Quận 12 sẽ nhận hết học sinh lớp 1 bằng cách giảm tỷ lệ học 2 buổi/ngày

24/08/2020 13:36
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bình quân một năm dân số của quận 12 tăng khoảng hơn 20.000 dân, kéo theo học sinh tăng, nhưng năm nay quận lại không có trường tiểu học nào mới được xây dựng.

Sáng ngày 24/8/2020, ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ trì buổi họp, nghe Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, các quận huyện báo cáo về tình hình tuyển sinh các lớp đầu cấp năm học tới của thành phố.

Tại buổi họp này, các đại biểu tham dự đã tìm ra các giải pháp gỡ khó cho một số quận, huyện trên địa bàn còn gặp khó khăn trong việc triển khai dạy 2 buổi/ngày cho học sinh lớp 1 trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo báo cáo của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, năm học sắp tới, thành phố dự kiến tăng hơn 54.600 học sinh các cấp, nhiều nhất vẫn là bậc trung học cơ sở với gần 28.000 học sinh, tập trung ở các quận Thủ Đức, Bình Tân, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Củ Chi và quận 9, 12.

Toàn bộ các học sinh lớp 1 sẽ được tiếp nhận vào học (ảnh minh họa: CTV)

Toàn bộ các học sinh lớp 1 sẽ được tiếp nhận vào học (ảnh minh họa: CTV)

Nguyên nhân là do đô thị hóa nhanh, tình trạng dân số tăng cơ học cao. Năm học tới, thành phố dự kiến có hơn 2.340 trường học, với hơn 1,7 triệu học sinh và gần 81.000 giáo viên các bậc học.

Số học sinh không có hộ khẩu trên địa bàn thành phố là hơn 377.700 em, làm gia tăng sĩ số học sinh trên mỗi lớp vượt cao so với chuẩn quy định ở bậc tiểu học. Số học sinh được học 2 buổi/ngày giảm.

Trong năm nay, thành phố dự kiến đưa vào sử dụng 90 dự án, với hơn 1.370 phòng học mới, trong đó số phòng học tăng thêm là 868 phòng.

Năm học sắp tới, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục đảm bảo 100% con em sinh sống trên địa bàn, kể cả trường hợp không có hộ khẩu thành phố đủ chỗ học.

Cũng theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, toàn địa bàn có 19/24 quận, huyện đảm bảo chỗ học sinh cho học sinh lớp 1 trong năm tới để thực hiện chương trình mới.

Tuy nhiên, vẫn còn các quận: Gò Vấp, 12, Bình Tân, Tân Phú, Thủ Đức và 2 xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B của huyện Bình Chánh chưa thể đảm bảo việc này.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Phú – ông Tạ Tân nói rằng, năm tới, quận dự kiến có khoảng hơn 7.000 học sinh lớp 1. Quận sẽ tạo điều kiện cho tất cả con em trên địa bàn có chỗ học.

Dù vậy, do điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế nên tỷ lệ học 2 buổi/ngày của quận chỉ đạt khoảng 30%.

Hiện quận Tân Phú đã tham mưu, chấp nhận phương án vượt chuẩn, sĩ số cao hơn so với quy định, giảm tỷ lệ học 2 buổi/ngày, để đảm bảo hết chỗ học cho con em sinh sống trên địa bàn vào lớp 1.

Quận Tân Phú đề xuất phương án dạy học 5 buổi/tuần, dành 10% tổng số phòng học của 1 trường để dạy học cho tất cả học sinh lớp 1, đảm bảo thực hiện chương trình mới.

Nếu thời gian tới, các dự án xây trường không đảm bảo, mà dân số tiếp tục tăng nhanh, kéo theo học sinh tăng thì tỷ lệ học 2 buổi/ngày ở tiểu học sẽ bị “xóa hết”.

Tại quận 12, ông Nguyễn Văn Đức – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận cho biết, bình quân một năm dân số của quận tăng khoảng hơn 20.000 dân, kéo theo học sinh gia tăng, nhưng năm nay quận lại không có trường tiểu học nào mới được xây dựng.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh - ông Dương Anh Đức (ảnh: P.L)

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh - ông Dương Anh Đức (ảnh: P.L)

Để chuẩn bị cho tuyển sinh đầu cấp, ban đầu quận dự kiến sĩ số lớp 1 là 45 học sinh/lớp, về sau đã quyết nâng lên 50 học sinh/lớp 1. Hiện vẫn còn khoảng 1.700 học sinh lớp 1 chưa đủ điều kiện tuyển sinh, quận đã giải quyết nhưng tới nay vẫn còn 815 em chưa đủ KT3 1 năm.

Những học sinh này, quan điểm của quận 12 là chấp nhận vượt chuẩn, giảm tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày, tạo hết chỗ học cho học sinh, tạo sự an tâm cho phụ huynh.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: Bắt buộc sắp xếp chỗ học cho tất cả học sinh đủ độ tuổi đến trường, tạo điều kiện nhận hết học sinh, không kể điều kiện tạm trú.

Theo quy định của chương trình mới, học sinh phải được học 2 buổi/ngày, nhưng phải chấp nhận hy sinh, nhưng khi nhận hết học sinh thì chỉ còn được tối thiểu 6 buổi/tuần (thay vì 12 buổi), nhưng vẫn đảm bảo truyền tải kiến thức đầy đủ cho học sinh.

Về lâu dài, ông Dương Anh Đức giao Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố tính toán, cân nhắc kỹ, làm 1 đề án trình Ủy ban về việc hỗ trợ học sinh, nhất là đối với các đối tượng còn nhiều khó khăn theo học tại các trường ngoài công lập, sẽ cân nhắc trình Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thông qua.

Lãnh đạo thành phố yêu cầu: Cần rà soát lại hệ thống trường lớp, ưu tiên các dự án đầu tư công để xây dựng trường tiểu học, trung học cơ sở, làm tốt công tác dự báo…

Đồng thời, cũng cần khuyến khích phụ huynh có điều kiện để con theo học các trường tư thục, khuyến khích người dân đến thành phố có các cân nhắc kỹ về nơi cư trú, nơi làm việc.

Việt Dũng