.

Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV có đề cập đến ý kiến đại biểu liên quan đến Luật Giáo dục (sửa đổi).

Theo báo cáo nêu, có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để tiếp tục thảo luận, góp ý kiến về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) và các dự án luật khác do còn nhiều đại biểu đăng ký nhưng chưa phát biểu tại hội trường.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến, thời gian qua, thực hiện nhiệm vụ theo quy định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức nhiều Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để cho ý kiến về một số dự án, đề án quan trọng, còn ý kiến khác nhau.

Ảnh minh họa: Trần Vương
Ảnh minh họa: Trần Vương

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiên cứu tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) và một số nội dung khác trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019).

Trong đó sẽ mời thêm các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Ngoài ra, dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) sẽ được tổ chức lấy ý kiến Nhân dân.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép không bổ sung nội dung này vào dự thảo Nghị quyết để tạo sự chủ động, linh hoạt hơn cho công tác chuẩn bị Hội nghị.

Tại cuộc họp báo kết thúc kỳ họp do Tổng Thư ký Quốc hội tổ chức, đại biểu Phạm Tất Thắng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh, Luật Giáo dục (sửa đổi) thu hút sự quan tâm của đại biểu, dư luận xã hội.

Chính vì thế Quốc hội đã điều chỉnh xây dựng Luật từ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục (sửa đổi) sang sửa đổi toàn diện.

Dự án Luật từ cho ý kiến và thông qua ở 2 kỳ họp sang 3 kỳ họp.

"Luật tác động đến rất nhiều đối tượng trong xã hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nghị quyết giao cho Chính phủ trong quá trình xây dựng hoàn thiện dự án Luật tổ chức lấy ý kiến nhân dân.

Lấy ý kiến như thế nào Chính phủ sẽ tùy điều kiện cụ thể sẽ tổ chức hình thức phù hợp.

Trong quá trình lấy ý kiến đóng góp dự án Luật này, các cơ quan của Quốc hội trong đó có Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng là cơ quan được Quốc hội giao thẩm tra dự án Luật.

Nếu cần, chúng tôi sẽ có trao đổi chuyên môn với các cơ quan của Chính phủ, có hình thức lấy ý kiến phù hợp.

Đặc biệt là lấy ý kiến từ các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp từ Luật này", ông Phạm Tất Thắng nhấn mạnh.

Đỗ Thơm