Quan điểm của Bộ trưởng Nhạ về sáp nhập trường

28/08/2018 06:37
Thùy Linh
(GDVN) - Chỉ sáp nhập các trường có quy mô nhỏ ở cùng địa bàn cấp xã; trường tiểu học có quy mô dưới 10 lớp, xem xét ghép với trường trung học cơ sở trên cùng địa bàn.

Ngày 24/8, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có văn bản 3712/BGDĐT-CSVC hướng dẫn thực hiện rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương.

Theo đó, Bộ trưởng Nhạ cho biết, thực hiện Nghị quyết số 19-NQ-TW ngày 25/10/2017 và Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018, nhiều địa phương đã quan tâm chỉ đạo thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo. 

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, tại một số địa phương còn có những khó khăn, bất cập, dẫn đến việc triển khai thiếu đồng bộ, gây lãng phí và ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục. 

Để khắc phục những hạn chế này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện theo một số nguyên tắc sau: 

Thứ nhất, đối với việc dồn dịch các điểm trường và sáp nhập các trường có quy mô nhỏ

Bộ trưởng yêu cầu các địa phương cần thực hiện rà soát thực trạng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; đánh giá thực trạng các điểm trường lẻ, các trường có quy mô nhỏ;

Xây dựng lộ trình cụ thể, phù hợp để triển khai sắp xếp các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở (về điều kiện địa lý, giao thông, số lượng lớp/ trường thấp, bố trí điểm lẻ chưa hợp lý) và bố trí số lượng học sinh/ lớp theo quy định. 

Sau sáp nhập, thư viện trường Tiểu học và Trung học cơ sở Vĩnh Đồng (Kim Bôi, Hòa Bình) có gần 1.100 đầu sách, tạo điều kiện cho học sinh học tập, tìm hiểu, giải trí. (Ảnh minh họa: Báo Hòa Bình)
Sau sáp nhập, thư viện trường Tiểu học và Trung học cơ sở Vĩnh Đồng (Kim Bôi, Hòa Bình) có gần 1.100 đầu sách, tạo điều kiện cho học sinh học tập, tìm hiểu, giải trí. (Ảnh minh họa: Báo Hòa Bình)

Đồng thời việc dồn dịch, sáp nhập các điểm trường, trường có quy mô nhỏ phải được thực hiện trên nguyên tắc tạo thuận lợi cho người dân, đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh;

Phù hợp với quy hoạch, yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. 

Khắc phục tình trạng trường lớp có quy mô nhỏ và chất lượng giáo dục chưa cao, từ đó có điều kiện tập trung đầu tư nguồn lực cả về đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục. 

Quan điểm của Bộ trưởng Nhạ về sáp nhập trường ảnh 2Sáp nhập sở, ngành, nói thật là không nên chần chừ nữa

Đảm bảo sĩ số học sinh/ lớp theo quy định; đồng thời có giải pháp phù hợp thuận lợi, an toàn cho việc đi lại của học sinh khi đến trường; không để xảy ra tình trạng học sinh bỏ học do phải đi lại quá xa. 

Các cơ sở giáo dục thuộc diện dồn dịch điểm lẻ cần chuẩn bị đủ cơ sở vật chất (phòng học, phòng ở bán trú, nhà làm việc, nhà công vụ, các công trình bếp, nhà ăn, nhà vệ sinh, hệ thống điện nước...) đặc biệt đối với các trường bán trú và cấp mầm non, nhằm đảm bảo quy trì, nâng cao chất lượng giáo dục. 

Chỉ sáp nhập các trường có quy mô nhỏ ở cùng địa bàn cấp xã; các trường tiểu học có quy mô dưới 10 lớp, xem xét ghép với trường trung học cơ sở trên cùng địa bàn xã; các xã có 2 đến 3 trường tiểu học, xem xét sáp nhập thành một trường nhưng phải đảm bảo đủ điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. 

Việc sáp nhập để hình thành các trường có nhiều cấp học phải phân khu vực riêng biệt cho từng cấp học nhằm đảm bảo tính đặc thù (về thời lượng tiết học, hình thức tổ chức dạy học...) tránh làm ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học của mỗi cấp học. 

Không sáp nhập các cơ sở giáo dục mầm non với các cơ sở giáo dục phổ thông. 

Chuyển đổi mục đích đất đai, cơ sở vật chất tại những điểm trường được chuyển đi đảm bảo phù hợp với quy hoạch, hiệu quả, tránh lãng phí...

Thứ hai, về cơ chế chính sách


Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu chính quyền địa phương các cấp ở địa phương cần có những giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm bố trí, sắp xếp và giải quyết đầy đủ chế độ, chính sách cho giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý theo quy định. 

Thùy Linh