"Quá tải" trong giáo dục phổ thông được nhận diện nhưng không dễ giải quyết

29/12/2020 06:44
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục đã nêu ra quá trình chuyển đổi số trong giảng dạy với tốc độ nhanh, cùng với đó là những thành tựu mang lại đầy khích lệ.

Ngày 28/12, tại Đà Nẵng, Hội đồng quốc gia phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh - Ủy ban về Giáo dục và Phát triển nhân lực tổ chức hội thảo: “Đổi mới giáo dục và đào tạo vì mục tiêu phát triển bền vững”.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại hội thảo. Ảnh: AN

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại hội thảo. Ảnh: AN

Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc – Phó Chủ tịch Ủy ban về Giáo dục và Phát triển nhân lực cùng lãnh đạo các Trường Đại học trên cả nước.

Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho rằng, đổi mới giáo dục và đào tạo vì mục tiêu phát triển bền vững là chủ đề có tính thế hệ.

Hội thảo này là dịp là để các nhà lãnh đạo, nhà quản lý và các nhà khoa học trao đổi kết quả nghiên cứu của mình chia sẻ kinh nghiệm và suy nghĩ của mình về đổi mới giáo dục và đào tạo.

Đối với ngành giáo dục và đào tạo, mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam là “đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người”.

Thứ trưởng Phúc cho rằng, chương trình giáo dục phổ thông mới đang đi theo hướng phát huy tối đa năng lực, phẩm chất của người học.

Giáo dục vì sự phát triển bền vững hướng tới các kiến thức, kỹ năng, giá trị và năng lục hành động để thực hiện các mục tiêu quốc gia theo các trụ cột của phát triển bền vững.

Trong phát triển kinh tế nhưng các mục tiêu kinh tế - văn hóa, xã hội và môi trường vẫn giữ được.

Giáo sư Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1 chia sẻ: “Giáo dục vì sự phát triển bền vững là xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển giáo dục Việt Nam trong tương lai gần.

Trong những năm vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nỗ lực triển khai các mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc lồng ghép các nội dung giáo dục vì sự phát triển bền vững vào chương trình giáo dục phổ thông 2018 và các kế hoạch hoạt động của ngành giáo dục.

Trở ngại lớn đối với các nỗ lực này là vấn đề “quá tải” trong giáo dục phổ thông, đây là vấn đề đã được ngành giáo dục nhận diện, xã hội phản ánh ở nhiều góc cạnh nhưng không dễ giải quyết”.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Hồng, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh đã trình bày lược khảo về các xu thế phát triển giáo dục đại học và sau đại học trên thế giới gắn liền với bối cảnh mới do đại dịch covid-19 tác động.

Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh sự bùng nổ và sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng ứng dụng công nghệ trong dạy học – dạy học từ xa.

“Từ những kinh nghiệm này, chúng tôi rút ra những kinh nghiệm Việt Nam có thể tiếp thu để đổi mới giáo dục và đào tạo, hướng đến sự phát triển bền vững của hệ thống giáo dục đại học.

Mà trọng điểm là sự đầu tư đổi mới về chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực giảng viên chất lượng cao và hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học”, Tiến sĩ Hồng chia sẻ.

Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có những chia sẻ về thực tế ứng dụng, chuyển đổi công nghệ số tại trường.

Trong đó, khẳng định sự thành công trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, giảng dạy là nhờ sự đầu tư vào công nghệ mạnh mẽ trong bối cảnh dịch bệnh.

AN NGUYÊN